Các tin tức tại MEDlatec

Bệnh tiểu cầu thấp có nguy hiểm không? Điều trị bằng cách nào?

Ngày 01/07/2023
Bệnh tiểu cầu thấp hay còn gọi là bệnh giảm tiểu cầu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh có thể gây xuất huyết dưới da, xuất huyết nội tạng, thể chất mệt mỏi cùng những biến chứng nguy hiểm khác. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây bệnh cùng các phương pháp điều trị tình trạng này, mời quý bạn đọc hãy cùng MEDLATEC tham khảo thêm những thông tin trong bài viết sau.

1. Bệnh tiểu cầu thấp là gì?

Tiểu cầu là một trong những thành phần chính của máu đảm nhiệm chức năng đông máu cho cơ thể. Nhiệm vụ này đặc biệt quan trọng khi cơ thể có vết thương, tiểu cầu sẽ giúp máu đông lại ở vùng vết thương đó để ngăn cản tình trạng chảy máu.

Trái ngược với hồng cầu có tuổi đời khá dài (120 ngày) thì tiểu cầu lại có tuổi thọ rất ngắn (chỉ 1 tuần). Người bình thường sẽ sở hữu khoảng 150.000 - 450.000 tiểu cầu/mm3 máu.

Các thành phần của máu

Bệnh tiểu cầu thấp chính là tình trạng số lượng tiểu cầu suy giảm dưới mức tham chiếu nêu trên. Bệnh được phân thành 2 loại đó là giảm tiểu cầu cấp tính và mạn tính. Trong đó phần lớn các trường hợp cấp tính là xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên, ngược lại đa số người lớn tuổi là bị giảm tiểu cầu mạn tính. Hiện bệnh lý này vẫn chưa có cách để điều trị triệt để.

2. Bệnh tiểu cầu thấp là do nguyên nhân nào gây nên?

Có không ít nguyên nhân gây ra tình trạng giảm tiểu cầu ở người bệnh, trong đó có thể kể đến đó là do:

2.1. Tình trạng mắc kẹt tiểu cầu tại lá lách

Lá lách là một cơ quan có kích thước khá nhỏ bằng nắm tay, nằm ở vị trí dưới khung xương sườn trái của bụng. Bình thường cơ quan này có nhiệm vụ lọc chất thải ra khỏi máu và chống nhiễm trùng. Nếu lá lách bị sưng to sẽ làm tăng số lượng tiểu cầu ở đây, đồng thời sẽ khiến tiểu cầu trong hệ tuần hoàn máu suy giảm.

2.2. Cơ thể giảm sản xuất tiểu cầu

Tủy xương là bộ phận đảm nhiệm vai trò sản xuất tiểu cầu. Một số yếu tố có thể khiến tủy xương giảm sản sinh tiểu cầu đó là do bệnh nhân gặp phải các vấn đề sau:

●       Nghiện rượu;

●       Nhiễm virus (HIV, viêm gan C);

●       Mắc bệnh suy tủy, bệnh bạch cầu hay ung thư;

●       Tác dụng phụ của xạ trị và hóa trị;

●       Bị thiếu máu.

2.3. Tăng phân hủy tiểu cầu

Nếu tốc độ tiểu cầu bị phá hủy nhanh hơn so với việc sản xuất ra tế bào này thì sẽ dẫn tới bệnh tiểu cầu thấp. Các nguyên nhân gây ra tình trạng này thường là do:

●       Giảm tiểu cầu miễn dịch: hệ miễn dịch của cơ thể nhận nhầm tiểu cầu là tác nhân có hại nên tấn công các tế bào này, dẫn đến sự hình thành các bệnh tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp và lupus ban đỏ;

●       Phụ nữ mang thai: giảm tiểu cầu trong giai đoạn thường nhẹ và sẽ hết sau khi sinh con;

●       Xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối: khá ít gặp, là hiện tượng khắp cơ thể đột ngột xuất hiện rất nhiều các cục máu đông nên đã huy động số lượng lớn tiểu cầu làm việc này, gây giảm tiểu cầu trong máu;

●       Nhiễm khuẩn huyết do biến chứng của các bệnh lý nhiễm trùng khiến tiểu cầu bị phá hủy;

●       Hội chứng ure huyết tán huyết: là hiện tượng hiếm gặp gây suy thận, hủy hoại các tế bào hồng cầu và tiểu cầu;

●       Do dùng thuốc: một số loại thuốc như quinine, heparin, thuốc chống co giật, kháng sinh chứa sulfa có thể gây rối loạn hệ miễn dịch, làm giảm số lượng tiểu cầu trong cơ thể.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh tiểu cầu thấp

3. Triệu chứng cảnh báo bệnh tiểu cầu thấp

Khi mắc bệnh tiểu cầu thấp, bệnh nhân thường sẽ xuất hiện các triệu chứng như sau:

●       Lá lách to, cơ thể mệt mỏi;

●       Xuất huyết dưới da: trên da có các nốt, chấm, mảng màu đỏ hay bầm tím, thậm chí là xanh, vàng với nhiều hình thái khác nhau;

●       Xuất huyết nội tạng: buồn nôn, đau đầu, ói ra máu, ra nhiều kinh nguyệt, trong phân và nước tiểu có lẫn máu, liệt (do xuất huyết não);

●       Xuất huyết niêm mạc: sưng nướu và chảy máu lợi.

Nếu tiểu cầu giảm dưới mức 20.000 thì có thể dẫn tới hiện tượng bầm tím, xuất huyết, khó cầm máu khi bị thương. Tuy trường hợp tiểu cầu giảm dưới mức 10.000 rất hiếm gặp nhưng đây là tình trạng xuất huyết não vô cùng nghiêm trọng, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể khiến người bệnh tử vong.

Vì tính chất nghiêm trọng của bệnh tiểu cầu thấp nên nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng như đi ngoài hoặc đi tiểu ra máu, chảy máu niêm mạc không ngừng, nôn ra máu,... thì bạn hãy đi khám ngay.

4. Điều trị bệnh tiểu cầu thấp bằng phương pháp nào?

4.1. Steroid

Dùng steroid sẽ giúp làm giảm tốc độ tiểu cầu bị phá hủy, từ đó ngăn chặn tình trạng xuất huyết và có tác dụng kích thích sản sinh tiểu cầu trong vòng 2 - 3 tuần. Tuy nhiên các thuốc chứa steroid có thể gây ra một số tác dụng phụ như kích ứng dạ dày, thay đổi tâm trạng, tăng cân, nổi mụn, tăng đường huyết, rối loạn giấc ngủ,...

4.2. Truyền máu

Đối với trường hợp tiểu cầu giảm ở mức quá thấp thì bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân truyền máu nhằm tăng mức tiểu cầu trong vòng 3 ngày.

4.3. Phẫu thuật cắt lá lách

Bệnh nhân cần thực hiện các loại xét nghiệm nhằm kiểm tra xem tiểu cầu có bị mắc kẹt tại lá lách hay không. Nếu đúng là do nguyên nhân này thì phải tiến hành phẫu thuật cắt lách. Trước khi phẫu thuật bệnh nhân cần được tiêm phòng để ngăn ngừa nguy cơ bị nhiễm trùng sau phẫu thuật.

Phương pháp truyền máu được áp dụng khi tiểu cầu ở mức quá thấp

5. Các lưu ý phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu cầu thấp

Những bệnh nhân đã từng bị giảm tiểu cầu thì nên cẩn trọng trong sinh hoạt hàng ngày, đó là hạn chế sử dụng những dụng cụ hay bề mặt được thiết kế sắc nhọn (dao, kéo, mảnh vỡ,...). Nếu có ý định sử dụng các đồ dùng này thì người bệnh nên đeo thêm găng tay để phòng ngừa rủi ro xảy ra thương tích cho cơ thể. Ngoài ra người bệnh cũng nên tránh bê vác vật nặng, không đi trên sàn nhà hay nền đất trơn, tránh các môn thể thao mạo hiểm có thể gây chấn thương để không bị bầm tím cơ thể.

Đối với những người bình thường để hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu cầu thấp thì hãy bảo vệ bản thân mình bằng cách:

●       Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể;

●       Không sử dụng rượu bia, đồ uống chứa cồn;

●       Không tiếp xúc với các hóa chất độc hại;

●       Thực đơn ăn uống lành mạnh, bổ sung thêm nhiều rau xanh và trái cây, thực phẩm ít chất béo, tránh ăn đồ chế biến sẵn, cắt giảm tinh bột;

●       Một số bệnh do virus gây ra như thủy đậu, sởi, quai bị, rubella có thể làm giảm tiểu cầu. Do đó mỗi người nên thực hiện tiêm chủng để phòng ngừa các bệnh lý này.

Trên đây là những thông tin cơ bản, khái quát về bệnh tiểu cầu thấp và một số phương án thường được áp dụng trong điều trị bệnh lý này. Nếu bạn cần được tư vấn hơn về các biện pháp thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh tiểu cầu thấp, hãy liên hệ qua hotline 1900565656 để được tổng đài viên của MEDLATEC hỗ trợ giải đáp ngay.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.