Các tin tức tại MEDlatec

Ghép gan: Các biến chứng có thể gặp và cách chăm sóc người mới ghép gan

Ngày 22/04/2025
Tham vấn y khoa: BS. Phạm Văn Quang
Ghép gan là một bước tiến vượt bậc trong Y học, mang lại cơ hội sống mới cho những bệnh nhân mắc bệnh gan giai đoạn cuối. Bài viết chia sẻ sau đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về quá trình ghép gan, từ các loại hình phẫu thuật, quy trình thực hiện những biến chứng có thể xảy ra cho đến các lưu ý quan trọng trong chăm sóc hậu phẫu cho người bệnh.

1. Tổng quan về kỹ thuật ghép gan

Ghép gan là một phẫu thuật ghép tạng quan trọng và là một thành tựu to lớn đối với ngành y. Phẫu thuật ghép gan đã chứng minh hiệu quả trong việc kéo dài sự sống cho những trường hợp bị suy giảm chức năng gan giai đoạn cuối. 

Phẫu thuật ghép gan là một bước tiến đột phá đối với ngành y 

Phẫu thuật ghép gan là phương pháp thay thế toàn bộ hoặc một phần lá gan bệnh bằng gan khỏe mạnh từ người hiến tặng còn sống hoặc người chết não. Hiện tại, có 5 loại hình ghép gan chính được áp dụng bao gồm:

  • Ghép toàn bộ lá gan vào đúng vị trí trên cơ thể người nhận.
  • Ghép một phần lá gan giảm thể tích.
  • Chia lá gan khỏe mạnh thành nhiều phần để ghép cho nhiều người.
  • Ghép một phần lá gan của người hiến tặng còn sống. 
  • Ghép gan phụ trợ.
  • Ngoài ra, còn có hai loại hình ghép gan ít phổ biến hơn là ghép gan Domino và ghép gan từ động vật.

2. Những trường hợp được chỉ định ghép gan

Bệnh nhân được chỉ định ghép gan có thể thuộc các nhóm sau:

  • Những bệnh nhân mắc bệnh gan do sử dụng rượu bia được xem xét chỉ định ghép gan khi có chỉ số Child-Pugh vượt quá 7 điểm. Bên cạnh đó, những người có tiền sử chảy máu do tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch cửa hoặc đã từng trải qua các đợt viêm phúc mạc tiên phát cũng nằm trong nhóm đối tượng cần xem xét ghép gan.
  • Người bệnh viêm gan B hoặc C với chỉ số Child-Pugh trên 7 (Child-Pugh B trở lên), đã từng bị viêm phúc mạc tiên phát, có cổ trướng, xuất huyết tiêu hóa tái phát do tăng áp lực tĩnh mạch cửa mà không đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc tiêm xơ tĩnh mạch.
  • Người bệnh xơ gan mật có tiên lượng sống dưới 1 năm nếu không ghép gan, suy gan mất bù, bệnh não gan, xuất huyết tiêu hóa, hội chứng gan phổi, albumin máu nhỏ hơn 30g/l, bilirubin cao hơn 100μmol/l.
  • Đối với những bệnh nhân được chẩn đoán ung thư gan tế bào gan nguyên phát, việc ghép gan sẽ được cân nhắc khi kích thước khối u và các yếu tố liên quan khác đáp ứng những tiêu chuẩn y tế cụ thể đã được thiết lập để đảm bảo hiệu quả của quá trình ghép.
  • Suy gan cấp gây hôn mê gan trong vòng 8 tuần sau khi có các biểu hiện bệnh ở người không có tiền sử bệnh gan và không có khả năng hồi phục hoàn toàn.
  • Trong trường hợp người bệnh mắc phải ung thư đường mật hoặc khi ung thư đã di căn đến gan từ một cơ quan khác trong cơ thể, phương pháp ghép gan có thể được xem xét như một lựa chọn điều trị tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
  • Những người gặp phải các rối loạn liên quan đến quá trình chuyển hóa tại gan hoặc mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến hệ thống mạch máu của gan cũng có thể được chỉ định thực hiện ghép gan, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và các yếu tố sức khỏe khác.

Những đối tượng phù hợp mới có thể thực hiện phẫu thuật ghép gan, kéo dài sự sống

3. Thông tin cơ bản về quy trình ghép gan 

Quy trình ghép gan về cơ bản được thực hiện như sau: 

Đối với người hiến gan:

  • Nếu là người hiến sống: chỉ lấy một phần gan, phần còn lại sẽ tái tạo lại theo thời gian.
  • Nếu là người hiến chết não: gan được lấy nguyên vẹn, sau đó bảo quản trong dung dịch đặc biệt để vận chuyển.

Đối với người nhận gan:

  • Cắt bỏ gan cũ của người nhận.
  • Nối các mạch máu chính: tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch chủ dưới, động mạch gan.
  • Nối ống mật.
  • Kiểm tra lưu thông máu và dẫn mật.

Quá trình phẫu thuật thường diễn ra trong khoảng 6 - 12 tiếng. 

Phẫu thuật ghép gan có thể kéo dài 6 - 12 tiếng tùy mức độ khó của ca bệnh

4. Những biến chứng có thể gặp phải sau ghép gan

Sau ghép gan, bệnh nhân có thể gặp phải một số biến chứng như sau:

  • Thải ghép hậu phẫu.
  • Bị viêm gan tái phát sau phẫu thuật ghép gan. 
  • Gan không hoạt động.
  • Các chức năng đường mật bị rối loạn.
  • Bị huyết khối tĩnh mạch cửa.
  • Bị huyết khối động mạch gan (thường gặp hơn ở bệnh nhân nhỏ tuổi hoặc những trường hợp nhận tạng tách ghép). 
  • Biến chứng mạch máu như phình, giả phình hoặc vỡ động mạch gan. 
  • Người nhận gan có thể bị sốt, huyết áp thấp hoặc các chức năng gan không được bình thường. 
  • Có nguy cơ bị chảy máu do vết mổ hoặc những thương tổn mạch máu ở bên trong ổ bụng. 
  • Bị nhiễm trùng, bị áp xe dưới cơ hoành hoặc nhu động ruột bị rối loạn,...
  • Một số tác dụng phụ khác đến từ các loại thuốc chống đào thải như: Làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc mắc phải một vài bệnh lý ung thư nguy hiểm. 

Có nhiều biến chứng sau phẫu thuật ghép gan cần lưu ý

5. Chăm sóc người bệnh sau ghép gan như thế nào?

Bệnh nhân sau ghép gan cần được chăm sóc cẩn thận, giúp quá trình hồi phục diễn ra tốt nhất. Theo đó, một số lưu ý khi chăm sóc người bệnh sau ghép gan cần lưu ý gồm:

  • Chỉ nên ăn các dạng thức ăn từ lỏng đến đặc, đảm bảo đủ dưỡng chất và năng lượng cần thiết.
  • Không nên nhịn đói quá 3 tiếng đồng hồ, lượng thức ăn hàng ngày nên được chia nhỏ thành 4, 6 hoặc 8 bữa/ngày. 
  • Hạn chế những món ăn có chứa nhiều đường. 
  • Tránh ăn bưởi vì các chất trong bưởi có thể ức chế enzyme CYP3A4, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa thuốc điều trị, đặc biệt là thuốc chống thải ghép, làm giảm khả năng hấp thụ thuốc của cơ thể.
  • Về lâu dài, người bệnh nên duy trì cân nặng ổn định, tránh để béo phì, duy trì chỉ số BMI trong khoảng 18.5 - 22.9.
  • Đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong ăn uống hàng ngày. 
  • Các dụng cụ ăn uống dành cho người bệnh cần được luộc và khử trùng với nước sôi trong 10 phút. 
  • Các dụng cụ cá nhân của người ghép gan cần phải có nắp đậy sạch sẽ, tránh để tiếp xúc với môi trường bên ngoài. 
  • Thức ăn cần được nấu chín, nước đun sôi 10 phút trước khi uống. 
  • Tránh ăn trái cây tươi chưa được rửa kỹ, gọt vỏ hoặc có nguy cơ nhiễm khuẩn. Thay vào đó nên chọn trái cây và nước trái cây được đóng hộp và tiệt trùng cẩn thận. 
  • Sữa và những chế phẩm từ sữa đều phải là sản phẩm tiệt trùng.

Bệnh nhân sau phẫu thuật ghép gan cần được chăm sóc cẩn thận dưới sự hướng dẫn của bác sĩ

Việc hiểu rõ về quá trình ghép gan và những biến chứng tiềm ẩn là vô cùng quan trọng đối với cả người bệnh và người nhà. Để bảo vệ tốt nhất sức khỏe của bản thân, bạn cần đi thăm khám định kỳ hoặc ngay khi có biểu hiện bất thường, nghi ngờ bệnh lý về gan. Một địa chỉ y tế uy tín bạn có thể lựa chọn thăm khám là Hệ thống Y tế MEDLATEC. Nếu có nhu cầu đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ tốt nhất.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.