Các tin tức tại MEDlatec

Cảnh báo nguyên nhân đục thủy tinh thể đến từ những yếu tố không ngờ

Ngày 29/02/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu làm giảm thị lực và nguy cơ mù lòa ở nhiều trường hợp bệnh nhân trên thế giới. Căn bệnh này có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng phổ biến nhất là bệnh nhân trong độ tuổi ngoài 50. Hiểu rõ về những nguyên nhân đục thủy tinh thể chính là cách giúp phòng ngừa và điều trị hiệu quả bệnh lý này.

1. Khái niệm và phân loại bệnh đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể còn được biết đến với những tên gọi khác là bệnh cườm khô, cườm đá, xảy ra khi thị lực của người bệnh gặp rối loạn do sự thay đổi cấu trúc protein trong thủy tinh thể. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ yếu tố bên ngoài hoặc bản thân bên trong cơ thể người bệnh tác động.

Rối loạn cấu trúc protein có thể kéo theo sự thay đổi cả về độ trong, độ cong, độ dày và độ đàn hồi thủy tinh thể, kết quả là thủy tinh thể trở nên mờ đục. Điều này sẽ làm cản trở đường đi của ánh sáng và khiến thị lực suy giảm. Khi bị đục thủy tinh thể, các hoạt động sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn, từ những hoạt động đơn giản nhất như đi đứng, xác định phương hướng, đọc sách báo hay lái xe,... Nếu không điều trị, đục thủy tinh thể hoàn toàn có khả năng khiến bệnh nhân bị mù lòa.

Đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu làm giảm thị lực và gây mù lòa ở nhiều bệnh nhân

Đục thủy tinh thể được phân loại theo những cách như sau:

Dựa trên vị trí, hình thái:

●       Đục nhân: là khi nhân của thủy tinh thể bị đục và có hiện tượng xơ cứng. Giai đoạn mới khởi phát, đục nhân thủy tinh thể thường khiến bệnh nhân nhìn mờ khi ánh sáng mạnh, tình trạng này có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên mắt.

●       Đục vỏ: các nốt đục có thể phát triển lớn hơn, sau đó chúng nhập với nhau tạo thành vùng đục lớn. Tới một thời điểm nhất định, đục nhân và đục vỏ thủy tinh thể kết hợp sẽ tạo thành tình trạng đục thủy tinh thể hoàn toàn (đục chín).

●       Đục bao: là hiện tượng đục nhỏ vùng biểu mô hay phần bao ở trước thủy tinh thể nhưng không tác động tới lớp vỏ.

Dựa trên mức độ bệnh:

●       Đục bắt đầu.

●       Đục tiến triển.

●       Đục gần hết.

●       Đục hoàn toàn.

Cho dù là bị đục thủy tinh thể loại nào thì đều có một hệ quả chung là cản trở đường đi của ánh sáng tới võng mạc, khiến người bệnh bị giảm thị lực và mù lòa.

2. Triệu chứng cảnh báo bệnh đục thủy tinh thể

Dấu hiệu của bệnh sẽ có mức độ biểu hiện dựa trên giai đoạn tiến triển của bệnh, cụ thể:

●       Ở giai đoạn sớm: bệnh nhân xuất hiện tình trạng mờ mắt, nhận thấy trước mắt như có màng che, gặp trở ngại khi lái xe, đặc biệt là vào ban ngày, buổi trưa khi ánh sáng mạnh.

●       Ở giai đoạn muộn: triệu chứng trở nên rõ ràng hơn như thủy tinh thể thay đổi màu sắc, nhìn đôi, nhạy cảm hơn với ánh sáng, nhận thức về màu sắc giảm, thấy có chấm đen trước mắt.

Bệnh có xu hướng diễn tiến âm thầm trong thời gian dài, vì vậy nên nhiều bệnh nhân không để ý đến các biểu hiện của bệnh, nếu có thì cũng thường nhầm lẫn với các bệnh lý khác ở mắt. Đến khi bệnh chuyển nặng và bắt đầu có biến chứng thì đã muộn.

3. Nguyên nhân đục thủy tinh thể là do đâu?

Như một sự lão hóa tất yếu của cơ thể, đa số bệnh nhân bị đục thủy tinh thể là những người lớn tuổi. Ngoài ra căn bệnh này cũng có thể xuất hiện bẩm sinh hoặc do chấn thương, tai nạn hay biến chứng từ những vấn đề sức khỏe khác. Sau đây là 2 nhóm nguyên nhân chính gây bệnh đục thủy tinh thể:

Nguyên nhân đục thủy tinh thể nguyên phát:

●       Do bẩm sinh: rối loạn chuyển hóa, biến chứng do mắc một bệnh lý toàn thân, vấn đề về di truyền,...

●       Do lão hóa: tuổi tác càng cao thì nguy cơ lão hóa thuỷ tinh thể sẽ càng lớn.

Nguyên nhân đục thuỷ tinh thể thứ phát:

●       Mắc phải một số bệnh về mắt như bệnh giác mạc, viêm kết mạc,... không điều trị được dứt điểm, tái phát nhiều lần.

●       Mắt phải tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng xanh hắt ra từ màn hình của những thiết bị điện tử trên 3 tiếng/ngày hoặc ánh nắng mặt trời.

●       Cận thị thoái hóa.

●       Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, corticoid,...

●       Bệnh nhân đang bị những bệnh lý mạn tính như béo phì, tiểu đường, huyết áp cao,...

●       Do tai biến, chấn thương tại mắt, sau phẫu thuật mắt để lại di chứng,...

●       Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể: thiếu chất (khiến cấu trúc protein của thủy tinh thể bị suy yếu), căng thẳng trong thời gian dài, thường xuyên dùng chất kích thích (thuốc lá, bia rượu,...), tiếp xúc nhiều với chất độc hại, khói bụi ô nhiễm,...

Đa số bệnh nhân bị đục thủy tinh thể là những người lớn tuổi

4. Phương pháp chẩn đoán bệnh đục thủy tinh thể

Để kiểm tra nguy cơ bị đục thủy tinh thể của một người, bác sĩ cần được cung cấp thông tin bệnh sử và khám mắt cho bệnh nhân. Một số loại xét nghiệm cần thiết thường được chỉ định:

●       Kiểm tra thị lực: bác sĩ lần lượt kiểm tra 2 bên mắt của người bệnh với bảng chữ cái và thiết bị chuyên dụng. Dựa trên những thông số thu được, bác sĩ sẽ đánh giá xem thị lực của bệnh nhân đang ở mức độ nào.

●       Dùng kính chuyên dụng để kiểm tra mắt: là một loại kính giúp bác sĩ có thể quan sát rõ ràng các cấu trúc bên trong của mắt, từ đó giúp phát hiện ra các bất thường ở mắt một cách dễ dàng hơn.

Bệnh nhân sẽ được bác sĩ kiểm tra thị lực để phát hiện các bất thường ở mắt

5. Đục thủy tinh thể được điều trị như thế nào?

Phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân những biện pháp điều trị phù hợp, điển hình là các phương pháp như sau:

●       Dùng loại kính hỗ trợ: đục thủy tinh thủy ở giai đoạn đầu chưa ảnh hưởng nhiều tới thị lực, lúc này bệnh nhân sẽ được sử dụng kính lúp hoặc đeo một loại kính hỗ trợ thị lực. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng và chăm sóc mắt hàng ngày, thay đổi thói quen sinh hoạt để đôi mắt được nghỉ ngơi hợp lý, luôn đảm bảo mắt được làm việc trong môi trường có đầy đủ ánh sáng.

●       Phẫu thuật: nếu người bệnh không đáp ứng thuốc hoặc không thể đeo kính thì phẫu thuật sẽ là giải pháp được áp dụng để thay thủy tinh thể nhân tạo.

Có thể thấy rằng nguyên nhân đục thủy tinh thể khá đa dạng. Nếu phát hiện muộn và chậm trễ trong việc điều trị bệnh thì sẽ khiến đôi mắt của người bệnh có nguy cơ cao phải đối diện với các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là mù lòa do đục thủy tinh thể.

Nếu bạn đang có nhu cầu được khám mắt hoặc đang gặp phải những triệu chứng cảnh báo sự xuất hiện của bệnh đục thủy tinh thể, hãy liên hệ với tổng đài 1900565656 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được tư vấn và hỗ trợ đặt lịch khám cùng các chuyên gia, bác sĩ Chuyên khoa Mắt ngay hôm nay.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.