Các tin tức tại MEDlatec
Định lượng Glucose máu - những điều nên biết
- 02/10/2021 | Glucose trong máu bao nhiêu là tiểu đường? Cách kiểm soát bệnh như thế nào?
- 16/06/2023 | Định lượng Glucose máu có ý nghĩa như thế nào?
- 01/12/2023 | Glucose trong xét nghiệm máu là gì?
1. Glucose và định lượng Glucose máu là gì?
Glucose (đường) là thành phần cần để để duy trì hoạt động của cơ thể nên khi bị thiếu Glucose sẽ bị ớn lạnh, chóng mặt, hoa mắt, ngất,... Hầu hết thức ăn nạp vào cơ thể có Glucose.
Quá trình tạo năng lượng cho cơ thể bằng Glucose diễn ra trong tế bào và việc tế bào dùng Glucose thế nào phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của màng tế bào. Glucose được enzym tiêu hóa phân tách từ thức ăn, được đốt cháy tại các tế bào rồi sau đó tạo ra H2O, Co2 và năng lượng cho cơ thể.
Khái quát thông tin về định lượng Glucose máu
Glucose máu là lượng đường trong máu (đường huyết), được xác định qua xét nghiệm đường huyết, phản ánh chỉ số đường huyết. Chỉ số này khác nhau ở từng cơ thể, thay đổi từng phút. Việc định lượng Glucose máu cung cấp cơ sở để bác sĩ chẩn đoán và theo dõi đái tháo đường, đánh giá chức năng gan, tuyến tụy nội tiết và ảnh hưởng của một số loại hormone.
2. Định lượng Glucose máu bình thường là bao nhiêu, vì sao cần đo?
2.1. Định lượng Glucose trong máu bao nhiêu là bình thường?
Bình thường, vào buổi sáng (sau 1 đêm nhịn tối thiểu 8 giờ) định lượng Glucose ở mức 73.8 - 106.2 mg/dl (4.1 - 5.9 mmol/l). 2 giờ sau bữa ăn, nồng độ này tăng lên nhưng vẫn < 126 mg/dl (7.0 mmol/L). Trường hợp định lượng Glucose máu vượt mức này thì khả năng là do rối loạn dung nạp Glucose. Trường hợp định lượng Glucose máu tại thời điểm bất kỳ > 200 mg/dl (11.1 mmol/l) thì có thể chẩn đoán đái tháo đường.
2.2. Định lượng Glucose máu bất thường là bị làm sao?
Nếu định lượng Glucose máu bất thường thì rơi vào 2 trường hợp: tăng hoặc hạ đường huyết:
- Nguyên nhân làm tăng đường huyết
+ Lấy mẫu bệnh phẩm ngay sau bữa ăn.
+ Bị đái tháo đường.
+ Mắc bệnh lý tuyến tụy: khối u tụy, viêm tuyến tụy.
+ Mất bù tạm thời: stress, chấn thương, nhiễm trùng,...
+ Vấn đề về hormone: thừa hormone tăng trưởng, thừa adrenalin,...
- Nguyên nhân làm giảm đường huyết:
+ Suy dinh dưỡng, ăn kém.
+ Bị tăng tiết insulin.
+ Dùng thuốc quá liều.
2.3. Vì sao cần đo định lượng Glucose máu?
Do Glucose không thể thiếu với hoạt động của cơ thể nên tăng nồng độ glucose máu ở mức quá cao có thể gây ra nhiều hệ lụy:
- Tuyến tụy bị tổn thương vì làm việc quá sức.
- Khả năng tiết insulin giảm.
- Tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, xơ cứng mạch máu.
- Tăng nguy cơ bị bệnh lý tim mạch, gan, thận, biến chứng võng mạc.
3. Phương pháp định lượng Glucose máu
3.1. Ai nên làm xét nghiệm định lượng Glucose máu?
Thực tế hiện nay cho thấy tỷ lệ bệnh nhân bị tiểu đường hay rối loạn chuyển hóa có chiều hướng tăng lên và có xu hướng trẻ hóa. Có những bệnh nhân bị tiểu đường nhưng nhiều năm liền không hề có triệu chứng. Vì thế, xét nghiệm định lượng Glucose máu được khuyến cáo nên thực hiện định kỳ mỗi năm để kịp thời phát hiện bất thường.
Người bị béo phì là một trong các trường hợp cần định lượng Glucose máu thường xuyên
Đặc biệt, những trường hợp sau có nguy cơ bị tiểu đường rất cao nên càng không thể bỏ qua xét nghiệm đường huyết định kỳ:
- Người ở độ tuổi > 45.
- Bị béo phì, thừa cân.
- Bị rối loạn lipid máu.
- Người sinh ra trong gia đình có người bị tiểu đường.
- Người ít vận động.
- Cao huyết áp.
- Thai phụ.
- Từng có tiền sử bị ngưng thở khi ngủ.
- Tiền sử kháng insulin.
- Tiền tiểu đường.
Để nhận biết tiểu đường có thể căn cứ vào một số biểu hiện như: hay bị đói, mờ mắt, ngứa ở bàn chân bàn tay, thường xuyên tiểu tiện, khô miệng, hay khát nước và khát nước ngày càng nhiều, bỗng nhiên giảm cân không rõ căn nguyên, vết thương lâu lành.
Thai phụ cũng cần làm xét nghiệm định lượng Glucose để tầm soát tiểu đường, nhất là người có yếu tố nguy cơ như: tăng cân bất thường trong thai kỳ, béo phì, buồng trứng đa nang, tiền tiểu đường,...
3.2. Cách định lượng Glucose máu
Khi nghi ngờ bệnh nhân bị tiểu đường bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm định lượng Glucose máu. Xét nghiệm này kết hợp với các thăm khám lâm sàng và một số xét nghiệm khác còn có giá trị theo dõi điều trị.
Để làm xét nghiệm, người bệnh sẽ được lấy mẫu máu vào thời điểm ngẫu nhiên hoặc sau khi đã nhịn đói 6 - 8 giờ. Máu được lấy từ tĩnh mạch của người bệnh và đưa vào phòng xét nghiệm phân tích.
Trường hợp định lượng Glucose máu có chỉ số bình thường thì không có vấn đề gì, nếu cao hơn thì mắc bệnh tiểu đường hoặc có rối loạn dung nạp đường huyết. Lưu ý rằng, với thai phụ, chỉ số Glucose máu khi đói thường thấp hơn bình thường, trong khoảng 70.9 mg/dl ± 7.8 (3.94 mmol/l ± 0.43).
Xét nghiệm đường huyết định kỳ giúp phát hiện kịp thời nguy cơ tiểu đường
Ngoài phương pháp xét nghiệm đường huyết thì mỗi cá nhân cũng có thể dùng máy đo đường huyết để tự theo dõi glucose máu tại nhà. Tuy nhiên, so với xét nghiệm thực hiện tại cơ sở y tế thì phương pháp này chỉ có tác dụng theo dõi để đưa ra đánh giá, không có giá trị chẩn đoán.
Việc thực hiện xét nghiệm Glucose máu định kỳ cũng được xem là giải pháp để mỗi cá nhân có kế hoạch thay đổi lối sống tích cực, chủ động phòng ngừa bệnh tiểu đường và biến chứng có thể gặp phải khi mắc bệnh lý này.
Quý khách hàng có nhu cầu xét nghiệm Glucose máu định kỳ có thể liên hệ đặt lịch lấy mẫu tận nơi cùng Hệ thống Y tế MEDLATEC bằng cách gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn đầy đủ thông tin có liên quan. Sau khi có kết quả xét nghiệm, quý khách sẽ biết được thực trạng đường huyết của mình và được tư vấn hướng điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp (nếu cần).
Ngoài ra, mọi thắc mắc liên quan đến chỉ số đường huyết, quý khách cũng có thể thông qua số điện thoại này để được giải đáp đầy đủ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!