Các tin tức tại MEDlatec
Bị viêm túi mật có phải mổ không hay điều trị bằng phương pháp khác?
- 25/06/2025 | Viêm túi mật cấp: Những vấn đề nên biết để chủ động bảo vệ sức khỏe
- 19/02/2025 | Tuổi thọ của người cắt túi mật và lời khuyên từ bác sĩ điều trị
- 02/03/2025 | Thực đơn hàng ngày cho người cắt túi mật cần những gì để bệnh nhân nhanh hồi phục?
1. Viêm túi mật là bệnh gì?
Túi mật nằm dưới gan, giữ vai trò lưu trữ và cô đặc dịch mật tiết ra bởi gan. Viêm túi mật là tình trạng niêm mạc túi mật bị viêm, thường do sỏi mật chặn dòng chảy của mật hoặc do nhiễm trùng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng như thủng túi mật, hoại tử túi mật hoặc nhiễm trùng lan rộng.
Hình ảnh mô phỏng túi mật bị viêm do sỏi mật
2. Viêm túi mật có phải mổ không? Điều trị như thế nào?
2.1. Bệnh nhân viêm túi mật có cần mổ không?
Việc túi mật có phải mổ không phụ thuộc vào mức độ tổn thương, nguyên nhân gây viêm túi mật và tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân. Không phải mọi trường hợp bị viêm túi mật đều bắt buộc phải mổ.
2.1.1. Trường hợp cần mổ
Bệnh nhân viêm túi mật có thể cần phải mổ nếu:
- Viêm túi mật cấp đã điều trị nội khoa không hiệu quả.
- Có sỏi túi mật gây viêm tái phát nhiều lần.
- Nguy cơ thủng túi mật, hoại tử túi mật.
- Xuất hiện polyp lớn hoặc nghi ngờ bị ung thư túi mật.
- Biến chứng viêm tụy cấp do sỏi, viêm đường mật.
Nếu túi mật bị viêm nhiều lần, viêm cấp tính nặng hoặc có nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm, phẫu thuật sẽ được chỉ định để cắt bỏ túi mật. Mổ cắt túi mật hiện nay chủ yếu thực hiện bằng phương pháp nội soi, ít xâm lấn và tương đối an toàn.
2.1.2. Trường hợp không cần mổ
Người bệnh không nên quá lo lắng về vấn đề viêm túi mật có phải mổ không vì một số trường hợp có thể điều trị nội khoa như:
- Viêm túi mật nhẹ, chưa có sỏi hoặc sỏi nhỏ không gây tắc nghẽn.
- Bệnh nhân chống chỉ định đối với phẫu thuật như: người lớn tuổi, người có bệnh lý tim mạch nặng,...
- Viêm túi mật không do sỏi mà do nguyên nhân tạm thời như nhiễm trùng, sau chấn thương,...
Để biết viêm túi mật có phải mổ không, người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa đánh giá kỹ lưỡng. Tự ý trì hoãn phẫu thuật khi đã có chỉ định có thể khiến người bệnh gặp phải nhiều hệ lụy nguy hiểm.
Viêm túi mật có phải mổ không cần có sự đánh giá kỹ càng bởi bác sĩ chuyên khoa
2.2. Các phương pháp điều trị bệnh viêm túi mật
Phác đồ điều trị viêm túi mật sẽ được bác sĩ chỉ định phù hợp với tình trạng của từng bệnh nhân. Hiện nay, bệnh viêm túi mật chủ yếu được điều trị bằng các phương pháp sau:
2.2.1. Điều trị nội khoa (không phẫu thuật)
Đối với các trường hợp viêm túi mật nhẹ, chưa có biến chứng hoặc bệnh nhân không đủ điều kiện sức khỏe để phẫu thuật ngay, bác sĩ có thể chỉ định dùng một số loại thuốc như:
- Thuốc kháng sinh: Được dùng với mục đích kiểm soát nhiễm trùng túi mật.
- Thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc chống co thắt cơ trơn: Cải thiện các triệu chứng mà bệnh nhân viêm túi mật đang gặp phải.
- Nhịn ăn và truyền dịch: Trong giai đoạn cấp tính, bệnh nhân thường được yêu cầu nhịn ăn hoàn toàn trong 24 - 48 giờ để giảm gánh nặng cho túi mật. Người bệnh sẽ được bác sĩ truyền dịch tĩnh mạch để cung cấp nước và điện giải nhằm ổn định thể trạng.
Nếu các triệu chứng giảm rõ rệt sau điều trị, người bệnh có thể được tiếp tục điều trị nội khoa hoặc lên kế hoạch phẫu thuật trì hoãn. Ngược lại, nếu tình trạng không cải thiện, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định mổ cấp cứu.
2.2.2. Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật)
Nếu bạn đang băn khoăn về vấn đề viêm túi mật có phải mổ không thì những trường hợp viêm túi mật có sỏi hoặc viêm túi mật nặng, tái phát nhiều lần sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt túi mật.
Các phương pháp thực hiện phẫu thuật gồm:
- Phẫu thuật nội soi cắt túi mật: Bác sĩ sử dụng dụng cụ nội soi đưa qua vết rạch nhỏ trên bụng để cắt và lấy túi mật ra ngoài.
- Phẫu thuật mổ mở cắt túi mật: Người bệnh sẽ được rạch một đường dài trên bụng để bác sĩ dễ dàng quan sát bên trong, thực hiện thao tác cắt túi mật. Phẫu thuật mổ mở áp dụng với bệnh nhân không đủ điều kiện mổ nội soi, từng phẫu thuật ổ bụng trước đó, biến chứng thủng túi mật, hoại tử hoặc viêm túi mật nặng.
- Dẫn lưu túi mật qua da: Bệnh nhân là người lớn tuổi hoặc có bệnh lý nghiêm trọng không thể phẫu thuật sẽ được chỉ định chọc hút túi mật qua da nhằm dẫn lưu dịch mật nhiễm khuẩn ra ngoài.
3. Bệnh nhân viêm túi mật nên lưu ý
Đối với các trường hợp đã phẫu thuật, dù túi mật bị cắt nhưng cơ thể người bệnh vẫn có khả năng tiêu hóa bình thường. Sau mổ cắt túi mật, người bệnh nên lưu ý:
- Về chế độ dinh dưỡng:
+ Ưu tiên ăn thức ăn được chế biến dạng mềm và dễ tiêu trong 1 - 3 ngày đầu sau mổ.
+ Tránh thức ăn dầu mỡ, đồ chiên rán, thực phẩm cay nóng.
+ Tăng cường chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày, đặc biệt là rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt.
+ Uống đủ ít nhất 2 lít nước/ngày.
- Về chế độ vận động:
+ Nên đi lại nhẹ nhàng sau mổ để khí huyết lưu thông.
+ Tránh hoạt động mạnh hay làm việc mang vác nặng trong 2 - 4 tuần đầu.
- Chú ý lịch tái khám:
Tái khám theo lịch hẹn trước đó của bác sĩ là điều cần thiết để bệnh nhân được kiểm tra tình trạng vết mổ, phát hiện sớm biến chứng nếu có.
Người bệnh được bác sĩ hướng dẫn theo dõi và chăm sóc sức khỏe sau phẫu thuật cắt túi mật
Đối với trường hợp viêm túi mật không cần mổ, người bệnh vẫn cần thực hiện điều trị nội khoa đúng phác đồ của bác sĩ và theo dõi cẩn thận tình trạng sức khỏe của mình. Nếu không thực hiện đúng phác đồ điều trị, bệnh có thể gây nên các biến chứng như: hoại tử túi mật, áp xe túi mật, viêm đường mật, nhiễm trùng huyết,...
Bản thân người bệnh không thể tự đánh giá đúng tình trạng bệnh của mình, không thể tự nhận định được viêm túi mật có phải mổ không. Vì thế, khi có triệu chứng đau hạ sườn phải, đau tăng sau ăn, sốt, nôn, buồn nôn, nước tiểu sẫm màu, vàng da, chướng bụng,... quý khách hàng có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56, đặt lịch khám cùng bác sĩ Chuyên khoa Tiêu hóa - Hệ thống Y tế MEDLATEC để được chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!