Các tin tức tại MEDlatec
Chuyên gia giải đáp: Suy buồng trứng sớm có điều trị được không?
- 11/07/2022 | Những điều chị em cần biết về hội chứng quá kích buồng trứng
- 15/08/2022 | BVĐK MEDLATEC cấp cứu thành công ca bệnh nguy hiểm: Sốc mất máu do vỡ u nang buồng trứng
- 17/09/2022 | Buồng trứng nằm ở đâu? Những nguyên nhân nào gây đau buồng trứng?
- 23/09/2022 | Những thói quen đơn giản giúp bạn phòng tránh viêm buồng trứng
- 18/08/2022 | Góc giải đáp: Ung thư buồng trứng là gì? Có cách nào điều trị không?
1. Suy giảm buồng trứng sớm gây ra những triệu chứng như thế nào?
1.1. Một số triệu chứng của tình trạng suy buồng trứng sớm
Theo thời gian, các cơ quan trong cơ thể sẽ dần bị lão hóa và suy giảm chức năng hoạt động. Đây là điều không thể tránh khỏi. Buồng trứng cũng vậy, từ sau tuổi 40, cơ quan này sẽ giảm khả năng hoạt động một cách tự nhiên khiến chị em suy giảm khả năng sinh sản và bước vào thời kỳ mãn kinh.
Bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm khi bị suy buồng trứng
Với những phụ nữ suy buồng trứng sớm, họ có thể bị suy giảm khả năng sinh sản từ trước năm 40 tuổi, thậm chí ngay từ độ tuổi thiếu niên. Một số triệu chứng của bệnh như:
- Rối loạn kinh nguyệt như kinh nguyệt không đều, mất kinh,... Tình trạng này tồn tại trong thời gian dài và có thể nghiêm trọng hơn sau khi mang thai hoặc sau khi chị em không dùng thuốc ngừa thai.
- Phụ nữ bị suy giảm buồng trứng sẽ khó mang thai hơn.
- Thường có cảm giác nóng ran, bốc hỏa, kèm theo đó là tâm trạng hay lo lắng, thất thường, dễ cáu gắt vô cớ, mất tập trung.
- Vã mồ hôi về đêm.
- Khô âm đạo.
- Khô mắt.
- Khó chịu hoặc mất tập trung.
- Không còn mặn mà với chuyện “yêu”.
1.2. Phân biệt suy buồng trứng sớm với tình trạng tiền mãn kinh
Một số biểu hiện của suy buồng trứng sớm có thể nhầm lẫn với tình trạng mãn kinh sớm. Tuy nhiên, đây là hai vấn đề sức khỏe hoàn toàn khác nhau:
- Những trường hợp mãn kinh sớm, kinh nguyệt của chị em có thể dừng trước 40 tuổi và rất ít có khả năng mang thai.
- Tuy nhiên, với bệnh suy buồng trứng sớm, một tỷ lệ nhỏ vẫn có thể thụ thai tự nhiên(khoảng 5%) và có 50% phụ nữ bị suy buồng trứng sớm vẫn có kinh nguyệt nhiều năm sau khi được chẩn đoán bệnh.
- Độ tuổi mãn kinh của phụ nữ thường là từ 42 đến 56 tuổi. Còn các trường hợp suy buồng trứng sớm có thể xảy ra sớm hơn nhiều, thậm chí từ độ tuổi 15 trở đi.
2. Vì sao bị suy buồng trứng sớm?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy buồng trứng sớm, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
- Các khuyết tật nhiễm sắc thể, nhất là hội chứng Turner thể khảm khiến cho một NST X dễ bị vỡ, gãy và không thể hoạt động bình thường.
- Độc tố: Một số hóa chất độc hại như khói thuốc lá, thuốc trừ sâu,... và các phương pháp như hóa trị, xạ trị trong quá trình điều trị một số bệnh ung thư có thể dẫn tới suy buồng trứng sớm.
- Do hệ thống miễn dịch tạo ra một số kháng thể có xu hướng chống lại mô buồng trứng, dẫn tới làm hỏng các nang trứng.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến suy giảm buồng trứng
- Các yếu tố gây bệnh khác
+ Độ tuổi: Mặc dù có thể gặp ở nhiều phụ nữ trẻ, tuy nhiên tình trạng suy buồng trứng sớm dễ gặp ở đối tượng từ 35 đến 40 tuổi.
+ Tiền sử bệnh gia đình: Nếu có mẹ và chị em gái mắc bệnh, nguy cơ mắc bệnh của bạn cũng sẽ cao hơn những người khác.
+ Phẫu thuật buồng trứng cũng có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
+ Phụ nữ mắc một số bệnh tự miễn dịch hoặc một số virus như virus gây bệnh quai bị hay virus herpes simplex,...
+ Nếu giảm cân quá nhanh, giảm cân quá mức cũng khiến lượng chất béo trong cơ thể giảm nhanh và dẫn đến ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của buồng trứng.
+ Tình trạng lạm dụng chất kích thích nhất là rượu bia, thuốc lá sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đến việc sản xuất nội tiết tố nữ và gây nhiều bệnh phụ khoa, bao gồm suy buồng trứng.
+ Nạo phá thai không an toàn, nạo phá thai nhiều lần cũng có thể làm rối loạn nội tiết tố.
3. Một số biến chứng có thể gặp phải của bệnh suy buồng trứng sớm
- Nguy cơ vô sinh là biến chứng thường gặp nhất. Tuy nhiên, vẫn có một số rất ít trường hợp mắc bệnh có thể mang thai.
- Một số vấn đề về mắt, nhất là hội chứng khô mắt. Trong một số trường hợp có thể gây mờ mắt và tổn thương mắt vĩnh viễn.
Suy buồng trứng có thể dẫn tới vô sinh
- Bệnh loãng xương: Nội tiết tố nữ cũng là một yếu tố giúp hệ thống xương của bạn luôn chắc khỏe. Do đó, bệnh suy buồng trứng cùng với tình trạng suy giảm nội tiết tố nữ sẽ dẫn đến xương của người bệnh dễ bị yếu, giòn và dễ gãy.
- Phụ nữ mắc bệnh dễ bị lo lắng quá mức, thậm chí bị trầm cảm.
- Bệnh tim mạch: Căn bệnh này cũng có thể làm tăng nguy cơ tích tụ cholesterol trong động mạch và gây xơ vữa động mạch.
- Suy giảm ham muốn tình dục.
4. Suy buồng trứng sớm có điều trị được không?
Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có phương pháp nào có thể giúp người bệnh khôi phục hoàn toàn chức năng của buồng trứng. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ được chỉ định một số phương pháp điều trị triệu chứng bệnh và hạn chế nguy cơ biến chứng. Cụ thể như sau:
- Liệu pháp thay thế hormone: Để cung cấp estrogen và các loại nội tiết tố khác giúp cơ thể giảm nguy cơ mắc phải một số bệnh như tim và loãng xương, đồng thời cải thiện sức khỏe tình dục.
- Tăng cường bổ sung vitamin D và canxi cho người bệnh.
- Nếu người bệnh mong muốn có thai, có thể áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Nên đi khám kịp thời để tránh nguy cơ biến chứng
- Thường xuyên vận động thể chất để cơ thể luôn khỏe mạnh và đảm bảo giữ trọng lượng cơ thể vừa phải, tránh nguy cơ loãng xương và một số bệnh lý về tim mạch.
- Điều trị một số bệnh lý liên quan, nhất là bệnh về tuyến giáp. Liệu pháp steroid có thể được áp dụng đối với một số người mắc bệnh về miễn dịch.
Trên đây là một số thông tin về bệnh suy buồng trứng sớm. Bạn nên đi khám càng sớm càng tốt nếu gặp phải những triệu chứng như trễ kinh từ 3 tháng trở lên.Để được giải đáp chi tiết hơn về căn bệnh này hoặc có nhu cầu kiểm tra sức khỏe sinh sản, mời bạn liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo đường dây nóng 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!