Các tin tức tại MEDlatec

Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính: Nguyên nhân và phương pháp điều trị

Ngày 15/10/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính có thể gây đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và suy tim. Nguy cơ này chỉ có thể được ngăn chặn khi phát hiện bệnh sớm và điều trị bằng phương pháp thích hợp. Chia sẻ sau đây sẽ cùng bạn tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây ra và hướng điều trị bệnh lý này.

1. Khái quát nguyên nhân gây bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính

1.1. Tắc nghẽn động mạch

Nguyên nhân chính gây ra bệnh là do sự tích tụ của các mảng bám cholesterol và các chất béo khác trong động mạch. Quá trình này làm thu hẹp động mạch, cản trở ổn định lưu thông máu đến tim.

1.2. Huyết áp cao

Huyết áp cao tạo áp lực cho thành động mạch. Lúc này, thành động mạch có nguy cơ bị tổn thương, thu hẹp lại. Đường lưu thông máu vì thế bị cản trở, dẫn đến bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính.

1.3. Các yếu tố nguy cơ khác

- Hút thuốc lá gây hư hại lớp màng lót của động mạch.

- Chế độ ăn uống giàu chất béo bão hòa, quá nhiều muối.

- Không thường xuyên vận động làm tăng nguy cơ bị bệnh tim.

- Tuổi cao, gia đình có tiền sử bệnh tim là nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Sự tích tụ chất béo và mảng bám cholesterol là một phần gây nên bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính

2. Triệu chứng điển hình ở bệnh thiếu máu cục bộ mạn

- Đau thắt ngực

Đau thắt ngực ở bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn là kết quả của việc tim không nhận đủ oxy để duy trì hoạt động. Vì vậy, người bệnh bị khó thở, đau tức ngực, đau có chiều hướng nghiêm trọng hơn vận động.

- Khó thở

Khi lưu lượng máu đến tim giảm, cơ tim sẽ hoạt động kém hiệu quả nên người bệnh bị khó thở, đặc biệt là khi gắng sức.

- Mệt mỏi

Người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi do tim không bơm đủ máu để cung cấp năng lượng cho cơ thể.

- Rối loạn nhịp tim 

Một số người bệnh có thể gặp tình trạng nhịp tim không đều, tim đập nhanh do cơ tim không nhận đủ oxy để thực hiện chức năng bơm máu.

- Phù chân

Khi tim hoạt động kém, việc bơm máu trở lại từ chân đến tim gặp khó khăn, gây ra tình trạng ứ đọng dịch và sưng phù chân.

3. Biến chứng có thể gặp phải ở bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính

Nếu không được điều trị sớm, người mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính có thể bị:

- Nhồi máu cơ tim: Dừng lưu thông máu đến tim khiến cơ tim bị tổn thương.

- Suy tim: Suy giảm khả năng bơm máu của tim có thể gây ra suy tim và khiến các cơ quan trong cơ thể không được nhận đủ oxy.

- Đột quỵ: Mảng bám từ động mạch tim di chuyển lên não, khiến lưu thông máu não bị tắc nghẽn.

Người bị bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn có nguy cơ đột quỵ nếu không được điều trị tích cực

3. Phương pháp xử trí đối với bệnh nhân mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính

3.1. Chẩn đoán

- Điện tâm đồ (ECG): Kiểm tra các vấn đề về nhịp tim và thiếu máu cơ tim.

- Siêu âm tim: Giúp bác sĩ nhìn rõ hình ảnh của tim, xác định bất thường về cấu trúc và chức năng của cơ tim.

- Xét nghiệm máu: Xem xét các chỉ số liên quan với nguy cơ mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn.

- Chụp mạch vành: Xác định mức độ hẹp để đưa ra quyết định về phương pháp điều trị.

3.2. Điều trị

- Điều trị bằng thuốc

Việc sử dụng thuốc trong điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn nhằm mục đích kiểm soát triệu chứng và nguy cơ biến chứng:

+ Thuốc giãn mạch: Làm rộng động mạch và cải thiện lưu lượng máu đến tim.

+ Thuốc hạ cholesterol: Giảm lượng cholesterol trong máu, ngăn ngừa mảng bám tích tụ.

+ Thuốc chống đông máu: Ngăn không cho huyết khối hình thành.

- Can thiệp mạch vành

Đối với trường hợp nghiêm trọng, can thiệp mạch vành bằng cách đặt stent sẽ được bác sĩ chỉ định để giữ cho động mạch không bị tắc nghẽn.

- Mổ bắc cầu động mạch vành

Phương pháp này chỉ định cho bệnh nhân bị tắc nghẽn động mạch nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ dùng mạch máu từ bộ phận khác của cơ thể để tạo đường mới cho máu đi qua.

Sau khi điều trị, người bệnh cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi các chỉ số huyết áp, cholesterol, hoạt động của tim,... Việc theo dõi này giúp phát hiện sớm các nguy cơ gây tái phát và điều chỉnh phương pháp điều trị kịp thời trong trường hợp cần thiết.

Phác đồ điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính được bác sĩ cân nhắc dựa vào thực trạng sức khỏe của người bệnh 

3.3. Thay đổi lối sống hỗ trợ điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính

Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị từ bác sĩ, bệnh nhân cũng cần có những thay đổi tích cực về thói quen sinh hoạt:

- Đảm bảo vận động thể chất tối thiểu 30 phút/ ngày để tăng tuần hoàn máu.

- Tránh tiêu thụ chất béo bão hòa, thực phẩm giàu cholesterol và muối. Các thực phẩm giàu chất xơ, trái cây, rau xanh và các nguồn protein lành mạnh cần được tăng cường bổ sung.

- Dừng hút thuốc để tránh giảm hiệu quả điều trị.

4. Phòng ngừa bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn như thế nào?

- Điều chỉnh lối sống

Việc làm này có ý nghĩa quan trọng để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn. Trong đó, các vấn đề cần được ưu tiên là:

+ Bỏ thuốc lá để giảm thiểu nguy cơ tổn thương động mạch.

+ Tập thể dục thường xuyên giúp ổn định sức khỏe tim mạch và giảm cholesterol.

+ Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ và giảm lượng muối trong chế biến thực phẩm, giảm thiểu tối đa các thực phẩm giàu chất béo bão hòa.

- Kiểm soát huyết áp và cholesterol

Người bệnh cần thường xuyên kiểm tra chỉ số cholesterol và điều chỉnh chế độ ăn uống. Nếu đã được bác sĩ chỉ định về việc sử dụng thuốc thì cần thực hiện đúng để kiểm soát tốt cholesterol máu.

Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính cần được điều trị tích cực để đảm bảo sự sống cho người bệnh. Vì thế, người bệnh cần thăm khám ngay khi có triệu chứng nghi ngờ để kiểm tra và tìm được phương án điều trị tối ưu.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC, hãy liên hệ đặt trước lịch khám qua tổng đài 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.