Các tin tức tại MEDlatec

Khám sản phụ khoa - Những thông tin chị em nên biết!

Ngày 03/10/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Các chuyên gia khuyến cáo chị em nên đi khám sản phụ khoa tối thiểu một lần mỗi năm để tầm soát bệnh lý liên quan đến sức khỏe sinh sản. Với những người lần đầu đi khám thường thắc mắc kiểm tra sản phụ khoa gồm những gì? Có cần nhịn ăn không? Có đau không?... Hãy cùng MEDLATEC tìm hiểu kỹ hơn về những vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.

1. Khám sản phụ khoa để làm gì?

Việc thăm khám vùng kín khiến nhiều chị em e ngại nên khi có những triệu chứng bất thường thì âm thầm chịu đựng hoặc tìm đến những phương pháp dân gian hay tự ý mua thuốc để khắc phục tình trạng tại nhà. Điều này có thể gây ra nhiều hậu quả khó lường, thậm chí ảnh hưởng sức khỏe đặc biệt là khả năng sinh sản.

Việc thăm khám sức khỏe sản phụ khoa nên được thực hiện định kỳ tối thiểu mỗi năm 1 lần kể cả khi có hay không các triệu chứng bất thường nhằm mục đích: 

  • Kiểm tra bộ phận sinh dục cũng như cơ quan sinh dục có xảy ra vấn đề gì bất thường không.
  • Việc phát hiện các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục sớm giúp tăng hiệu quả điều trị, ngăn ngừa những biến chứng gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, đồng thời hạn chế nguy cơ lây lan trong cộng đồng. 
  • Đánh giá tình trạng sức khỏe sinh sản và theo dõi chu kỳ kinh nguyệt. Với những trường hợp rối loạn kinh nguyệt, chậm kinh, rong kinh, đau bụng kinh dữ dội, hoặc chậm có con,… bác sĩ cũng sẽ kiểm tra chuyên sâu và đưa ra lời khuyên để giảm bớt triệu chứng.
  • Thông qua kiểm tra, bác sĩ cũng sẽ tư vấn để các chị em hiểu hơn về sức khỏe tình dục an toàn và những thông tin cần biết liên quan mang thai, sinh con.

Kiểm tra phụ khoa định kỳ là cách để các chị em bảo vệ sức khỏe chính mình

2. Khám sản phụ khoa là khám những gì? 

Tùy vào mỗi người và cơ sở khám bệnh mà nội dung khám sản phụ khoa sẽ khác nhau. Tuy nhiên về cơ bản, gói khám sức khỏe sản phụ khoa được nhiều cơ sở áp dụng hiện nay sẽ gồm những nội dung sau: 

Khám sức khỏe tổng quát 

Khám tổng quát giúp các bác sĩ đưa ra đánh giá toàn diện về tình trạng sức khỏe. Người khám sẽ được kiểm tra chỉ số cân nặng, chiều cao, chỉ số mạch đập, huyết áp,… kết hợp với khai thác những thông tin về tiền sử mắc bệnh của người đi khám, gia đình, chu kỳ kinh nguyệt, biện pháp tránh thai,... Tùy trường hợp bác sĩ yêu cầu thực hiện một số kiểm tra cận lâm sàng như xét nghiệm máu, nước tiểu,.... 

Kiểm tra tổng quát là bước đầu tiên của khám sức khỏe sản phụ khoa

Khám bộ phận sinh dục

Một trong những nội dung không thể thiếu khi khám sản phụ khoa là kiểm tra những dấu hiệu của bộ phận sinh dục ngoài xem có triệu chứng bất thường hay không. Tiếp theo, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng là mỏ vịt đưa vào trong âm đạo nhằm mục đích kiểm tra âm đạo, cổ tử cung và cùng đồ. Để kiểm tra tử cung và 2 phần phụ, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám bằng cách đưa ngón tay vào âm đạo, 1 tay khác ấn nhẹ qua thành bụng. 

Bên cạnh đó, những kiểm tra thăm dò khác có thể được chỉ định như soi dịch âm đạo, xét nghiệm HPV, phết tế bào cổ tử cung, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm đầu dò âm đạo hoặc soi cổ tử cung,… để đưa ra kết luận về các bệnh lý phụ khoa, tình trạng sức khỏe sinh sản của các chị em, từ đó lên phương án điều trị (nếu cần thiết) và tư vấn biện pháp chăm sóc phù hợp.

Các chị em sẽ được kiểm tra cả bên trong và ngoài cơ quan sinh dục

3. Khám sản phụ khoa có cần nhịn ăn không? Có đau không? 

Với những chị em lần đầu đi khám phụ khoa sẽ khó tránh khỏi những lo lắng như có cần thiết phải nhịn ăn không? Khám có đau không? 

Khám sức khỏe sản phụ khoa có cần nhịn ăn không? 

Các chị em không cần quá lo lắng hoặc làm phức tạp hơn về việc khám sức khỏe sản phụ khoa. Trước khi đi khám, bạn hãy chuẩn bị một tinh thần thật thoải mái và ăn uống bình thường. 

Tuy nhiên, để quá trình diễn ra thuận lợi và kết quả khám chính xác thì các bạn không nên ăn đồ quá nhiều dầu mỡ hay gia vị cay nóng, nhiều đường, thực phẩm đông lạnh hoặc ăn quá no, không sử dụng các loại đồ uống có chất kích thích,… Tốt nhất thì bạn nên ăn các loại thức ăn nhẹ, trái cây, rau xanh, thực phẩm giàu protein, uống sữa, nước ép rau củ, nước lọc,… trước khi đi khám. 

Khám sản phụ khoa có đau không? 

Hầu hết các kiểm tra sản phụ khoa không gây ra bất kỳ đau đớn nào cho các chị em. 

  • Với những trường hợp khám bằng mỏ vịt, dụng cụ được bôi trơn và bác sĩ sẽ đưa một cách nhẹ nhàng vào âm đạo nên người bệnh không thấy khó chịu. Phương pháp này hầu như chỉ áp dụng với người đã quan hệ tình dục
  • Siêu âm đầu dò âm đạo hoặc soi cổ tử cung là những kỹ thuật có phần phức tạp hơn các phương pháp khác. Vì vậy trong quá trình thực hiện, các chị em có thể thấy khó chịu một chút nhưng tình trạng này sẽ nhanh chóng biến mất nên bạn không cần quá lo lắng. 

Việc lựa chọn địa chỉ khám sản phụ khoa uy tín sẽ giúp bạn yên tâm về độ chính xác, nhanh chóng của kết quả kiểm tra. Nếu bạn chưa biết nên khám ở đâu thì có thể chọn lựa các cơ sở thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Tại đây, các bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm sẽ trực tiếp thăm khám, xác định tình trạng và đưa ra biện pháp điều trị hiệu quả nhất nếu kết quả bất thường, đồng thời tư vấn chế độ chăm sóc cùng những thông tin liên quan sức khỏe tình dục, sinh sản để các chị em biết cách bảo vệ chính mình.

Yên tâm thăm khám sản phụ khoa tại Hệ thống Y tế MEDLATEC

Với hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại cùng Trung tâm Xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế, MEDLATEC sẽ mang đến khách hàng những kết quả kiểm tra chính xác trong thời gian nhanh nhất. Mọi thông tin cần hỗ trợ, quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài của MEDLATEC theo số 1900 56 56 56

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.