Các tin tức tại MEDlatec
Khám tim mạch và tất tần tật những điều bạn cần biết
- 18/08/2022 | Ăn gì tốt cho tim mạch và một số lưu ý quan trọng
- 20/09/2022 | Hướng dẫn xử trí khi thấy người bị trụy tim mạch
- 11/07/2022 | Các thực phẩm tốt cho tim mạch quen thuộc trong nhà bếp
1. Có những gì trong quy trình khám tim mạch?
Khám tim mạch là hoạt động thăm khám bao gồm khám lâm sàng và cận lâm sàng được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa Tim mạch. Trong đó hệ thống máy móc chuyên dụng đóng một vai trò không thể thiếu giúp kiểm tra cấu trúc cũng như chức năng của hệ tim mạch.
1.1. Khám lâm sàng
Đầu tiên bác sĩ sẽ cần khai thác các thông tin như triệu chứng mà bệnh nhân thường gặp phải, thói quen, lối sống hàng ngày (chế độ dinh dưỡng, hút thuốc lá, uống rượu bia,...), bệnh lý đang mắc, bạn có đang dùng loại thuốc nào để trị bệnh hay không,... Sau đó tiến hành kiểm tra nghe tim phổi, kiểm tra huyết áp,...
Đây là những thông tin cơ bản để bác sĩ dựa vào đó đưa ra các chỉ định khám cận lâm sàng cần thiết. Vì vậy người bệnh càng cung cấp được các thông tin chi tiết thì việc chẩn đoán càng chính xác và nhanh chóng hơn.
Khám tim mạch là hoạt động vô cùng cần thiết giúp chúng ta theo dõi sức khỏe tim mạch
1.2. Khám cận lâm sàng
Để xác định nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các biện pháp chẩn đoán sau:
-
Xét nghiệm máu: cho biết các chỉ số tiểu cầu, hồng cầu, bạch cầu trong máu, đánh giá chức năng gan thận, các rối loạn chuyển hóa lipid, đường máu... Đối với những ca mắc bệnh lý cơ tim thì có thể sẽ cần thực hiện đo nồng độ men tim nhằm thăm dò các thương tổn ở tim;
-
Đo điện tim: đây là kỹ thuật có tác dụng theo dõi tốc độ, hoạt động điện học và nhịp điệu của tim. Mỗi lần tim co bóp các tế bào cơ tim sẽ phát ra các xung điện, chúng sẽ được thu lại bằng các điện cực tiếp xúc ngoài da và hiển thị theo dạng đồ thị. Phương pháp này được ứng dụng phổ biến trong chẩn đoán rối loạn nhịp tim và các bệnh lý như:
-
Rối loạn điện giải;
-
Nhồi máu cơ tim;
-
Chứng phì đại cơ thất, cơ nhĩ và rối loạn dẫn truyền;
-
Theo dõi máy tạo nhịp;
-
Bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim;
-
Những tổn thương ở màng ngoài tim, cơ tim;
-
Người bị mỡ máu, huyết áp cao, đau thắt ngực, tiểu đường, khó thở, hồi hộp trống ngực;
-
Bệnh nhân bị ngộ độc thuốc.
-
Chụp X-quang tim phổi: thông qua những hình ảnh do thiết bị chụp X-quang ghi lại, bác sĩ sẽ quan sát được cấu trúc tim phổi, khớp, xương, các mạch máu,... nằm ở vị trí sau lồng ngực, qua đó có thể xác định những bất thường nếu có ở hệ tim mạch cũng như các cơ quan xung quanh;
-
Siêu âm tim: thường áp dụng để chẩn đoán các bệnh lý về cơ tim, van tim, viêm nhiễm van tim, bất thường buồng tim,...;
-
Chụp MRI tim: chụp cộng hưởng từ có tác dụng kiểm tra tim và hệ thống mạch máu trên cơ thể với độ chính xác cao, không xâm lấn và an toàn cho người bệnh. Đây là phương pháp hữu ích trong chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh, bệnh lý van tim, khối u lành tính và ác tính,...;
-
Chụp CT mạch vành: là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh ghi lại cấu trúc tim rõ nét và đa chiều hơn. Phương pháp này khá hiệu quả trong chẩn đoán bệnh mạch vành và các bệnh lý tim mạch khác.
Phương pháp siêu âm tim
Mỗi biện pháp chẩn đoán nêu trên đều đem lại những công dụng nhất định. Dựa trên từng trường hợp bệnh cảnh của mỗi người mà bác sĩ có thể chỉ định riêng biệt hoặc kết hợp các kỹ thuật với nhau để đưa ra kết luận chính xác về bệnh lý mà người bệnh đang mắc phải.
1.3. Giải thích kết quả và tư vấn điều trị
Sau khi hoàn tất quá trình thăm khám bao gồm chụp chiếu, xét nghiệm,... thì bệnh nhân sẽ nhận kết quả và quay lại phòng khám bệnh ban đầu để được bác sĩ giải thích kết quả, đồng thời tư vấn phương án điều trị phù hợp nếu bệnh nhân gặp các bất thường ở hệ tim mạch.
2. Những bệnh lý có thể được phát hiện khi thực hiện khám tim mạch
Như đã đề cập ở trên, khám tim mạch sẽ giúp chẩn đoán các bệnh lý tim mạch mà người bệnh có khả năng đang mắc phải, cụ thể bao gồm những bệnh như sau:
-
Bệnh cơ tim: thiếu máu - nhồi máu - phì đại cơ tim;
-
Bệnh van tim: sa van 2 lá, hở - hẹp van tim;
-
Các bệnh về mạch máu: bệnh mạch vành, suy giãn tĩnh mạch, viêm tĩnh mạch, tắc động mạch ngoại biên, hẹp eo động mạch chủ, bệnh Buerger (thuyên tắc mạch máu), hội chứng Raynaud (rối loạn mạch máu),...;
-
Rối loạn nhịp tim như: cuồng nhĩ, rung nhĩ, rung thất, nhanh thất, block nhĩ thất, nhịp chậm xoang, suy nút xoang tim, hội chứng Wolff-Parkinson-White,...;
-
U tim, suy tim, thông liên thất - nhĩ;
-
Tứ chứng Fallot (bệnh tim bẩm sinh).
Nhìn chung các bệnh tim mạch thường diễn ra trong âm thầm, triệu chứng ban đầu không khởi phát rầm rộ. Chính vì vậy khám tim mạch định kỳ là biện pháp duy nhất giúp phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch, từ đó có phương án điều trị đúng cách và kịp thời.
3. Khám tim mạch được thực hiện khi nào?
3.1. Khám tim mạch định kỳ
Ở những người không có tiền sử mắc bệnh tim mạch hoặc chưa xảy ra bất kỳ triệu chứng bất thường nào thì nên đi khám ít nhất 2 lần/năm.
Trong trường hợp người bệnh đã và đang phải điều trị bệnh lý tim mạch thì cần tuân theo lịch hẹn tái khám định kỳ do bác sĩ chỉ định.
Nếu bệnh nhân đang có bệnh lý về tim mạch thì cần tuân thủ lịch tái khám của bác sĩ
3.2. Khám tim mạch nếu có triệu chứng bất thường
Nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường thì bạn cần đi khám ngay, cụ thể:
-
Xuất hiện cơn đau tim;
-
Hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu;
-
Khó thở;
-
Chân tay lạnh, vã mồ hôi;
-
Phù bụng, chân tay;
-
Huyết áp tăng cao đột ngột.
Nhiều khi người bệnh thậm chí không có dấu hiệu cảnh báo nào mà đột nhiên rơi vào hôn mê. Lúc này người bệnh cần được đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp cứu chữa kịp thời, hạn chế tối đa biến chứng nguy kịch và khả năng tử vong.
4. Những lưu ý khi đi khám tim mạch
Dưới đây là một số lưu ý mà người bệnh cần ghi nhớ khi khám tim mạch:
-
Mang theo hồ sơ bệnh án trong 6 tháng trở lại đây, bao gồm kết quả xét nghiệm, chụp chiếu, đơn thuốc đã và đang dùng để bác sĩ có thêm cơ sở chẩn đoán;
-
Trước khi khám cần nhịn ăn ít nhất 4 giờ để không làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm;
-
Không uống cà phê, bia rượu, nước chè, hút thuốc lá hay dùng chất kích thích trước thời điểm thăm khám;
Bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin cơ bản về quy trình thăm khám tim mạch cũng như những lưu ý khi đi khám. Mong rằng thông qua những nội dung mà MEDLATEC vừa chia sẻ, bạn đã hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc khám tim mạch.
Nếu bạn đang có nhu cầu thực hiện khám tim mạch, hãy đặt lịch khám tại Chuyên khoa Tim mạch của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Chuyên khoa là nơi quy tụ đội ngũ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Tim mạch, cùng với đó là sự hỗ trợ của hệ thống máy móc hiện đại (như máy siêu âm, máy chụp X-quang, chụp CT và MRI,...) sẽ giúp đưa ra kết quả chẩn đoán nhanh chóng với độ chính xác cao.
Để được tư vấn chi tiết hơn về các dịch vụ tại MEDLATEC, quý bạn đọc xin vui lòng liên hệ hotline 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!