Các tin tức tại MEDlatec

Hướng dẫn cách xử lý khi trẻ bị sốc phản vệ

Ngày 01/05/2024
Trẻ bị sốc phản vệ nếu không được xử lý đúng cách và nhanh chóng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bài viết hôm nay sẽ hướng dẫn bạn cách xử lý sốc phản vệ ở trẻ em để phòng tránh biến chứng nghiêm trọng.

1. Sốc phản vệ là gì?

Sốc phản vệ là tình trạng phản vệ ở mức độ nặng. Lúc này, hệ miễn dịch sẽ giải phóng một số chất hóa học để “đối phó” với phản ứng dị ứng của cơ thể. Khi đó, nếu nhẹ thì bạn sẽ bị hắt xì, chảy nước mắt, sưng mặt, ngứa ngáy, nôn mửa, tiêu chảy,… Còn các biểu hiện nghiêm trọng hơn là tim đập nhanh, huyết áp giảm, trụy mạch, ngất xỉu, tử vong. Do đó, bất kỳ người lớn hay trẻ bị sốc phản vệ đều phải được cấp cứu kịp thời để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Trẻ bị sốc phản vệ khi cơ thể có những phản ứng dị ứng nặng

2. Nguyên nhân khiến trẻ bị sốc phản vệ

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị sốc phản vệ, bao gồm:

Tác dụng phụ của thuốc

Rất nhiều loại thuốc gây ra phản ứng dị ứng nặng ở trẻ em, có thể kể đến như kháng sinh nhóm penicillin hay nhóm vancomycin, các loại thuốc kháng viêm, các loại vắc xin và huyết thanh,… Sau khi sử dụng, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng dị ứng thuốc từ mức độ nhẹ đến nặng.

Thức ăn

Trẻ bị sốc phản vệ do thức ăn là không hiếm gặp. Những loại thực phẩm có thể gây sốc phản vệ ở trẻ bao gồm hải sản, cá, trứng, sữa và chế phẩm từ sữa. Đó là lý do trẻ mới bắt đầu ăn dặm, bạn cần cho bé ăn với lượng ít và theo dõi trong 30 phút đầu sau khi ăn xong để xem cơ thể bé có phản ứng dị không.

Một số thực phẩm như hải sản, cá,… làm trẻ bị dị ứng và sốc phản vệ

Nọc côn trùng

Nọc độc của một số loài côn trùng như kiến, nhện, ong hay bò cạp, rắn có thể làm trẻ bị sốc phản vệ với triệu chứng nghiêm trọng chỉ sau vài giây hoặc vài phút bị đốt, cắn. Nếu không xử lý sốc phản vệ kịp thời có thể để lại hậu quả nghiêm trọng và đáng tiếc.

3. Cách xử lý sốc phản vệ ở trẻ em

Ở giai đoạn khởi phát, trẻ bị sốc phản vệ sẽ xuất hiện các dấu hiệu như toát mồ hôi, khó thở, hắt xì, chảy nước mắt, ngứa ngáy, đặc biệt là ngứa ở tay chân. Trẻ có thể hoặc kèm theo các triệu chứng như: bị nôn mửa, tiêu chảy, hạ huyết áp, tim đập nhanh, khó hoặc không thể thở, chóng mặt, đau đầu, co giật, ngất xỉu và hôn mê. Khi nhận thấy các dấu hiệu này thì bạn cần nhanh chóng thực hiện các cách xử lý sốc phản vệ sau.

Tạo sự thoải mái nhất cho trẻ

Khi bị sốc phản vệ, trẻ sẽ rất khó chịu do các triệu chứng nói trên. Việc cần làm lúc này là hãy tạo cho bé sự thoải mái nhất có thể bằng cách nới lỏng quần áo đang mặc và cho bé nằm ở tư thế đầu thấp, chân kê cao. Việc này sẽ giúp gia tăng tuần hoàn máu. Lưu ý là nếu bé bị nôn mửa thì hãy để bé nằm nghiêng để tránh dịch trào lên gây tắc nghẽn đường thở.

Cho trẻ nằm nghiêng nếu bé bị sốc phản vệ, nôn mửa

Ngưng tiếp xúc với yếu tố dị nguyên

Nếu đã xác định được trẻ bị sốc phản vệ do dị ứng với thuốc, thức ăn,… thì hãy lập tức cho bé ngưng tiếp xúc với các yếu tố này. Đối với thuốc đang sử dụng, bạn có thể liên hệ với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn và có chỉ định phù hợp.

Hỗ trợ hô hấp và đo huyết áp

Khi bị sốc phản vệ, trẻ có thể gặp tình trạng khó thở và tụt huyết áp. Do đó, hãy hỗ trợ đường thở cho bé ngay tại chỗ  với tính thần khẩn trương, ngay lập tức. Cần lấy đờm dãi trong mũi họng ra nếu có, sau đó thực hiện hô hấp nhân tạo bằng các dùng 2 tay ép hơi lồng ngực và dùng miệng hà hơi thổi ngạt.

Tiêm thuốc Adrenalin

Adrenalin được sử dụng trong các trường hợp cơ thể bị sốc phản vệ, lên cơn hen ác tính hoặc các trường hợp nguy hiểm khác. Tiêm dung dịch Adrenalin sẽ giúp phục hồi sức cho tim và phổi, khắc phục triệu chứng choáng váng, khó thở,… Do đó, nếu trẻ bị sốc phản vệ mức độ nặng thì có thể tiêm Adrenalin theo liều lượng hướng dẫn để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

4. Cách phòng tránh sốc phản vệ ở trẻ em

Để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ trẻ bị sốc phản vệ, bạn có thể áp dụng các cách sau.

●       Nếu gia đình có người bị dị ứng và bé cũng có nguy cơ tương tự thì hãy thông báo với bác sĩ để được bác sĩ kê thuốc phù hợp, tránh tình trạng sử dụng thuốc có thành phần mẫn cảm, gây dị ứng dẫn đến sốc phản vệ.

●       Trong khi dùng thuốc hoặc tiêm thuốc, nếu bé có triệu chứng bất thường như khó chịu, chóng mặt, choáng váng, ngứa tay chân,… thì cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc nhân viên y tế.

●       Khi cho trẻ đi tiêm vắc xin, sau khi tiêm xong hãy ở lại phòng tiêm tối thiểu 30 phút để nhân viên y tế theo dõi và phát hiện sốc phản vệ nếu có, từ đó xử lý sốc phản vệ kịp thời.

●       Khi cho bé ăn dặm với bất kỳ thực phẩm nào, hãy thử với một lượng nhỏ và theo dõi trong 24 giờ. Nếu cơ thể không có phản ứng thì có thể an tâm cho bé ăn tiếp. Nhưng nếu có triệu chứng dị ứng thì cần ngưng ngay sau đó.

●       Luôn giữ không gian sống được sạch sẽ, tránh để bé tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng như bụi bẩn, phấn hoa, lông chó mèo,… Đặc biệt, sân vườn phải thoáng đãng, không có bụi rậm ẩm thấp vì đây chính là nơi trú ngụ của rắn rết và côn trùng, có thể cắn đốt và gây nguy hiểm cho các thành viên gia đình.

Theo dõi trẻ sau khi tiêm phòng là cách để phòng ngừa sốc phản vệ do thuốc

Trên đây là hướng dẫn cách xử lý khi trẻ bị sốc phản vệ, hy vọng bạn sẽ áp dụng đúng cách để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tính mạng của bé. Mọi nhu cầu thăm khám sức khỏe và điều trị bệnh lý cho bé yêu nhà mình, bạn hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56 để được đặt lịch khám tại Chuyên khoa Nhi của Hệ thống Y tế MEDLATEC.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.