Các tin tức tại MEDlatec
Tìm hiểu về các phương pháp chẩn đoán bệnh loãng xương thông dụng nhất
- 01/12/2023 | Chỉ số loãng xương là bao nhiêu, đo bằng cách nào?
- 01/12/2023 | Tìm hiểu về phương pháp điều trị loãng xương
- 06/11/2024 | Bệnh loãng xương có triệu chứng gì và điều trị loãng xương thế nào hiệu quả?
1. Giới thiệu về bệnh loãng xương
Loãng xương đặc trưng bởi sự suy giảm mật độ và chất lượng của xương, làm xương trở nên giòn và dễ gãy hơn. Loãng xương thường gặp ở người cao tuổi, nhất là phụ nữ sau mãn kinh do sự suy giảm hormone estrogen.
Loãng xương không được điều trị sớm có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng như gãy xương hông, cột sống hoặc cổ tay, suy giảm chức năng vận động. Việc tầm soát và chẩn đoán sớm loãng xương sớm rất cần thiết để đưa ra biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời, giúp bảo vệ sức khỏe hệ xương.
Hình ảnh mô phỏng sự khác biệt giữa xương khỏe mạnh và xương bị loãng
2. Tầm quan trọng của việc chẩn đoán loãng xương sớm
2.1. Khi nào cần chẩn đoán loãng xương?
- Độ tuổi trên 50, nhất là phụ nữ sau mãn kinh.
- Người có tiền sử gãy xương.
- Người thường xuyên bị đau lưng, mỏi xương.
- Tầm soát định kỳ.
2.2. Vì sao cần chẩn đoán bệnh loãng xương sớm?
Nên tiến hành các phương pháp chẩn đoán bệnh loãng xương từ sớm để:
- Giảm nguy cơ gãy xương do tổn thương xương nghiêm trọng.
- Tối ưu hóa phác đồ điều trị để mang lại hiệu quả cao nhất.
- Cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm khả năng biến chứng.
3. Tiêu chuẩn đánh giá mật độ xương
Kết quả đo mật độ loãng xương thường được thể hiện bằng chỉ số T-score. Đây là chỉ số so sánh mật độ xương của người bệnh nhân với người trẻ tuổi có sức khỏe ổn định.
Tiêu chuẩn chẩn đoán loãng xương được WHO đưa ra qua phương pháp đo DEXA ở cổ xương đùi và cột sống thắt lưng như sau:
- Xương bình thường: T- score ≥ - 1SD.
- Thiếu xương: T score < - 1SD đến - 2.5SD.
- Loãng xương: T score < - 2.5SD.
- Loãng xương nặng: T score < - 2.5 SD kèm gãy xương hiện tại hoặc có tiền sử gãy xương.
4. Các phương pháp chẩn đoán bệnh loãng xương: ưu và nhược điểm
4.1. Đo mật độ xương (DEXA)
Trong các phương pháp chẩn đoán bệnh loãng xương thì đo mật độ xương DEXA là phương pháp phổ biến nhất hiện nay. Kỹ thuật này sử dụng tia X để đo mật độ xương ở các vị trí dễ bị loãng xương như cột sống, hông và cổ tay.
- Ưu điểm: Độ chính xác cao, chỉ diễn ra trong khoảng 10 - 15 phút.
- Nhược điểm: Chi phí cao hơn các phương pháp khác, không sử dụng được với thai phụ.
Người bệnh đo DEXA - một trong các phương pháp chẩn đoán bệnh loãng xương đang áp dụng tại MEDLATEC
4.2. Chụp X-quang
Phương pháp chụp X-quang thông thường cũng được sử dụng để phát hiện các dấu hiệu của bệnh loãng xương, đặc biệt trong trường hợp bệnh đã tiến triển đến mức dễ nhận thấy qua hình ảnh.
- Ưu điểm: Thực hiện nhanh, chi phí thấp, có thể phát hiện biến chứng gãy xương.
- Nhược điểm: Không cho biết rõ mật độ xương như phương pháp DEXA, chỉ được áp dụng khi bệnh ở giai đoạn muộn, không dùng được cho phụ nữ mang thai.
4.3. Xét nghiệm máu và nước tiểu
Thông qua việc phân tích mẫu máu và nước tiểu có thể đo lường mức độ canxi, photpho và các chất chỉ báo xương, hỗ trợ đánh giá tình trạng loãng xương.
- Ưu điểm: Không xâm lấn, dễ thực hiện.
- Nhược điểm: Kết quả không cung cấp thông tin cụ thể về mật độ xương, chỉ đóng vai trò hỗ trợ chẩn đoán.
4.4. Siêu âm xương
So với các phương pháp chẩn đoán bệnh loãng xương thì siêu âm không dùng tia X nên tương đối an toàn. Phương pháp đo mật độ xương này được thực hiện qua sóng siêu âm, chủ yếu đo ở gót chân.
- Ưu điểm: Chi phí thấp hơn, thực hiện nhanh, không phơi nhiễm tia X.
- Nhược điểm: Độ chính xác thấp hơn phương pháp DEXA, không thể áp dụng với mọi khu vực xương.
4.5. Chụp CT-Scanner
CT-Scanner được thực hiện khi chẩn đoán loãng xương bằng các phương pháp khác cho kết quả chưa rõ ràng.
- Ưu điểm: Cung cấp hình ảnh chi tiết của xương và các cấu trúc bên trong.
- Nhược điểm: Phơi nhiễm nhiều tia X, chi phí cao, không thường xuyên áp dụng để chẩn đoán loãng xương.
5. Quy trình thực hiện chẩn đoán bệnh loãng xương
Để thực hiện các phương pháp chẩn đoán bệnh loãng xương, người bệnh thường trải qua một quá trình với các bước:
- Khám và tư vấn ban đầu: Bác sĩ hỏi về bệnh lý từng mắc và thực hiện thăm khám triệu chứng lâm sàng cho bệnh nhân.
- Thực hiện xét nghiệm mật độ xương: Bác sĩ chỉ định phương pháp đo mật độ xương thích hợp (thường là DEXA) dựa trên tiền sử bệnh lý và yếu tố nguy cơ.
- Phân tích kết quả và tư vấn điều trị
Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ phân tích và tư vấn bệnh nhân về cách chăm sóc sức khỏe xương, chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp để ngăn ngừa loãng xương tiến triển nghiêm trọng.
Người bệnh được bác sĩ đánh giá và tư vấn phương pháp chẩn đoán loãng xương phù hợp khi khám định kỳ
6. Những việc nên làm để chăm sóc sức khỏe xương khớp
- Cân bằng dinh dưỡng
+ Tăng thực phẩm giàu canxi như: rau xanh lá, sữa, sản phẩm được làm từ sữa,... vào thực đơn hàng ngày để duy trì và phát triển mật độ xương.
+ Bổ sung vitamin D từ ánh nắng mặt trời hoặc từ thực phẩm như: lòng đỏ trứng, cá hồi, cá thu,... để tăng khả năng hấp thu canxi cho cơ thể.
+ Đa dạng để cơ thể cung cấp các khoáng chất cần cho sự phát triển hệ xương.
- Tập luyện thể thao thường xuyên
Các bài tập tăng sức chịu đựng của hệ xương giúp tăng mật độ xương và kích thích sản xuất tế bào xương như: đi bộ, nhảy dây, chạy bộ,...
- Tránh các thói quen xấu
+ Giảm thiểu tối đa việc hút thuốc lá vì đây là yếu tố dễ khiến mật độ xương bị giảm sút từ đó tăng khả năng dẫn đến gãy xương.
+ Mỗi ngày không nên uống quá 2 ly rượu (đối với nam giới) hoặc 1 ly rượu (đối với nữ giới).
- Khám sức khỏe định kỳ
Người trưởng thành, nhất là trên 65 tuổi và người có tiền sử gia đình với bệnh loãng xương cần khám sức khỏe định kỳ. Qua thăm khám có thể đánh giá nguy cơ loãng xương và can thiệp hiệu quả.
Loãng xương nếu được phát hiện sớm có thể kiểm soát hiệu quả. Các phương pháp chẩn đoán bệnh loãng xương đều là công cụ hữu ích giúp bác sĩ phát hiện bệnh chính xác để có phương án can thiệp phù hợp, giúp phòng ngừa và điều trị loãng xương hiệu quả.
Hệ thống Y tế MEDLATEC với máy đo loãng xương DEXA scan hiện đại, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp trình độ giỏi, là địa chỉ được khách hàng tin tưởng thực hiện các phương pháp chẩn đoán bệnh loãng xương. Quý khách hàng cần sàng lọc, chẩn đoán loãng xương có thể liên hệ đặt trước lịch hẹn qua tổng đài 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!