Các tin tức tại MEDlatec

Giai đoạn suy thận và những lưu ý dành cho người bệnh

Ngày 18/10/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Suy thận được phân thành nhiều giai đoạn khác nhau và càng về những giai đoạn cuối thì triệu chứng bệnh càng nghiêm trọng và khả năng lọc máu của thận cũng càng giảm sút. Dưới đây là thông tin về các giai đoạn của bệnh hay nhiều người vẫn thường gọi là giai đoạn suy thận và một số lưu ý mà người bệnh không nên bỏ qua.

1. Giai đoạn suy thận

Một người bình thường sẽ có 2 quả thận. Đây là cơ quan rất quan trọng của hệ tiết niệu, có chức năng lọc máu để bài tiết ra nước tiểu, duy trì huyết áp ổn định và đồng thời cũng tham gia vào quá trình tạo máu, chuyển hóa xương. Suy thận mạn là tình trạng thận bị suy giảm chức năng lọc máu. 

Dưới đây là các giai đoạn suy thận theo Hội Thận học quốc tế:

1.1. Suy thận giai đoạn 1

Là những trường hợp có chỉ số mức lọc cầu thận cao hơn 90 mL/phút. 

1.2. Suy thận giai đoạn 2 

Là những bệnh nhân có chỉ số mức lọc cầu thận khoảng 60 – 89 mL/phút. 

Ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2, tình trạng tổn thương thận chưa quá nghiêm trọng. Người bệnh chưa có nhiều biểu hiện bất thường, những triệu chứng suy thận có thể chỉ khởi phát theo đợt. Một số dấu hiệu của bệnh ở giai đoạn 1 và 2 có thể kể đến như mệt mỏi, thiếu máu nhẹ, chán ăn, đau 2 bên thắt lưng. 

Mệt mỏi có thể là dấu hiệu suy thận

Đa số người bệnh đều bỏ qua triệu chứng suy thận ở 2 giai đoạn đầu và thường được chẩn đoán trong những đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc khi đang kiểm tra, điều trị một số bệnh lý khác. 

Những trường hợp suy thận cấp độ 1 và suy thận độ 2 có thể kiểm soát bệnh tốt nếu điều trị đúng cách kết hợp với việc duy trì chế độ ăn uống hợp lý, điều chỉnh thói quen sống khoa học. 

1.3. Giai đoạn 3

Ở giai đoạn 3, chức năng thận đã bị suy giảm rất rõ ràng nhưng một số trường hợp bệnh nhân có thể vẫn chưa xuất hiện triệu chứng hoặc chỉ có những biểu hiện thoảng qua. Một số triệu chứng bệnh nhân có thể gặp phải là đau lưng, chân tay sưng, lượng nước tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường,... Suy thận giai đoạn 3 được chia nhỏ thành giai đoạn 3A và 3B. 

- Suy thận độ 3A là những trường hợp có chỉ số mức lọc cầu thận dao động từ 45 – 59 mL/phút. Khả năng lọc cầu thận đã giảm sâu hơn so với giai đoạn 2. Bệnh nhân có thể gặp phải những vấn đề như thiếu máu hay tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý về xương khớp. 

- Suy thận độ 3B là những trường hợp có chỉ số mức lọc cầu thận dao động từ 30 – 44 mL/phút. Lúc này, khả năng lọc máu của thận cũng đã bị suy giảm đáng kể. Nếu không điều trị sớm, người bệnh dễ gặp phải những biến chứng nguy hiểm. Mỗi bệnh nhân sẽ gặp phải nguy cơ khác nhau dựa vào các triệu chứng kèm theo. 

1.4. Suy thận giai đoạn 4

Là những trường hợp có chỉ số mức lọc cầu thận dao động trong khoảng 15 – 29 mL/phút. Trong bảng giai đoạn suy thận thì suy thận độ 4 được đánh giá là nguy hiểm với những biểu hiện bệnh đã rất rõ ràng như tăng huyết áp, tiểu đêm, xuất huyết đường tiêu hoá, ngứa toàn thân, phù nề, đau nhức xương khớp,...

Người bệnh có biểu hiện tăng huyết áp

Do khả năng lọc máu của thận bị suy giảm nghiêm trọng nên chất độc hại có xu hướng tích tụ nhiều trong cơ thể làm tăng nguy cơ nhiễm độc. Nếu không điều trị sớm, người bệnh có thể bị tăng huyết áp, suy tim, phù não, phù phổi, tiểu đường,...

1.5. Suy thận giai đoạn 5

Là những trường hợp có chỉ số mức lọc cầu thận thấp hơn 15 mL/phút. Đây là giai đoạn bệnh nghiêm trọng nhất trong bảng phân độ suy thận. Người bệnh xuất hiện các biểu hiện bất thường và nghiêm trọng, nhiều cơ quan trong cơ thể đã xảy ra tình trạng nhiễm độc. Nếu không can thiệp và xử trí sớm, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao. 

2. Phương pháp điều trị suy thận

Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị suy thận cụ thể và phù hợp. Dưới đây là những phương pháp điều trị bệnh phổ biến: 

- Điều trị theo nguyên nhân gây bệnh để làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. 

- Điều trị huyết áp: Tình trạng tăng huyết áp có thể nguyên nhân gây suy thận nhưng cũng có thể là triệu chứng của bệnh này. Do đó, người bệnh suy thận cần duy trì ổn định huyết áp. 

- Kiểm soát cholesterol: Nhiều bệnh nhân bị suy thận là do bệnh lý về tim mạch, nhất là tình trạng rối loạn lipid máu. Vì thế kiểm soát cholesterol cũng là một vấn đề cần lưu ý trong quá trình điều trị bệnh.

- Điều trị những vấn đề gây nên bởi suy thận chẳng hạn như tình trạng ứ dịch, thiếu máu, các vấn đề về xương, dư thừa axit hay kali. 

Chạy thận nhân tạo là một phương pháp điều trị suy thận

- Điều trị suy thận mạn tính giai đoạn cuối: Khi đã bước sang giai đoạn muộn, chức năng hoạt động của thận đã bị suy giảm nghiêm trọng và gần như không còn khả năng lọc máu và loại bỏ dịch thừa ra khỏi cơ thể. Biện pháp điều trị thường được áp dụng trong giai đoạn này là chạy thận nhân tạo, ghép thận. 

3. Lưu ý 

Để kiểm soát bệnh, bạn nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và cần lưu ý điều sau: 

- Kiểm soát tốt huyết áp và đường huyết. 

- Duy trì cân nặng hợp lý. 

- Bỏ thói quen hút thuốc lá.

- Tăng cường vận động thể chất. 

- Không nên ăn nhiều hơn 2300 mg muối mỗi ngày. Bên cạnh đó, cần hạn chế ăn đạm, kali, photpho,…

- Bạn cũng nên kiểm soát việc dung nạp chất lỏng vào cơ thể. Người bình thường uống càng nhiều nước càng tốt nhưng với bệnh nhân suy thận thì cần cẩn trọng khi uống nước. 

- Bệnh nhân cần lưu ý ăn đầy đủ các dưỡng chất quan trọng như đường bột, chất đạm, chất béo, chất khoáng và vitamin.

MEDLATEC là địa chỉ thăm khám và điều trị bệnh đáng tin cậy

Trên đây là thông tin về giai đoạn suy thận và một số lưu ý quan trọng dành cho người bệnh. Nếu có nhu cầu đặt lịch kiểm tra thận hay các vấn đề về đường tiết niệu, mời bạn liên hệ đến Chuyên khoa Tiết niệu của Hệ thống Y tế MEDLATEC thông qua tổng đài 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.