Tin tức

Hoại tử khớp háng: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa hiệu quả

Ngày 18/07/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BSNT Lê Thị Dương
Hoại tử khớp háng là một trong những bệnh lý nguy hiểm, thường gặp ở người trưởng thành, đặc biệt là nam giới trong độ tuổi 30 - 50 tuổi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu không được chẩn đoán sớm và can thiệp đúng cách, bệnh có thể dẫn đến tàn phế và làm suy giảm nghiêm trọng khả năng vận động. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng cũng như các biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả.

1. Tìm hiểu chung về bệnh hoại tử khớp háng

Hoại tử khớp háng hay còn gọi là hoại tử chỏm xương đùi, là tình trạng thiếu máu chỏm xương đùi, dẫn đến các tế bào xương bị chết dần và trở nên yếu, gây tình trạng sụp lún và phá huỷ. Bệnh có xu hướng tiến triển âm thầm, nhưng hậu quả để lại vô cùng nặng nề, bao gồm tình trạng đau nhức, hạn chế vận động hoặc thậm chí là tàn phế. 

Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới thường cao hơn, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh và can thiệp điều trị kịp thời sẽ giúp làm chậm quá trình hoại tử, bảo tồn chức năng vận động của khớp háng và giảm nguy cơ tàn phế. Đây là yếu tố quan trọng giúp người bệnh duy trì chất lượng cuộc sống và hạn chế các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra. 

Lưu lượng máu nuôi chỏm xương đùi bị giảm hoặc gián đoạn, khiến các tế bào xương dần suy yếu và hoại tửLưu lượng máu nuôi chỏm xương đùi bị giảm hoặc gián đoạn, khiến các tế bào xương dần suy yếu và hoại tử

2. Nguyên nhân dẫn đến hoại tử khớp háng

Nguyên nhân gây hoại tử chỏm xương đùi có liên quan đến các yếu tố như: thói quen uống nhiều rượu bia, sử dụng corticoid kéo dài, chấn thương vùng háng, các bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hoá và yếu tố di truyền. Dưới đây là thông tin chi tiết: 

  • Thói quen uống nhiều rượu bia: Cồn có trong bia rượu có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn máu nuôi dưỡng xương, làm tăng nguy cơ hoại tử. 
  • Sử dụng corticoid kéo dài: Đây là nguyên nhân điển hình gây tình trạng hoại tử khớp háng, thường gặp ở những bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị viêm khớp, hen suyễn, lupus ban đỏ,…
  • Chấn thương vùng háng: Gãy cổ xương đùi, trật khớp háng,… gây tổn thương mạch máu nuôi dưỡng chỏm xương đùi. 
  • Các bệnh liên quan rối loạn chuyển hoá: Một số bệnh như lupus ban đỏ, rối loạn mỡ máu, thiếu máu hồng cầu hình liềm có thể làm tăng nguy cơ hoại tử khớp háng. 
  • Yếu tố di truyền: Một số trường hợp có yếu tố gen liên quan đến bệnh. 

Uống nhiều rượu bia có thể gây ảnh hưởng đến tuần hoàn máu nuôi dưỡng xương, làm tăng nguy cơ hoại tửUống nhiều rượu bia có thể gây ảnh hưởng đến tuần hoàn máu nuôi dưỡng xương, làm tăng nguy cơ hoại tử

3. Dấu hiệu nhận biết tổn thương khớp háng 

Tình trạng tổn thương khớp háng có xu hướng tiến triển âm thầm nên rất khó để nhận diện, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Bạn cần đặc biệt lưu ý một số dấu hiệu sau: 

  • Đau vùng háng, mông hoặc đùi: Người bệnh thường có cảm giác đau âm ỉ hoặc dữ dội vùng khớp háng, mông và có thể lan xuống đùi. Cơn đau thường tăng lên khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi. 
  • Hạn chế vận động: Khó thực hiện các động tác gập, xoay, dạng hoặc duỗi chân. 
  • Dáng đi thay đổi: Người bệnh có thể đi khập khiễng, dáng đi thay đổi. 
  • Đau ngay cả khi nghỉ ngơi và không thể đi lại bình thường. Đây là triệu chứng thường gặp ở giai đoạn muộn của bệnh. 

Nếu xuất hiện một trong các dấu hiệu kể trên, bạn nên đến thăm khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. 

Nếu bạn có cảm giác đau dữ dội vùng khớp háng, cần đến thăm khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán chính xácNếu bạn có cảm giác đau dữ dội vùng khớp háng, cần đến thăm khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán chính xác

4. Biến chứng nguy hiểm của hoại tử khớp háng

Nếu không được điều trị đúng cách, hoại tử chỏm xương đùi có thể gây nhiều biến chứng nặng nề như: 

  • Hạn chế hoặc mất khả năng vận động khớp háng: Cơn đau có thể khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn khi vận động khớp háng.
  • Teo cơ vùng mông, đùi: Do ít vận động, các nhóm cơ quanh khớp háng dần bị teo nhỏ, yếu đi, ảnh hưởng đến khả năng vận động. 
  • Biến dạng khớp háng: Hoại tử chỏm xương đùi dẫn đến tình trạng sụp lún, phá huỷ cấu trúc khớp, gây biến dạng. 
  • Tàn phế: Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể mất hoàn toàn khả năng vận động và phải phụ thuộc vào người khác trong sinh hoạt hàng ngày hoặc cần thay khớp háng nhân tạo. 
  • Ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng cuộc sống giảm sút. 

5. Cách phòng ngừa hoại tử khớp háng hiệu quả

Để bảo vệ sức khỏe xương khớp, bạn có thể thực hiện một số biện pháp phòng ngừa sau: 

  • Hạn chế hoặc ngừng sử dụng rượu bia, tránh hút thuốc lá. 
  • Không tự ý sử dụng corticoid hoặc các loại thuốc có thành phần này mà không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. 
  • Điều trị tốt các bệnh lý nền như rối loạn chuyển hoá mỡ, lupus ban đỏ,…
  • Tránh chấn thương vùng háng trong sinh hoạt, lao động và chơi thể thao.
  • Duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân, béo phì. 
  • Chế độ dinh dưỡng cân đối, tăng cường bổ sung canxi, vitamin D và omega-3 vào chế độ ăn, đồng thời ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi để duy trì sức khỏe xương khớp ổn định. 
  • Tập luyện thể dục đều đặn để tăng cường sức khỏe xương khớp. Bạn có thể bắt đầu với các môn thể thao nhẹ nhàng như: đi bộ, đạp xe, yoga,… Lưu ý, nên khởi động kỹ trước khi tập luyện để tránh những rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp.
  • Khám sức khỏe định kỳ 6 - 12 tháng/lần, đặc biệt nếu có các yếu tố nguy cơ. 

Bài viết trên đây là tổng hợp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa hoại tử khớp háng hiệu quả. Hy vọng qua những nội dung chia sẻ sẽ giúp bạn phòng ngừa bệnh, tránh những hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến sức khoẻ và khả năng vận động. Nếu có dấu hiệu bất thường, hãy chủ động thăm khám để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. 

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc liên quan hoặc nhu cầu thăm khám sức khỏe xương khớp, có thể liên hệ Tổng đài MEDLATEC – 1900 56 56 56 để được giải đáp nhanh chóng và đặt lịch thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ