Các tin tức tại MEDlatec
Bí kíp “thả trôi” căng thẳng ngày Tết để đón Tết an vui
- 29/12/2022 | Tủ thuốc gia đình cho ngày Tết cần trang bị những gì?
- 02/01/2023 | Kinh nghiệm giảm cân sau Tết giúp bạn lấy lại vóc dáng
- 29/12/2022 | Thực đơn dinh dưỡng ngày Tết giúp bạn kiểm soát cân nặng
1. Tại sao nhiều người dễ bị căng thẳng ngày Tết?
1.1. Công việc quá nhiều
Dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa thật sạch đẹp để đón Tết là thói quen của rất nhiều người trong những ngày cuối năm. Điều này xuất phát từ tâm lý muốn ngôi nhà được tinh tươm, khang trang nhưng cũng tạo nên áp lực cho người dọn dẹp. Không những thế, việc chuẩn bị mâm cơm ngày Tết cũng tốn không ít công sức thời gian. Tất cả yếu tố đó tạo ra sự mệt mỏi về thể chất từ đó dẫn đến căng thẳng về tinh thần.
1.2. Áp lực từ việc phải chi tiêu nhiều
Cũng xuất phát từ tâm lý chu toàn ngày Tết nên nhiều người phải đối mặt với hàng loạt áp lực kinh tế từ vấn đề chi tiêu, mua sắm,.... Hệ lụy sinh ra từ đây chính là sự căng thẳng kéo dài, làm nhiều người mệt mỏi.
1.3. Quá gần gũi hoặc quá cô đơn
Tết vốn là dịp để sum vầy nên mọi người xích lại gần nhau hơn nhưng cũng chính điều này lại dễ trở thành tác nhân cho sự căng thẳng ngày Tết. Khi ở quá gần nhau, tương tác nhiều với nhau, các thành viên trong gia đình khó tránh khỏi những mâu thuẫn về cách ứng xử, lối sống hay câu nói của nhau. Vô tình, mâu thuẫn ấy sinh ra cãi vã và căng thẳng.
Ngoài ra, với nhiều người, sự gần gũi thái quá trong ngày Tết thông qua việc gọi điện thăm hỏi, chúc mừng,... họ hàng cũng là một loại áp lực tinh thần. Khi không có nhu cầu trong việc đó nhưng vẫn phải làm, họ sẽ sinh ra trạng thái tâm lý căng thẳng, khó chịu.
Trái với cảm giác gần gũi là sự cô đơn xảy ra ở những người sống xa quê, không có điều kiện gần người thân,... Trường hợp này dễ cảm thấy cô độc trước không khí sum vầy ở các gia đình khác. Đây cũng là một dạng tâm lý căng thẳng dễ gặp mỗi khi Tết đến.
1.4. Tiệc tùng triền miên
Sự có mặt của những lời chúc, những mâm cỗ triền miên cũng là “thủ phạm” gây nên căng thẳng ngày Tết. Những bữa tiệc này khiến cho lịch trình sinh hoạt của nhiều người bị đảo lộn, các thói quen lành mạnh hàng ngày bị phá bỏ. Cứ như vậy, guồng quay từ bàn tiệc này sang bàn tiệc khác gây nên sự mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần.
Tiệc tùng, chúc tụng ngày tết cũng là áp lực vô hình gây căng thẳng cho nhiều người
2. Làm cách nào để tránh bị căng thẳng ngày Tết?
2.1. Thư giãn và dành thời gian cho chính mình
Không phải ngẫu nhiên mà quan niệm Tết là để nghỉ ngơi xuất hiện. Có được quãng thời gian nghỉ ngơi đúng nghĩa bằng cách tự thưởng cho mình một bộ phim yêu thích, một bữa ăn ngon lành, một cuốn sách thật hay,... là giải pháp đẩy lùi căng thẳng ngày Tết vô cùng hiệu quả.
Để tự thưởng, bạn còn có thể pha một tách trà hoa cúc rồi ngồi nhâm nhi, thưởng ngoạn. Hương vị của loại trà này có thể giải tỏa lo lắng và giúp bạn có được trạng thái tâm lý thoải mái.
2.2. Không quên vận động
Vận động cũng biện pháp phòng tránh căng thẳng ngày Tết rất hiệu quả. Vì những lý do khác nhau nên những ngày Tết không ít người đã gác thói quen thể dục, luyện tập thể thao sang một bên và chấp nhận “thả trôi” cơ thể tạm thời. Trước những “lộn xộn” về giờ giấc, sinh hoạt xảy ra trong dịp Tết, sự “thả trôi” vận động đó vô tình trở thành tác nhân cho căng thẳng ghé thăm.
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tham gia các hoạt động thể chất có tác dụng cải thiện tâm trạng rõ rệt. Mặc dù Tết có khá nhiều công việc bận rộn nhưng bạn cũng không nên quên tập luyện thể dục. Duy trì được thói quen này bạn sẽ kiểm soát tâm lý rất tốt và không phải lo về sự căng thẳng, mệt mỏi sẽ đến trong những ngày đầu xuân.
2.3. Chấp nhận thực tế và sự khác biệt
Tết mỗi năm đều có những sự khác biệt nhất định nên nếu bạn cảm thấy căng thẳng vì vấn đề gì ngoài tầm kiểm soát của mình thì hãy cố gắng tìm cách chấp nhận nó như một điều tất yếu.
Chấp nhận thực tế, cân bằng trong các mối quan hệ là cách phòng tránh căng thẳng ngày Tết
Ngay cả khi các thành viên trong gia đình không đáp ứng được mong mỏi của bạn thì cũng hãy gác cảm giác bất bình sang một bên để tránh bị áp lực và chọn một thời điểm thích hợp hơn để thảo luận về điều làm bạn khó chịu. Đôi khi chính bản thân người khác có khi cũng đang bị căng thẳng ngày Tết nên thông cảm cho họ cũng là cách để bạn bớt tạo áp lực cho mình.
2.4. Lên danh sách việc cần làm
Viết ra danh sách những việc cần làm trước và trong Tết là cách giúp bạn sắp xếp công việc hiệu quả, hợp lý và tiết kiệm được thời gian. Việc làm này cũng khiến bạn nhìn ra được việc cần làm cho mình để có kế hoạch chăm sóc bản thân ngày Tết thật tốt, có như vậy bạn mới tránh được cảm giác căng thẳng.
Tết là dịp để kết nối yêu thương nhưng cũng là thời điểm khiến cho nhiều người gặp khó khăn trong việc dành thời gian cho bản thân mình. Khi bản thân không được nghỉ ngơi, không được làm những điều mình thích thì căng thẳng ngày Tết là điều khó tránh.
Để có được trạng thái cân bằng về thể chất và tinh thần trong những ngày này bạn nên dậy sớm hơn để tập yoga, thiền định, tập Gym, nghe nhạc,... Hoặc bạn cũng có thể từ chối bớt một số cuộc hội họp để có thêm thời gian nghỉ ngơi, để ngủ,... cho cơ thể được hồi phục.
Nếu bạn đã thực hiện những biện pháp phòng ngừa căng thẳng ngày Tết trên đây mà vẫn thường xuyên cảm thấy buồn bã, mệt mỏi, áp lực,... thì nên đến gặp chuyên gia tâm lý để được trợ giúp, tránh để suy giảm sức khỏe tinh thần nghiêm trọng dẫn đến rối loạn lo âu hoặc trầm cảm.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!