Tin tức

Cảnh báo các dấu hiệu bệnh xương khớp bạn không nên bỏ qua

Ngày 18/07/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BSNT Lê Thị Dương
Nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh xương khớp đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị hiệu quả, tránh những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến khả năng vận động và chất lượng cuộc sống. Nếu bạn thường xuyên gặp phải tình trạng đau nhức, cứng khớp hay tê bì chân tay, đừng chủ quan. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết rõ các dấu hiệu cảnh báo sớm của những bệnh lý xương khớp tiềm ẩn nguy hiểm.

1. Tìm hiểu chung về bệnh xương khớp

Bệnh xương khớp là thuật ngữ chung để chỉ các tình trạng tổn thương liên quan đến xương, sụn, khớp và mô mềm xung quanh. Đây là nhóm bệnh lý mạn tính, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng vận động của người bệnh nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi, trung niên hoặc những người thường xuyên mang vác nặng, sai tư thế. 

Một số bệnh về xương khớp điển hình gồm: 

  • Thoái hóa khớp: Là tình trạng sụn khớp bị bào mòn, gây đau và cứng khớp, thường gặp ở người lớn tuổi. 
  • Viêm khớp dạng thấp: Là bệnh tự miễn mạn tính, gây viêm tại các khớp, dẫn đến sưng đau kéo dài, cứng khớp và có nguy cơ biến dạng khớp nếu không được điều trị sớm.
  • Gout: Là tình trạng rối loạn purin làm lắng đọng, tích tụ tinh thể urat tại khớp, gây sưng đau đột ngột, thường gặp ở ngón chân cái. 
  • Loãng xương: Là tình trạng xương bị mất dần mật độ và cấu trúc, khiến xương trở nên giòn, yếu và dễ gãy ngay cả khi có va chạm nhẹ.
  • Thoát vị đĩa đệm: Là tình trạng nhân nhầy trong đĩa đệm bị thoát ra ngoài hoặc lệch khỏi vị trí bình thường, chèn ép lên rễ thần kinh gây đau lưng, tê bì và yếu cơ ở tay hoặc chân.
  • Gai cột sống: Là tình trạng hình thành các mỏm xương (gai xương) trên cột sống, gây đau nhức vùng lưng, cổ và làm hạn chế khả năng vận động.
  • Viêm cột sống dính khớp: Bệnh viêm mạn tính làm cứng khớp và dính các đốt sống lại với nhau, gây gù lưng. 

2. Dấu hiệu cảnh báo bệnh xương khớp không nên bỏ qua 

Dưới đây là các dấu hiệu cảnh báo bệnh về xương khớp mà bạn cần đặc biệt quan tâm: 

Đau nhức xương khớp kéo dài 

Đây là dấu hiệu điển hình nhất của bệnh xương khớp. Cơn đau có thể xuất hiện âm ỉ hoặc dữ dội, thường gặp khi vận động, lúc thay đổi thời tiết hoặc vào sáng sớm. Nếu tình trạng đau kéo dài trên 2 tuần không rõ nguyên nhân, bạn nên đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Cứng khớp vào buổi sáng

Nhiều người có thể gặp tình trạng khó vận động khớp đầu gối, cổ tay, ngón tay và thường phải từ vài phút đến một giờ để trở lại bình thường. Đây là dấu hiệu điển hình của bệnh viêm khớp dạng thấp. 

Khớp sưng, nóng, đỏ hoặc biến dạng 

Tình trạng viêm khiến khớp bị sưng to, đỏ và có thể đau khi va chạm.

Phát ra tiếng lạo xạo khi cử động

Tiếng lạo xạo phát ra khi gập, duỗi khớp thường là biểu hiện sụn khớp bị mài mòn hoặc mất đi lớp bảo vệ tự nhiên. Tình trạng này thường gặp ở những người bị thoái hoá khớp.

Tê bì, yếu cơ hoặc mất cảm giác ở tay chân

Tình trạng này có thể liên quan đến các bệnh lý cột sống như thoát vị đĩa đệm, chèn ép rễ dây thần kinh hoặc hẹp ống sống. 

3. Nguyên nhân gây ra các dấu hiệu xương khớp bất thường

Nguyên nhân dẫn đến các bất thường xương khớp thường liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau, gồm tuổi tác, chấn thương, di truyền, béo phì, chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt. Cụ thể: 

  • Tuổi tác: Tuổi càng cao, quá trình thoái hoá tự nhiên của xương và sụn càng mạnh, gây tình trạng đau nhức xương khớp. 
  • Chấn thương: Tai nạn, chơi thể thao sai cách, lao động nặng dễ gây tổn thương xương khớp. 
  • Di truyền: Nếu trong gia đình có người mắc các bệnh xương khớp như viêm khớp dạng thấp, gout,… nguy cơ bạn mắc bệnh sẽ cao hơn người bình thường. 
  • Béo phì: Tăng trọng lượng cơ thể quá mức có thể gây áp lực lớn lên khớp, đặc biệt là khớp gối và cột sống. 
  • Chế độ dinh dưỡng: Chế độ ăn thiếu hụt canxi, vitamin D, omega-3 làm suy giảm mật độ xương và sụn. 
  • Thói quen sinh hoạt không khoa học: Ngồi sai tư thế, ít vận động, hút thuốc, lạm dụng rượu bia sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Tuổi tác càng lớn, quá trình thoái hoá tự nhiên của xương và sụn cành mạnh, nguy cơ mắc bệnh xương khớp càng caoTuổi tác càng lớn, quá trình thoái hoá tự nhiên của xương và sụn cành mạnh, nguy cơ mắc bệnh xương khớp càng cao

4. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Bạn nên đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa nếu gặp một trong các dấu hiệu dưới đây: 

  • Đau khớp kéo dài 1 - 2 tuần không cải thiện. 
  • Sưng, nóng, đỏ vùng khớp và kèm theo sốt. 
  • Cứng khớp vào buổi sáng.
  • Tê bì tay chân, yếu cơ hoặc mất cảm giác vận động. 
  • Đã từng có tiền sử bệnh xương khớp hoặc bệnh tự miễn.

Việc thăm khám sớm giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp, tránh để bệnh tiến triển nặng gây biến chứng ảnh hưởng đến sức khoẻ. 

Bạn nên đến thăm khám bác sĩ nếu xuất hiện tình trạng đau khớp kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảmBạn nên đến thăm khám bác sĩ nếu xuất hiện tình trạng đau khớp kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm

5. Biện pháp hỗ trợ và phòng ngừa bệnh xương khớp

Bạn có thể phòng ngừa bệnh bằng một số phương pháp sau: 

  • Duy trì cân nặng hợp lý, giúp giảm áp lực lên hệ xương khớp, đặc biệt là cột sống và khớp gối. 
  • Vận động đều đặn: Tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, đạp xe, bơi lội giúp khớp linh hoạt và cơ chắc khoẻ. 
  • Dinh dưỡng lành mạnh: Chế độ ăn cần tăng cường bổ sung canxi, vitamin D, omega-3 và hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường, dầu mỡ, giúp duy trì sức khỏe xương khớp ổn định. 
  • Khám sức khỏe định kỳ: Bạn nên thăm khám sức khỏe định kỳ 6 - 12 tháng/lần, giúp phát hiện sớm các vấn đề về xương khớp và có hướng điều trị phù hợp. 

Dinh dưỡng lành mạnh, cân đối là nền tảng để duy trì sức khỏe xương khớp ổn địnhDinh dưỡng lành mạnh, cân đối là nền tảng để duy trì sức khỏe xương khớp ổn định

Bài viết trên đây là tổng hợp thông tin về dấu hiệu, nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa bệnh xương khớp hiệu quả. Hy vọng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn nhận biết sớm các bất thường về xương khớp để chủ động thăm khám, điều trị kịp thời, bảo vệ sức khoẻ và khả năng vận động lâu dài. 

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc liên quan hoặc nhu cầu thăm khám sức khỏe xương khớp, có thể liên hệ Tổng đài MEDLATEC 1900 56 56 56 để được giải đáp nhanh chóng và đặt lịch thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ