Các tin tức tại MEDlatec

Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị cảm lạnh và hướng xử lý, hạn chế biến chứng

Ngày 05/06/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Giai đoạn giao mùa là thời điểm mà các bé sơ sinh rất dễ mắc phải cảm lạnh. Bệnh sẽ gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và thường kéo dài dai dẳng nếu không được phát hiện kịp thời. Để biết được dấu hiệu trẻ sơ sinh bị cảm lạnh là như thế nào và cách phòng tránh, mời độc giả cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của MEDLATEC.

1. Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị cảm lạnh

Cảm lạnh là bệnh lý gây ra bởi hơn 200 loại virus khác nhau và thường gặp hơn cả là virus có tên Rhinovirus. Giai đoạn sơ sinh các cơ quan và hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển toàn diện. Vì thế, các yếu tố gây hại rất dễ xâm nhập khiến trẻ nhiễm bệnh.

Đa phần, khi trẻ sơ sinh bị cảm lạnh có thể tự khỏi. Thế nhưng, đối với những trẻ có hệ miễn dịch quá kém và không thể chống lại virus mầm bệnh, sẽ gây ra nhiều triệu chứng nguy hiểm nếu như không được chữa trị kịp thời.

Trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm virus cảm lạnh

Virus cảm lạnh có thể xâm nhập dễ dàng vào cơ thể trẻ thông qua mắt, mũi và miệng. Bên cạnh đó, chúng còn tồn tại được trong không khí và trên bề mặt của những đồ vật xung quanh chúng ta. Chính vì vậy, trẻ sơ sinh rất dễ mắc bệnh khi tiếp xúc với những người đang bị cảm cúm hoặc chạm vào bề mặt của những đồ vật có chứa virus mầm bệnh.

2. Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị cảm lạnh cha mẹ dễ dàng nhận thấy

Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị cảm lạnh dễ nhận biết nhất là chảy nước mũi. Đặc điểm ban đầu là chất dịch này trong và khá lỏng, rồi đặc dần lại và chuyển sang màu vàng xanh sau vài ngày. Đi kèm với một số biểu hiện như:

  • Sốt.

  • Hắt xì.

  • Ban đêm có thể ho húng hắng.

  • Chảy dịch mũi, ngạt mũi.

Trẻ bị chảy nước mũi

3. Khi nào trẻ bị cảm lạnh cần phải đưa đi bệnh viện?

Thông thường, những triệu chứng của bệnh cảm lạnh ở trẻ sơ sinh có thể tự hết sau một vài ngày. Tuy nhiên, cần phải đưa bé đến bệnh viện ngay khi xảy ra các tình trạng sau:

  • Sốt cao trên 38,5 độ C.

  • Tình trạng sốt kéo dài hơn 2 ngày.

  • Ho tăng dần và khó thở.

  • Li bì hoặc quấy khóc.

  • Bỏ bú hoặc bú kém.

  • Xuất hiện các nốt ban đỏ trên da.

  • Các triệu chứng của bệnh càng ngày càng nặng và không có biểu hiện chứng tỏ tình trạng thuyên giảm.

4. Biến chứng của bệnh cảm lạnh đối với trẻ sơ sinh

Bệnh cảm lạnh ở trẻ sơ sinh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu hệ miễn dịch của bé quá yếu và không được chữa trị kịp thời. Cụ thể là:

  • Viêm tai giữa cấp tính: Đây là một biến chứng của cảm lạnh thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh khi không được điều trị kịp thời và thậm chí có thể dẫn đến viêm tai.

  • Viêm họng: Cảm lạnh còn khiến trẻ sơ sinh dễ bị viêm họng với các triệu chứng như sốt cao, ho và đau rát họng.

  • Lên cơn hen suyễn: Khi bị cảm lạnh, trẻ rất dễ bị khò khè và tức ngực. Đặc biệt, đối với những trẻ bị hen suyễn bẩm sinh, cảm lạnh rất dễ làm khởi phát những cơn hen.

  • Viêm phổi: Khi trẻ sơ sinh xuất hiện các tình trạng nặng như sốt cao, ớn lạnh và đổ mồ hôi,… rất dễ dẫn đến viêm phổi nếu không được chữa trị kịp thời. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất đối với trẻ khi bị cảm lạnh.

Cảm lạnh có thể làm khởi phát những cơn hen suyễn ở trẻ

5. Cha mẹ nên làm gì khi trẻ có dấu hiệu cảm lạnh

Khi bố mẹ phát hiện ra dấu hiệu trẻ sơ sinh bị cảm lạnh, cần phải có những biện pháp điều trị kịp thời và thích hợp, nhằm tránh các biến chứng nguy hại ảnh hưởng đến trẻ. Chúng ta có thể làm giảm nhẹ đi các triệu chứng của bệnh cảm lạnh cho bé bằng cách:

  • Giảm sốt cho bé bằng cách mặc quần áo thoáng mát, chườm khăn ấm. Trường hợp không giảm sốt thì đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ xử lý, tránh tình trạng co giật.

  • Nên kê đầu bé cao lên để giúp bé có thể thở dễ dàng hơn.

  • Cho bé bú sữa nhiều và chia thành nhiều bữa để cung cấp đầy đủ năng lượng, giúp bé mau hồi phục. Ngoài ra, bú nhiều còn hạn chế tình trạng mất nước.

  • Lấy bớt chất nhầy và vệ sinh mũi cho bé bằng nước muối sinh lý hoặc dụng cụ hút mũi.

  • Duy trì độ ẩm của không khí bằng cách đặt khăn ẩm trong phòng hoặc sử dụng máy làm ẩm.

Cần phải hạ sốt cho trẻ sơ sinh khi bị cảm lạnh

6. Những lưu ý đối với bệnh cảm lạnh ở trẻ sơ sinh

Có rất nhiều điều cần lưu ý đối với bệnh cảm lạnh ở trẻ sơ sinh mà bố mẹ cần biết, như sau:

  • Không nên sử dụng thuốc kháng sinh để trị bệnh nếu không có chỉ định từ bác sĩ.

  • Cần có sự tham vấn khi sử dụng các loại thuốc hạ sốt cho trẻ.

  • Không được dùng thuốc Aspirin và thuốc ho cho trẻ sơ sinh.

  • Không cho trẻ nằm sấp vì có thể khiến cho đường thở bị tắt nghẽn.

  • Khi bị cảm lạnh, có thể tắm nhanh cho trẻ sơ sinh ở trong phòng kín bằng nước ấm.

7. Cách phòng tránh bệnh cảm lạnh cho trẻ sơ sinh

Để cho trẻ sơ sinh không bị cảm lạnh, bố mẹ có thể lưu ý các cách phòng tránh sau:

  • Cho bé bú bằng sữa mẹ hoàn toàn trong những tháng đầu tiên để tăng hệ miễn dịch.

  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với quá nhiều người.

Cho trẻ bú bằng sữa mẹ giúp tăng hệ miễn dịch để phòng tránh bệnh cảm cúm

  • Không cho trẻ đến gần với những người đang bị cảm lạnh.

  • Vệ sinh tay và những đồ chơi cho bé thường xuyên.

  • Vệ sinh mũi thường xuyên cho trẻ bằng nhỏ nước muối sinh lý ấm.

Hy vọng với bài viết trên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, các bạn đã có thể biết được dấu hiệu trẻ sơ sinh bị cảm lạnh cũng như cách phòng tránh và xử lý với những triệu chứng bé gặp phải. Nếu vẫn còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua hotline 1900 56 56 56 để được giải đáp một cách chính xác và nhanh chóng nhất.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.