Tin tức

Chẩn đoán hen phế quản bằng phương pháp chẩn đoán hình ảnh

Ngày 10/02/2023
KTV Nguyễn Thành Lộc
Hen phế quản hay còn gọi là hen suyễn là căn bệnh được khá nhiều người quan tâm bởi đây là căn bệnh xuất hiện nhiều và ở mọi đối tượng khác nhau chứ không chỉ riêng một đối tượng cụ thể nào. Hen phế quản thường không thể chữa khỏi những triệu chứng của bệnh có thể được kiểm soát bởi sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân

1. Hen phế quản là gì

Hen phế quản là bệnh viêm đường hô hấp mạn tính đặc trưng bởi sự tắc nghẽn đường thở do nhiều nguyên nhân, tác nhân khác nhau gây ra một loạt các kích thích gây co thắt phế quản hồi phục hoàn toàn hoặc một phần. Sự co thắt phế quản không cố định, có thể phục hồi bằng thuốc giãn phế quản hoặc tự nhiên. Bệnh rất dễ tái phát khi thời tiết thay đổi hoặc gặp những tác nhân gây kích thích như lông thú cưng,..Nhiều trường hợp không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Hình ảnh thể hiện sự thay đổi và co thắt phế quản của bệnh nhân bị hen phế quản

2. Nguyên nhân và triệu chứng của hen phế quản

Mỗi bệnh nhân sẽ có nguyên nhân và triệu chứng khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện nay, theo nghiên cứu, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến bệnh hen phế quản

Thứ nhất, do cơ địa của người bệnh. Người bệnh có thể bị di truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Ngoài ra, hen phế quản còn do béo phì, suy dinh dưỡng hoặc đẻ non.

Thứ hai, do yếu tố môi trường. Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc lên cơn kịch như dị nguyên trong nhà: bụi, lông thú, gián, nấm, thuốc men,...Dị nguyên ngoài nhà như bụi đường phố, nước hoa, chất hóa học,..Hương khói các loại bị nhiễm siêu vi sinh hoặc do yếu tố nghề nghiệp gây ra,

Thứ ba, do yếu tố nguy cơ phát cơn hen. Người bệnh tiếp xúc với các dị nguyên như thay đổi thời tiết, khí hậu, không khí thay đổi, vận động quá sức, hít phải mùi lạ hoặc chất độc.

Trên lâm sàng, hen phế quản có biểu hiện các triệu chứng như khò khè, khó thở, thở rít, nặng ngực và kho. Mỗi khi thay đổi thời tiết tùy vào cơ địa sẽ có những triệu chứng nặng nhẹ khác nhau

Thời điểm xuất hiện khó thể thường hay về ban đêm hay sau một số kích thích như cảm cúm, vận động quá sức, thời tiết thay đổi,...

Người bệnh có tiền sử thở kiểu hen như khạc ra đờm, khó thở, nặng ngực,..Bản thân có tiền sử bị viêm mũi dị ứng, dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn hoặc gia đình có người mắc hen phế quản và các căn bệnh dị ứng.

Tuy nhiên, những triệu chứng của bệnh hen phế quản khá giống với các bệnh như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), giãn phế quản hay viêm phế quản co thắt,.. Vì vậy, để biết được chính xác người bệnh đang gặp phải bệnh gì, người bệnh cần phải chẩn đoán hen phế quản bằng phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Dựa vào hình ảnh này, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận chính xác và cụ thể để có liệu trình điều trị hợp lý và hiệu quả.

Nếu có những dấu hiệu đặc trưng của hen phế quản hay những tiền triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, ho khan, buồn ngủ hoặc cơn khó thở thì hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và chữa bệnh, hạn chế rủi ro xấu xảy ra.

Khó thở, tức ngực… là triệu chứng hen phế quản thường gặp

 3. Chẩn đoán hen phế quản bằng phương pháp chẩn đoán hình ảnh

Hiện nay, phương pháp chẩn đoán hình ảnh là phương pháp tối ưu và cho kết quả chính xác nhất được nhiều bệnh viện tin dùng. Một số phương pháp được sử dụng trong chẩn đoán hen phế quản là: dựa vào lâm sàng của bệnh nhân, đo chức năng hô hấp, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm. Trong đó hai phương pháp chẩn đoán hình ảnh chính là chụp X-quang ngực và Cắt lớp vi tính ngực có vai trò và giá trị lớn trong chẩn đoán hen phế quản.

Chụp X-quang ngực là phương pháp nhằm mục đích xác định đường thở có đang bị tắc nghẽn hay không. Ngoài ra nó còn được dùng để loại trừ các nguyên nhân khác có các triệu chứng giống hen phế quản như viêm phổi, suy tim, bệnh lao,...Chụp X-quang cho hình ảnh nhanh và rõ nét. Nhờ vào những đặc điểm này, bác sĩ có thể kết luận được tình trạng của bệnh nhân và có thể đưa ra những hướng xử lý tiếp theo cho bệnh nhân. Nếu kết quả cho thấy hình ảnh Xquang ngực giãn căng, phổi sáng tương phản và rốn phổi đậm, cơ hoành hạ thấp,...các nhánh phế quản, rốn phổi tăng đậm, có hình ảnh xẹp phân thùy phổi, hình ảnh viêm phổi do bội nhiễm thì khả năng cao bệnh nhân bị hen phế quản. Tùy vào mức độ nặng nhẹ của người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra liệu trình điều trị khác nhau và tương thích với từng người bệnh để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

Hình ảnh X-quang ngực theo dõi hen phế quản của một bệnh nhân tại MEDLATEC

Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ chụp Cắt lớp vi tính ngực (CLVT) cũng là phương pháp hữu ích giúp cho để chẩn đoán các bệnh liên quan đến hen phế quản do những ưu điểm vượt trội của nó so với X-quang ngực. Hiện nay, kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính có độ phân giải cao do vậy phương pháp này được sử dụng ngày nhiều để xác định độ nghiêm trọng của bệnh. Đặc biệt, hình ảnh qua chụp CLVT giúp chẩn đoán bệnh nhân hen phế quản, trong đó có hen nặng, giúp quan sát được những thay đổi của đường thở lớn, rối loạn chức năng đường thở, độ dày của đường thở, diện tích thành và diện tích lòng mạch. Ngoài ra chụp cắt lớp vi tính (CLVT) trong bệnh hen phế quản còn liên quan đến việc chẩn đoán các biến chứng và các bệnh lý kèm theo khác như: Tràn khí màng phổi là một biến chứng hiếm gặp và nghiêm trọng của bệnh hen suyễn nặng, chủ yếu xảy ra khi có tình trạng hen suyễn, mất bù cấp tính, hoặc bất cứ khi nào tình trạng lâm sàng gợi ý khả năng tràn khí màng phổi.

Hình ảnh CLVT của bệnh nhân theo dõi hen phế quản tại bệnh viện MEDLATEC

Ngoài chẩn đoán hen phế quản bằng phương pháp chẩn đoán hình ảnh X-quang và chụp CT, hiện có nhiều phương pháp khác phối hợp trong chẩn đoán hen phế quản.

  • Đo chức năng hô hấp: đây là một bài kiểm tra hít thở được nhiều cơ sở y tế sử dụng để biết hoạt động của phổi đang tốt hay không. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng sẽ được yêu cầu xét nghiệm lại sau khi dùng thuốc giãn phế quản, thuốc xịt Ventolin (hoạt chất chính là salbutamol) đường hô hấp để kiểm tra xem khả năng hô hấp có cải thiện được hay không. Nếu có cải thiện được rất có thể bạn đã bị hen phế quản.
  • Xét nghiệm dị ứng: Có thể xác định những loại chất nào có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng hô hấp bằng phương pháp kiểm tra qua da.
  • Xét nghiệm máu IgE: Xét nghiệm này dùng để phát hiện ra nồng độ globulin miễn dịch. IgE là một kháng thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn bên ngoài. Nếu globulin trong cơ thể tăng, bạn có thể đang bị hen phế quản.

Tùy vào tình trạng của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra những biện pháp để xác định người bệnh đang gặp vấn đề gì. Lựa chọn phương pháp điều trị cụ thể tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, triệu chứng, yếu tố khởi phát và các yếu tố kiểm soát bệnh. Bệnh nhân cần được theo dõi và tái khám, để bác sĩ có thể đánh giá mức độ kiểm soát hen trên bệnh nhân, từ đó có những điều chỉnh phù hợp về kế hoạch điều trị trong thời gian tiếp theo.

Một số đối tượng cần lưu ý với bệnh hen phế quản như người bị ho nhiều, người làm việc trong môi trường độc hại, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi, người có tiền sử hút thuốc lá. Đây đều là những đối tượng có khả năng có những biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.

Trên đây là những thông tin liên quan đến bệnh hen phế quản và các phương pháp hình ảnh chẩn đoán hen phế quản. Với sự đầu tư hiện đại MEDLATEC có đầy đủ các phương tiện chẩn đoán hình ảnh từ máy Xquang kỹ thuật số và máy cắt lớp vi tính đa dãy hiện đại giúp chẩn đoán chính xác cho các trường hợp nghi ngờ hoặc đang mắc hen phế quản. Tuy nhiên để hiểu biết rõ hơn, các bạn có thể liên hệ đến hotline: 1900 56 56 56 của bệnh viện đa khoa MEDLATEC để được đặt lịch thăm khám và chẩn đoán chính xác.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ