Các tin tức tại MEDlatec

Midazolam là thuốc gì? Công dụng và liều dùng áp dụng cho từng đối tượng

Ngày 03/02/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Bùi Thị Thanh
Thuốc Midazolam thường tác động mạnh đến hệ thần kinh trung ương. Loại thuốc này chủ yếu dùng trong điều trị gây mê, an thần theo sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế. Sau đây, MEDLATEC sẽ cung cấp một số thông tin tổng quan về loại thuốc này để bạn đọc tham khảo.

1. Midazolam là thuốc gì? 

Midazolam là một loại thuốc có tác dụng an thần, được xếp vào nhóm Benzodiazepines. Các dạng điều chế phổ biến của Midazolam là dạng viên nén, dung dịch tiêm, dung dịch sử dụng tại vùng niêm mạc. 

Thuốc Midazolam có khả năng tác động lên hệ thần kinh trung ương. Chính vì vậy, việc sử dụng loại thuốc này cần hết sức thận trọng. 

Một sản phẩm thuốc Midazolam lưu hành trên thị trường 

2. Công dụng chính của Midazolam

Midazolam có khả năng tác động đến hệ thần kinh trung ương. Một số tác dụng nổi bật của loại thuốc này phải kể đến là:

  • Hỗ trợ gây mê hoặc gây tê nhằm giảm tình trạng lo âu, sợ hãi. 
  • Hỗ trợ an thần, giúp cơ thể đi vào giấc ngủ nhanh trong thời gian ngắn. 
  • Hỗ trợ điều trị giảm triệu chứng co giật. 
  • Giảm kích động. 

Thuốc Midazolam tác động đến hệ thần kinh, giúp an thần 

3. Chỉ định và chống chỉ định

Do thuốc có thể tác động trực tiếp đến hệ thần kinh nên việc sử dụng cần đặc biệt lưu ý. Sau đây là các đối tượng có thể được chỉ định dùng thuốc và đối tượng không nên dùng: 

3.1. Chỉ định

Việc sử dụng Midazolam phải tuân thủ chặt chẽ theo chỉ dẫn chi tiết của bác sĩ chuyên môn. Thuốc có thể được bác sĩ chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân cần an thần trước và trong khi thực hiện phẫu thuật hoặc áp dụng biện pháp chẩn đoán cần gây tê. 
  • Bệnh nhân cần duy trì gây mê trong một số trường hợp đặc biệt. 
  • Bệnh nhân đang trong giai đoạn chăm sóc tăng cường cần an thần. 
  • Bệnh nhân bị động kinh, cần tạm thời kiểm soát triệu chứng. 
  • Bệnh nhân bị kích động phải tạm thời kiểm soát triệu chứng. 

Midazolam hỗ trợ gây mê trước phẫu thuật 

3.2. Đối tượng chống chỉ định và những người cần cẩn trọng khi dùng thuốc

Bên cạnh đối tượng có thể dùng thuốc, thì vẫn có nhiều đối tượng không thể dùng loại thuốc này, cụ thể:

  • Người bị quá mẫn với bất kỳ thành phần nào trong Midazolam. 
  • Bệnh nhân bị suy hô hấp cấp thể nặng. 
  • Bệnh nhân bị sốc do khối lượng tuần hoàn giảm. 
  • Bệnh nhân bị suy tim giai đoạn nặng, kèm tình trạng nhược cơ. 
  • Phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú. 
  • Trẻ mới sinh. 
  • Bệnh nhân bị sốc, đang trong trạng thái hôn mê
  • Bệnh nhân bị nhiễm độc rượu cấp tính. 
  • Phụ nữ mang thai đang trong 3 tháng đầu của thai kỳ. 

Ngoài ra, những đối tượng cần thận trọng khi dùng Midazolam bao gồm:

  • Người lớn tuổi, thể trạng suy kiệt, liều dùng áp dụng lúc này phải thấp hơn bình thường. 
  • Bệnh nhân gặp vấn đề về tim mạch như suy tim, hạ huyết áp thể nặng. 
  • Bệnh nhân bị suy hô hấp. 
  • Trẻ em cân nặng dưới 15kg, liều lượng áp dụng không vượt quá 1mg/ml. 
  • Bệnh nhân bị suy thận mạn tính. 
  • Người mắc bệnh lý về gan. 
  • Người bị suy nhược cơ thể hoặc mắc một số bệnh lý mạn tính khác. 

4. Cách sử dụng và liều dùng 

Sau đây, MEDLATEC sẽ chia sẻ về cách sử dụng và liều lượng dùng Midazolam tham khảo áp dụng cho từng trường hợp. 

4.1. Cách sử dụng

Cách sử dụng Midazolam phụ thuộc theo dạng điều chế cụ thể. Đối với dạng viên nén, bệnh nhân có thể bổ sung thuốc vào cơ thể theo đường uống. Còn với dung dịch tiêm, truyền, việc dùng thuốc cần thực hiện theo giám sát của nhân viên y tế. 

Meropenem thường được tiêm hoặc truyền qua đường tĩnh mạch 

4.2. Liều dùng

Liều lượng sử dụng Midazolam được bác sĩ quyết định dựa trên tình trạng bệnh lý, thể trạng cơ thể của từng người bệnh. 

4.2.1. Đối với người trưởng thành

Ở người trưởng thành, bác sĩ sẽ dựa theo đặc điểm bệnh lý để áp dụng liều lượng phù hợp. 

  • Người vẫn trong trạng thái tỉnh thức, cần an thần: Liều lượng tiêm Midazolam cụ thể phụ thuộc lớn vào yếu tố tuổi tác. Trong đó: 

- Người dưới 60 tuổi: Thuốc được tiêm chậm vào tĩnh mạch trong khoảng thời gian 30 giây, liều lượng tiêm vào khoảng 2mg đến 2.5mg. Trường hợp thuốc chưa phát huy hiệu quả như mong đợi, liều lượng tiêm có thể tăng lên 0.5mg đến 1mg, sau khoảng 2 phút lại tiêm bổ sung. 

- Người trên 60 tuổi, thể trạng sức khỏe yếu, bệnh mạn tính: Liều tiêm khởi đầu vào khoảng 0.5mg đến 1mg, tổng lượng tiêm không quá 3.5mg. 

  • Người cần điều trị tiền mê: Liều lượng dùng thuốc cũng được quyết định dựa theo độ tuổi. Cụ thể: 

- Người dưới 60 tuổi: Thuốc được thêm vào tĩnh mạch theo liều lượng 1mg đến 2mg; trường hợp tiêm bắp thì liều tiêm vào khoảng 0.07mg đến 0.1mg/kg, tiêm trước lúc phẫu thuật 30 đến 60 phút. 

- Người trên 60 tuổi, thể trạng sức khỏe yếu, mắc bệnh nền: Nếu tiêm vào tĩnh mạch, liều tiêm vào khoảng 0.5mg; trường hợp tiêm bắp, liều tiêm thường là từ 0.025mg đến 0.05mg/kg, tiêm trước khi phẫu thuật 30 đến 60 phút. 

  • Người cần điều trị khởi mê: Thuốc được tiêm chậm vào tĩnh mạch theo liều lượng 0.2mg đến 0.3mg/kg. Với người trên 60 tuổi, liều tiêm sẽ giảm xuống 0.1 mg đến 0.2 mg/kg. 
  • Kết hợp cùng thuốc gây mê hoặc thuốc giảm đau khác: Tuổi tác của người bệnh ảnh hưởng lớn đến liều lượng áp dụng. 

- Người dưới 60 tuổi: Thuốc được tiêm theo đường tĩnh mạch gián đoạn, hoặc truyền liên tục theo liều lượng từ 0.03mg đến 0.1mg. 

- Người trên 60 tuổi, thể trạng yếu, mắc bệnh nền: Liều tiêm thấp hơn so với liều lượng tiêu chuẩn. 

  • Người đang trong giai đoạn cần chăm sóc tăng cường: Truyền theo đường tĩnh mạch với liều lượng từ 0.03 mg đến 0.3 mg/kg trong khoảng 5 phút. Tiếp đó, bệnh nhân có thể được truyền theo liều lượng 0.03 mg đến 0.2mg/kg mỗi giờ. 

4.2.2. Đối với trẻ nhỏ

Trong một số trường hợp, Midazolam sẽ được chỉ định cho trẻ nhỏ nhưng liều lượng thấp hơn so với người lớn. 

  • Trẻ vẫn còn thức tỉnh, cần an thần: Liều lượng áp dụng thay đổi theo độ tuổi. 

- Trẻ trên 6 tháng tuổi, dưới 5 tuổi: Tiêm theo đường tĩnh mạch theo liều lượng 0.05mg đến 0.1mg/kg, tổng liều lượng không quá 6mg.

- Trẻ từ 6 đến 12 tuổi: Liều lượng khởi đầu 0.025mg đến 0.05mg/kg, tổng liều tiêm không quá 10mg. 

  • Trẻ cần điều trị tiền mê: Có thể sử dụng theo đường tiêm bắp cho trẻ từ 1 đến 15 tuổi, liều lượng tương ứng 0.08 mg đến 0.2mg/kg. 
  • Trẻ cần điều trị khởi mê: Liều lượng vào khoảng 0.15mg/kg. 

5. Một vài tác dụng phụ có thể xuất hiện ở người dùng Midazolam

Dưới đây là bảng tổng hợp tác dụng phụ có nguy cơ xuất hiện ở người dùng Midazolam. 

Tác dụng phụ thường gặpTác dụng phụ ít gặp Tác dụng phụ hiếm gặp 

- Tụt huyết áp động mạch. 

- Buồn nôn hoặc nôn ói sau ca mổ. 

- Lên cơn nấc. 

- Tĩnh mạch bị viêm tắc. 

- Cảm thấy chóng mặt

- Rơi vào trạng thái lú lẫn. 

- Mạch có dấu hiệu nhanh hơn bình thường.

- Nổi mề đay

- Cơ thể run rẩy. 

- Lên cơn động kinh. 

- Có xu hướng trở nên hung hãn. 

- Dễ kích động. 

Bảng tổng hợp tác dụng phụ của Midazolam 

6. Lưu ý cần biết trước khi dùng thuốc Midazolam

Để quá trình sử dụng Midazolam diễn ra an toàn, mọi người cần ghi nhớ những lưu ý quan trọng sau: 

  • Không tự ý dùng Midazolam tại nhà. 
  • Quá trình tiêm, truyền Midazolam luôn phải có sự giám sát của nhân viên y tế. 
  • Không dùng đồ uống có cồn trong ít nhất nửa ngày kể từ khi tiêm thuốc. 
  • Thận trọng theo dõi cơ thể, thông báo ngay cho bác sĩ biết nếu phát hiện triệu chứng cảnh báo tình trạng phản ứng thuốc. 

Bệnh nhân tuyệt đối không tự ý dùng Midazolam tại nhà 

Lưu ý, tất cả thông tin chỉ dẫn về liều lượng sử dụng đề cập trong bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho tư vấn chuyên môn của chuyên gia y tế. 

MEDLATEC vừa tổng hợp đến bạn đọc một vài thông tin về Midazolam. Trong mọi trường hợp, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc tại nhà khi không có sự giám sát của nhân viên y tế, chưa được bác sĩ kê đơn. Nếu đang gặp vấn đề về sức khỏe, bạn hãy tìm đến những địa chỉ y tế uy tín như Hệ thống Y tế MEDLATEC để được bác sĩ thăm khám và hướng dẫn điều trị. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ MEDLATEC theo số 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.