Tin tức

Vì sao chỉ số Ferritin tăng? Cần xử trí bằng cách nào?

Ngày 11/04/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Chỉ số Ferritin phản ánh lượng sắt mà cơ thể dự trữ. Chỉ số này tăng hoặc giảm đều được đánh giá là bất thường và có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý. Dưới đây là những nguyên nhân khiến Ferritin tăng cao và những cách xử trí hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cho người bệnh.

1. Khi nào cần xét nghiệm ferritin?

Sắt là một loại khoáng chất cần thiết cho nhiều hoạt động sống nhưng cơ thể không tự tổng hợp được mà cần hấp thụ từ các loại thực phẩm trong chế độ ăn hàng ngày. Trong máu, sắt tồn tại dưới dạng ion Fe2+ và Fe3+ và được dữ trữ một phần dưới dạng Ferritin - còn được gọi là một loại protein chứa sắt. 

Xét nghiệm máu giúp xác định nồng độ ferritin

Xét nghiệm máu giúp xác định nồng độ ferritin 

Xét nghiệm ferritin giúp kiểm tra lượng sắt đang được dự trữ trong cơ thể. Loại xét nghiệm này thường được bác sĩ chỉ định trong một số trường hợp như: 

- Bác sĩ thăm khám và nghi ngờ người bệnh đang trọng tình trạng nguy cơ thiếu hụt sắt hoặc quá tải sắt ở một số bệnh lý.

- Người bệnh được chẩn đoán và đang điều trị bổ sung sắt cần xác định đáp ứng với điều trị thuốc hay không cũng cần thực hiện xét nghiệm này để bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh và lên phác đồ điều trị phù hợp. 

- Người bệnh có những triệu chứng bất thường như đau đầu, mệt mỏi, da xanh xao, chóng mặt,....

2. Vì sao chỉ số ferritin tăng bất thường?

Chỉ số ferritin tiêu chuẩn có sự thay đổi ở nam giới và nữ giới. Một người bình thường, không mắc các bệnh lý nghiêm trọng thường có chỉ số ferritin tiêu chuẩn như sau: 

- Ferritin ở nam: Từ 23-300ng/mL. 

- Ferritin ở nữ: Từ 15 - 150 ng/mL. 

- Ferritin ở trẻ > 5 tháng tuổi: Từ 7 - 110 ng/ml.

Kết quả chỉ số ferritin trong máu cao hơn giá trị tiêu chuẩn nêu trên có nghĩa là người bệnh đang bị ứ sắt trong cơ thể. Ở giai đoạn đầu, khi chỉ số này chưa tăng quá cao, người bệnh thường không có triệu chứng bất thường. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và kiểm soát, tăng ferritin có thể gây ra những biểu hiện như cơ thể mệt mỏi, đau khớp, vàng mắt, khó thở, nhịp tim không đều,...

Ferritin tăng có thể do bệnh tiểu đường

Ferritin tăng có thể do bệnh tiểu đường

Chỉ số ferritin tăng cao có thể là do những nguyên nhân sau: 

- Viêm khớp dạng thấp. 

- Bệnh Thalassemia. 

- Bệnh lý liên quan đến viêm cấp mạn tính. 

- Bệnh tiểu đường type 2.

- Bệnh gan cấp hoặc mạn(viêm gan cấp, xơ gan). 

- Cường giáp. 

- Do người bệnh được truyền máu thường xuyên và cơ thể không được đào thải sắt hiệu quả. 

- Do thường xuyên uống rượu bia.

- Ngoài ra, tăng chỉ số ferritin còn có thể do nhiều bệnh lý ác tính khác 

hoặc cũng có thể liên quan đến đột biến gen HFE làm giảm khả năng hấp thụ sắt trong đường tiêu hóa, từ đó khiến sắt không được cung cấp hiệu quả cho các cơ quan trong cơ thể. 

3. Phải làm sao khi tăng ferritin?

Khi chỉ số ferritin tăng bất thường, bác sĩ sẽ có thể chỉ định người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm cần thiết khác để chẩn đoán chính xác bệnh và nguyên nhân gây bệnh. Đây chính là căn cứ quan trọng để bác sĩ lên phác đồ điều trị phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến: 

3.1. Các phương pháp điều trị y tế

Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị phù hợp cho người bệnh. Cụ thể như sau: 

- Chích máu đường tĩnh mạch: Đối với những trường hợp bị thừa sắt di truyền Hemochromatosis, bác sĩ có thể chỉ định chích máu tĩnh mạch để giảm bớt lượng sắt đang tích tụ quá mức trong cơ thể. Trong thời gian đầu, người bệnh có thể cần chích lấy khoảng 470ml máu và thực hiện 1 đến 2 lần/tuần. Khi chỉ số ferritin đã trở về mức bình thường, bác sĩ sẽ giảm số lần lấy máu. 

- Dùng thuốc thải sắt: Nếu cần thiết, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định dùng thuốc thải sắt để loại bỏ lượng sắt đang bị dư thừa trong máu. Tuy nhiên, người bệnh chỉ sử dụng loại thuốc này khi có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, cần tuân thủ theo đúng liều lượng, thời gian sử dụng mà bác sĩ đã quy định. 

- Một số phương pháp khác: Ngoài các phương pháp điều trị nêu trên, tùy từng bệnh lý làm tăng chỉ số ferritin như Viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, gan nhiễm mỡ, viêm gan,... bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp. 

3.2. Điều chỉnh chế độ ăn uống 

Sắt được cơ thể hấp thụ qua đường ăn uống, do đó điều chỉnh chế độ ăn cũng là một cách xử trí tình trạng tăng chỉ số ferritin hiệu quả. Cụ thể, người bệnh cần lưu ý:

- Sử dụng nước chè xanh, nước vối sau mỗi bữa ăn để giảm hấp thu sắt.

- Hạn chế ăn những thực phẩm chứa nhiều sắt, chẳng hạn như thịt đỏ, các loại rau màu xanh đậm, hải sản,...

- Nên bổ sung một số thực phẩm như:

+ Các loại rau củ quả có chứa nhiều vitamin E, flavonoid.

+ Các loại ngũ cốc và các loại đậu, lòng đỏ trứng,... Đây là những thực phẩm có chứa một số hợp chất ức chế quá trình hấp thụ sắt vào cơ thể.

3.3. Thay đổi lối sống 

Ngoài những phương pháp nêu trên, thay đổi lối sống cũng là một trong những cách khắc phục tình trạng tăng chỉ số ferritin. Cụ thể, người bệnh cần: 

- Không nên sử dụng rượu bia hoặc các chất kích thích khác. 

- Thường xuyên vận động thể chất, tập luyện thể thao để cải thiện sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, đồng thời góp phần kiểm soát các bệnh lý khiến chỉ số ferritin tăng cao hơn so với mức tiêu chuẩn. 

- Không nên sử dụng tùy tiện các loại thực phẩm chức năng, bao gồm viên uống bổ sung sắt. Nhiều người bị dư thừa sắt trong máu là do bổ sung viên sắt một cách bừa bãi. Chính vì thế, loại bỏ thói quen này cũng là một trong những yếu tố cải thiện và phòng ngừa tình trạng ứ sắt trong cơ thể. Bạn chỉ nên bổ sung sắt theo sự tư vấn và hướng dẫn cụ thể của bác sĩ. 

Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây tăng chỉ số ferritin và những cách khắc phục tình trạng này hiệu quả, từ đó phòng ngừa được những biến chứng sức khỏe nguy hiểm. Người bệnh bị tăng chỉ số ferritin cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và tái khám định kỳ để đảm bảo kiểm soát tốt nồng độ sắt trong cơ thể. 

Người bệnh nên xét nghiệm máu tại những cơ sở y tế đáng tin cậy

Người bệnh nên xét nghiệm máu tại những cơ sở y tế đáng tin cậy

Hiện nay, Hệ thống Y tế MEDLATEC đang là một trong những đơn vị y tế uy tín cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng, trong đó bao gồm xét nghiệm ferritin trực tiếp tại viện hoặc lấy mẫu xét nghiệm tại nhà. Tùy theo nhu cầu của bản thân, khách hàng thể lựa chọn dịch vụ y tế phù hợp. Nếu có nhu cầu đặt lịch xét nghiệm, quý khách hãy liên hệ với MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ 24/7. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ