Các tin tức tại MEDlatec

Cây sầu đâu và những lưu ý khi sử dụng

Ngày 17/07/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Cây sầu đâu được nhiều người truyền tai về công dụng trị bệnh ngoài da, rắn cắn, sốt rét,... nhưng không phải ai cũng biết rằng độc tố trong loài cây này tương đối nguy hiểm. Bài viết sau đây sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về công dụng và cách dùng dược liệu này để tránh những hệ lụy không tốt cho sức khỏe.

1. Đặc điểm sinh học cây sầu đâu

Cây sầu đâu ở nước ta hiện có 3 loại với đặc điểm sinh học khác nhau:

- Cây sầu đâu bản địa: lá dạng kép lông chim, thân gỗ to, cao trung bình 8 - 15m. Hoa cây sầu đâu bản địa mọc thành cụm ở lá, màu tím nhạt hoặc màu trắng.

- Cây sầu đâu rừng: dạng lá xẻ lông chim, thân yếu và nhỏ, cao 1.6 - 2.5m, hoa mọc thành chùm.

- Cây sầu đâu Ấn Độ: thân gỗ, to cao trung bình khoảng 20m, tỏa tán rộng. Lá mọc xen với lá chét tạo thành tán. Đây là cây có giá trị cung cấp nguồn gỗ và cao su chất lượng.

Hình ảnh lá và quả cây sầu đâu

2. Công dụng của các loại cây sầu đâu

2.1. Cây sầu đâu rừng

Trung bình mỗi năm, cây sầu đâu rừng cho 3 - 5 tấn quả. Loài cây này mọc hoang nhiều ở miền Trung và miền Bắc. Quả sầu đâu rừng thường thu hoạch vào khoảng tháng 8 - 12, sau khi thu hoạch sẽ được sấy hoặc phơi khô rồi bảo quản để làm dược liệu.

Theo y học cổ truyền, cây sầu đâu rừng mang tính hàn, vị đắng, chủ trị bệnh lỵ, sốt rét,... nhưng không dùng cho người đang bị nôn mửa, tỳ vị hư nhược.

Các dạng bào chế dược liệu phổ biến của cây sầu đâu rừng gồm:

- Viên uống: tán nhuyễn 10 - 20 quả sầu đâu rồi vo thành từng viên nhỏ để uống trong 3 - 7 ngày.

- Dầu: bỏ phần vỏ của quả sầu đâu đi sau đó ép lấy dầu để tránh bị tiêu chảy, nôn khi sử dụng. 

- Dung dịch thụt: giã nhỏ 20 - 30 hạt sầu đâu rồi ngâm trong 200ml natri bicarbonat 1% trong 1 - 2 giờ. Dùng hỗn hợp này để thụt. 

Nhận diện đúng để không nhầm lẫn cây sầu đâu với cây xoan 

2.2. Cây sầu đâu bản địa

Toàn thân cây sầu đâu bản địa có tính lạnh, vị đắng, chỉ dùng vỏ thân và rễ để làm dược liệu. Vỏ từ thân và rễ của cây sầu đâu bản địa chứa thành phần toosendanin có thể chống lại độc tố botulin do vi khuẩn, kháng nấm, diệt giun. Lá sầu đâu bản địa chỉ được dùng để tiêu diệt côn trùng và sâu bọ gây bệnh.

Cây sầu đâu bản địa không nên dùng để chữa bệnh mà dùng tiêu diệt sâu bọ bằng cách sắc nước lá sầu đâu để phun lên cây. Ngoài ra, cho lá của loài cây này vào chum đựng hạt, đựng gạo có thể tiêu diệt được sâu mọt, nấm mốc.

2.3. Cây sầu đâu Ấn Độ

Phần quả non, vỏ từ thân và rễ cây sầu đâu Ấn Độ để làm dung dịch se khít lỗ chân lông. Phần lá cây có thể làm dược liệu chữa bệnh phong, lở loét, tẩy giun,... Phần vỏ cây có thể chữa bệnh ngoài da, sốt rét, giảm đau,... Cây sầu đâu Ấn Độ cũng có thể dùng để sắc nước phun lên cây giúp tiêu diệt côn trùng gây bệnh.

Bột tán từ lá cây sầu đâu có thể dùng để chữa bệnh

3. Bài thuốc chữa bệnh sử dụng cây sầu đâu

- Chữa tiểu đường

Lấy khoảng 10 lá sầu đâu tươi đun lấy nước uống. Khi mới uống sẽ thấy nước sắc từ lá sầu đâu nhặng đắng nhưng hậu vị sẽ ngọt.

- Chữa sốt rét

Giã dập vỏ của cây sầu đâu rồi nấu cùng 100ml cho đến khi cạn còn 50ml nước thì chắt uống.

- Giảm đau nhức xương khớp

Ngâm 100g lá sầu đâu ngâm với 100g cồn 90 độ. Ngâm hỗn hợp này 1 ngày rồi thêm vào đó 1 thìa cà phê dầu dừa, hấp cách thủy thêm 3 giờ để thu được tinh dầu màu xanh lục, chờ tinh dầu nguội thì thoa lên vùng bị đau nhức.

- Chữa tiêu chảy

Xay nhuyễn 1g hạt sầu đâu sau đó thêm vào một chút đường và pha trong cốc nước để uống.

- Chữa khó tiêu

Xay nhuyễn 3 hạt tiêu đen, 3 lá đinh hương và 25 lá sầu đâu. Pha hỗn hợp vừa xay cùng với nước để uống 2 lần/ngày.

- Chữa rụng tóc hói đầu

Nấu hỗn hợp vừa đủ gồm lá cây táo tàu và lá sầu đâu lấy nước để gội đầu.

- Chữa sỏi mật, viêm túi mật

Sắc vàng các nguyên liệu: 40g nhân trần, 40g kim tiền thảo, 10g sầu đâu rừng, 16g mã đề, 16g sài hồ, 12g chi tử, 8g uất kim, 8g chỉ xác, 4g đại hoàng. Dùng nguyên liệu đã sao vàng đem sắc lấy nước uống. 

- Chữa viêm loét dạ dày

Lấy 30g vỏ cây sầu đâu đem sắc với nước đến khi cạn còn khoảng 1 chén thì chắt lấy phần nước đặc này để uống. 

- Chữa lỵ do amip

Chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu: 15g bột ngân hoa thán, 60g sáp vàng 15g bột quán chúng, 45g bột thân cây sầu đâu rừng đã bỏ vỏ. Phần sáp vàng nấu cho chảy sau đó trộn với các loại bột sầu đâu, quán chúng, ngân hoa thán và vê thành từng hòn nhỏ để uống khi đói, mỗi ngày 10 - 15 viên.

- Làm đẹp da

Dùng lá sầu đâu xay thành dạng bột sau đó trộn cùng chút nước để thu được hỗn hợp sánh và đắp làm mặt nạ. Thành phần vitamin C trong lá sầu đâu có tác dụng ngăn ngừa lão hóa, trị thâm và mụn khá hiệu quả. 

4. Lưu ý về tác dụng phụ của cây sầu đâu

Ngoài những công dụng trị bệnh thì cây sầu đâu cũng có những độc tính nhất định, khi sử dụng cần lưu ý:

- Tuyệt đối không ăn quả sầu đâu bản địa vì có độc tính dễ dẫn đến tiêu chảy, nôn, suy thận,... 

- Dùng sầu đâu với hàm lượng lớn, trong thời gian dài có thể bị động kinh, mất ý thức, rối loạn não, tử vong. 

- Không được dùng cây sầu đâu cho thai phụ vì có thể gây sảy thai.

- Không dùng chung dược liệu sầu đâu với bất cứ loại thuốc nào.

- Không tự ý kết hợp cây sầu đâu với các loại dược liệu khác.

- Không dùng cây sầu đâu chữa bệnh cho người bị dị ứng.

Dược liệu cây sầu đâu có độc tính nên không nên tự ý sử dụng. Nếu có ý định chữa bệnh bằng cây sầu đâu cần đến thầy thuốc thăm khám để được kê đơn và hướng dẫn sử dụng đúng cách. 

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC có thể liên hệ đặt trước lịch khám qua tổng đài 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.