Tin tức

Tìm hiểu về các chấn thương đầu gối thường gặp nhất

Ngày 23/10/2020
Tham vấn y khoa: ThS.BS Nguyễn Thị Ly
Chấn thương đầu gối là một trong những tổn thương thường gặp nhất trong thể thao, lao động và sinh hoạt. Nếu không điều trị kịp thời, các tổn thương này sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng vận động. Thông qua bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu về các loại chấn thương ở đầu gối và cách điều trị, phục hồi chức năng vận động.

1. Các chấn thương đầu gối thường gặp

Đầu gối được tạo thành bởi 3 xương: xương đùi, xương chày và xương bánh chè. Các xương này được nối với nhau nhờ những sợi dây chằng, sụn, gân và cơ. Đầu gối là khớp lớn của cơ thể và được coi là phần quan trọng chi phối việc di chuyển.

Đầu gối là khớp lớn nhất của cơ thể và là phần quan trọng chi phối việc di chuyển

Đầu gối là khớp lớn nhất của cơ thể và là phần quan trọng chi phối việc di chuyển

Bạn có thể sẽ gặp phải những chấn thương ở đầu gối khi chơi thể thao, lao động hay thậm chí là ngã do tai nạn. Dưới đây là một số chấn thương gây ảnh hưởng đến khả năng vận động:

Rách sụn chêm:

Sụn chêm là hai mấu sụn hình cái nêm có chức năng giảm xóc, đệm lót cho khớp, đồng thời duy trì sự ổn định cho đầu gối. Nếu đột ngột chuyển hướng khi chạy hoặc vặn gối quá mạnh sẽ khiến sụn chêm bị rách. Hoặc sụn chêm có thể bị rách do quá trình lão hóa. Đây là loại chấn thương đầu gối thường gặp nhất ở những người chạy bộ có tuổi hay người chơi các môn thể thao va chạm.

Phần lớn những người bị chấn thương ở sụn chêm thường bị rách sụn chêm trong (phía trong gối) hơn là sụn chêm ngoài (phía ngoài gối). Lúc này, người bị chấn thương sẽ có các biểu hiện như: đau đầu gối, sưng, cứng khớp, khó co và duỗi chân, có cảm giác lạo xạo ở gối. Nếu không điều trị kịp thời, đầu gối của người bị chấn thương có thể bị khóa cứng. Do mảnh sụn di chuyển ra ngoài và đi vào ổ khớp.

Người bị rách sụn chêm sẽ có các biểu hiện như: đau đầu gối, sưng, cứng khớp, khó co và duỗi chân

Người bị rách sụn chêm sẽ có các biểu hiện như: đau đầu gối, sưng, cứng khớp, khó co và duỗi chân

Gãy xương bánh chè:

Gãy xương bánh chè là dạng chấn thương đầu gối thường gặp do ngã từ trên cao hoặc va chạm xe,... Lúc này, bạn sẽ cảm thấy đau, sưng, biến dạng ở vùng xương bị gãy và gặp khó khăn khi di chuyển. Vì vậy, bạn nên tìm gặp bác sĩ để có phương pháp điều trị kịp thời. Đối với những trường hợp nhẹ, bạn có thể bó bột trong khoảng 6 tuần, để cố định các mảnh xương cho đến khi lành lại. Nhưng nếu nặng hơn, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để chỉnh lại vị trí và ổn định xương bị gãy.

Tổn thương chằng chéo trước:

Dây chằng chéo trước là dây chằng chạy chéo từ trên xuống trước ở trong khớp gối, giúp ổn định khớp. Tiếp đất không đúng cách khi nhảy cao hoặc xoay chuyển hướng đột ngột sẽ rất dễ làm tổn thương dây chằng chéo trước. Dựa vào mức độ tổn thương của dây chằng và mức độ lỏng gối mà có thể phân thành các cấp độ như sau:

  • Cấp độ 1: Dây chằng bị giãn nhưng gối còn vững.

  • Cấp độ 2: Dây chằng bị đứt một phần và gối bắt đầu mất vững.

  • Cấp độ 3: Dây chằng bị đứt hoàn toàn, gối lỏng lẻo khiến việc đi lại trở nên khó khăn.

Những người gặp phải tổn thương này chủ yếu ở cấp độ 2 và 3, cấp độ 1 thường ít gặp. Ngoài ra, họ còn có thể bị các chấn thương đầu gối khác như: rách sụn chêm, bong sụn khớp, tổn thương các dây chằng khác,…

Tiếp đất không đúng cách khi nhảy cao hoặc xoay chuyển hướng đột ngột sẽ rất dễ làm tổn thương dây chằng chéo trước

Tiếp đất không đúng cách khi nhảy cao hoặc xoay chuyển hướng đột ngột sẽ rất dễ làm tổn thương dây chằng chéo trước

Ngay khi chấn thương, bạn có thể cảm nhận được tiếng “rắc” dẫn đến tình trạng đầu gối bị sưng, đau. Do đầu gối bị lỏng lẻo nên việc đi lại trở nên khó khăn. Nếu chạy nhanh, bạn có thể bị vấp ngã và dễ bị trẹo gối. Ngoài ra, đùi ở phía dây chằng tổn thương sẽ bị teo nhỏ dần, khiến chân ngày càng bị yếu đi.

Tổn thương dây chằng chéo sau:

Dây chằng chéo sau là một dây chằng nằm trong khớp gối, có tác dụng nối xương đùi với xương chày, đồng thời giữ cho xương chày không di chuyển quá xa về phía sau. Nếu đầu gối ở tư thế gấp bị va đập mạnh sẽ khiến dây chằng chéo phía sau bị tổn thương. Lúc này, bạn sẽ xuất hiện các biểu hiện giống với biểu hiện của tổn thương dây chằng chéo trước: sưng đau, lỏng gối, teo cơ.

Nếu tổn thương dây chằng chéo sau không được phục hồi thì có thể dẫn đến một số tổn thương thứ phát như: tổn thương sụn chêm, thoái hóa khớp gối về sau.

Tổn thương dây chằng bên mác:

Tổn thương dây chằng bên mác gây bong điểm bám của dây chằng vào chỏm xương mác. Người bị chấn thương có thể bị đau ở mặt ngoài khớp gối, hoặc bị tụ máu bên trong khớp. Ngoài ra, tổn thương này thường đi kèm với các tổn thương gân cơ khoeo, dải chậu chày,…

Dây chằng trong bị tổn thương:

Dây chằng trong bị tổn thương thường liên quan đến cơ chế vặn xoắn, hoặc do dạng cẳng chân quá mức. Loại chấn thương đầu gối này có thể làm bong điểm bám đùi, điểm bám chày của dây chằng. Sau khi bị tổn thương, cơn đau sẽ xuất hiện ở mặt trong khớp gối. Trong trường hợp nặng có thể dẫn đến tình trạng tràn dịch khớp gối.

Khi bị tổn thương dây chằng trong, bạn sẽ gặp phải những cơn đau ở mặt trong khớp gối

Khi bị tổn thương dây chằng trong, bạn sẽ gặp phải những cơn đau ở mặt trong khớp gối

2. Điều trị chấn thương đầu gối

Nếu cơn đau đầu gối kéo dài quá một tuần, vận động của khớp giảm hoặc bị chấn thương do va chạm, thì bạn nên tìm gặp bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời. Tùy vào nguyên nhân gây chấn thương và đặc điểm của đầu gối mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là một số biện pháp điều trị chấn thương đầu gối:

Xử lý ban đầu:

Ngay sau khi bị chấn thương đầu gối, việc đầu tiên bạn nên làm là giữ đầu gối bất động khoảng 2 - 3 tuần bằng nẹp hoặc bột. Để giảm hiện tượng sưng nề, bạn có thể uống thuốc giảm đau và nghỉ ngơi hợp lý theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp tràn máu khớp gối, bạn không nên chọc hút máu ra ngoài. Bởi vì, máu trong khớp gối sẽ tự tiêu, làm như vậy sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng khớp.

Điều trị bảo tồn:

Khi bị đứt dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau hoặc bị rách sụn chêm, nếu không có khả năng tự liền thì phải tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên đối với những người có tuổi, ít hoạt động, thì bác sĩ có thể áp dụng phương pháp điều trị bảo tồn. Trong 3 tuần đầu, bác sĩ sẽ cố định đầu gối bằng nẹp hoặc bột. Sau đó, bạn có thể tập các bài tập theo hướng dẫn của bác sĩ để phục hồi chức năng, lấy lại biên độ khớp, đồng thời tăng cường sức mạnh cho cơ, tránh bị teo cơ.

Phẫu thuật:

Những trường hợp chấn thương đầu gối được bác sĩ chỉ định phẫu thuật là:

  • Tổn thương dây chằng chéo trước ở cấp độ 2 và 3.

  • Tổn thương dây chằng chéo sau khiến khớp gối bị lỏng lẻo.

  • Sụn chêm bị rách hay tổn thương.

  • Sụn khớp bị vỡ gây kẹt khớp.

Sau khi đầu gối đã hết sưng, biên độ khớp gối tốt thì bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật theo phương pháp nội soi.

Sau khi đầu gối đã hết sưng, biên độ khớp gối tốt thì bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật theo phương pháp nội soi

Sau khi đầu gối đã hết sưng, biên độ khớp gối tốt thì bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật theo phương pháp nội soi

Tập luyện:

Tập luyện là biện pháp quan trọng giúp người bị chấn thương nhanh phục hồi chức năng của khớp gối. Các bài tập sẽ do bác sĩ hướng dẫn và tăng dần theo thời gian, đồng thời chú trọng đến việc lấy lại biên độ của khớp, tăng sức mạnh cho cơ đùi.

Tập luyện là biện pháp quan trọng giúp người bị chấn thương nhanh phục hồi chức năng của khớp gối

Tập luyện là biện pháp quan trọng giúp người bị chấn thương nhanh phục hồi chức năng của khớp gối

Chấn thương đầu gối sẽ gây ra những tổn thương ảnh hưởng đến khả năng vận động. Tùy vào nguyên nhân chấn thương và đặc điểm của khớp gối mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Đồng thời, một chế độ ăn uống hợp lý, kết hợp với tập luyện đều đặn sẽ giúp khớp gối nhanh chóng hồi phục.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ