Các tin tức tại MEDlatec
Phân loại hội chứng tắc ruột và các dấu hiệu bệnh thường gặp
- 01/01/2024 | Hội chứng tắc ruột: Nguyên nhân và cách điều trị
- 01/02/2024 | Tắc ruột sau mổ và những điều lưu ý cho người bệnh
- 01/08/2023 | Tắc ruột cơ năng là gì và các phương pháp điều trị
- 01/02/2024 | Nhận biết ngay dấu hiệu tắc ruột ở trẻ sơ sinh để đưa trẻ đi khám kịp thời
1. Hội chứng tắc ruột được phân loại như thế nào?
Tắc ruột là hiện tượng thức ăn và chất thải không thể di chuyển hoặc di chuyển chậm. Tình trạng tắc nghẽn này có thể xảy ra ở ruột non và ruột già. Nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho hệ tiêu hóa, chẳng hạn như tình trạng vỡ ruột, đe dọa tính mạng người bệnh.
1.1. Phân loại hội chứng tắc ruột theo nguyên nhân
- Tắc ruột cơ học: Là những trường hợp bị tắc ruột do nguyên nhân thực thể, chẳng hạn như bị ung thư đường ruột, bất thường về cấu trúc đường ruột, có khối u bên ngoài đè vào,...
- Tắc ruột cơ năng: Là những trường hợp tắc ruột do người bệnh gặp phải những bất thường về cơ hay thần kinh làm ảnh hưởng đến chức năng nhu động ruột, khiến việc chuyển động thức ăn và nước qua hệ tiêu hóa bị chậm lại hoặc ngưng trệ.
1.2. Dựa theo mức độ tiến triển
Hội chứng tắc ruột còn có thể được phân loại dựa trên mức độ bệnh như sau:
- Tắc ruột cấp tính và tắc ruột bán cấp:
+ Cấp tính: Hội chứng tắc ruột xảy ra đột ngột và diễn ra trong thời gian ngắn nhưng rất nguy hiểm. Người mắc bệnh thường đã có sẵn bệnh lý nền nào đó.
+ Bán cấp: Tình trạng này không nguy hiểm bằng tắc ruột cấp tính. Bệnh thường tiến triển trong khoảng vài ngày đến một tuần.
- Tắc ruột hoàn toàn và tắc ruột không hoàn toàn
+ Hoàn toàn: Là trường hợp bị tắc hoàn toàn một đoạn ruột. Chính vì thế, dịch tiêu hóa sẽ gần như không thể lưu thông được qua đoạn ruột này, người bệnh sẽ không thể đi đại tiện, không thể xì hơi, bụng chướng lên và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
+ Không hoàn toàn: Người bệnh chỉ bị tắc nghẽn một phần và quá trình lưu thông dịch tiêu hóa sẽ chậm hơn bình thường.
Hội chứng tắc ruột có thể xảy ra ở nhiều đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, những trường hợp dưới đây sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn:
+ Trẻ sơ sinh: Thường bị tắc ruột do lồng ruột, xoắn ruột.
Trẻ sơ sinh là đối tượng dễ bị tắc ruột
+ Trẻ em: Do hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện kèm theo chế độ ăn uống và sinh hoạt không khoa học thì rất dễ mắc hội chứng tắc ruột.
+ Người già: Đối tượng này cũng có nguy cơ tắc ruột vì những nguyên nhân như dính ruột, thoát vị, ung thư đường ruột. Ngoài ra, nguyên nhân phổ biến gây tắc ruột ở người già là do ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất xơ, bị táo bón trong nhiều ngày và nhai thức ăn không kỹ,...
+ Người mắc bệnh về đường ruột chẳng hạn như viêm ruột, viêm túi thừa, xoắn đại tràng,... cũng có nguy cơ cao phải đối mặt với hội chứng tắc ruột.
2. Biểu hiện hội chứng tắc ruột
Khi mắc phải hội chứng tắc ruột, bệnh nhân thường gặp phải những biểu hiện bệnh điển hình như sau:
- Đau, chướng bụng: Những cơn đau xảy ra đột ngột và dữ dội. Cơn đau này có thể thuyên giảm, tuy nhiên, sau đó cơn đau khác sẽ lại xuất hiện. Lúc đầu, bệnh nhân có thể xác định vị trí đau, nhưng sau đó cơn đau sẽ lan ra toàn bụng.
- Buồn nôn, nôn: Người bị hội chứng tắc ruột thường nôn và buồn nôn liên tục. Ban đầu, bệnh nhân sẽ nôn ra thức ăn, rồi sau đó, nôn ra dịch mật, dịch tiêu hóa, phân.
Hội chứng tắc ruột thường gây ra triệu chứng buồn nôn, nôn.
- Bí trung đại tiện: Biểu hiện này thường xuất hiện khá muộn vì khi mới bị tắc ruột thì ruột vẫn co bóp và vẫn có thể đẩy hơi ra ngoài.
- Căng bụng và khi gõ có tiếng vang: Có thể sờ thấy quai ruột nổi lên và khi chiếu ánh sáng vào bụng có thể quan sát được sóng nhu động cốm lên dưới da bụng. Nếu không được xử trí kịp thời, người bệnh có thể gặp phải những vấn đề nghiêm trọng như hoại tử tế bào ở mô ruột, nhiễm trùng lan rộng, thủng ruột, suy chức năng các cơ quan,...
3. Chẩn đoán và điều trị hội chứng tắc ruột
Có thể nói rằng, các triệu chứng của hội chứng tắc ruột khá rõ ràng, tuy nhiên, các bác sĩ vẫn có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số phương pháp cần thiết để đưa ra kết luận bệnh chính xác nhất. Bao gồm:
- Đầu tiên, bác sĩ sẽ thăm khám các triệu chứng lâm sàng như đau bụng, buồn nôn,...
- Xét nghiệm để có thể đánh giá người bệnh có bị nhiễm khuẩn, rối loạn điện giải,... hay một số vấn đề bất thường khác hay không.
- Siêu âm: Phương pháp này giúp các bác sĩ nhận biến được đường kính lòng ruột, độ dày của thành ruột thay đổi do phù nề hay chứa nhiều dịch hơi, người bệnh có bị tăng nhu động ruột hay không,...
- Chụp X – quang, chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ: Giúp bác sĩ quan sát rõ phần ruột bị tắc và có thể phát hiện được nguyên nhân gây bệnh.
Tùy theo mức độ bệnh và nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể đưa ra những phương pháp điều trị bệnh như sau:
- Truyền dịch cho bệnh nhân để phòng tránh tình trạng mất nước.
- Đặt ống thông qua mũi tới dạ dày để hút hơi và chất tích tụ ra bên ngoài.
Bác sĩ sẽ khám và lên phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân
- Nếu nguyên nhân gây tắc ruột là do khối u thì bác sĩ có thể kê đơn thuốc hoặc phẫu thuật.
- Nếu các phương pháp điều trị nêu trên không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân phẫu thuật để cắt bỏ đoạn ruột bị tắc hoặc đặt stent với những bệnh nhân bị đại tràng hay bệnh nhân lớn tuổi.
- Lưu ý về chế độ ăn cho người mắc hội chứng tắc ruột: Nên ăn những đồ ăn dạng lỏng (cháo, bún, sữa chua, các loại đồ đã được hầm nhừ), ăn một số loại rau củ phù hợp (đậu xanh, đu đủ chín,...), chỉ nên ăn lượng thịt vừa phải, nên chia nhỏ bữa ăn và uống nhiều nước,...
Bệnh nhân nên ăn đồ mềm và nên chia nhỏ bữa ăn
Hi vọng qua những thông tin trên bạn đã hiểu rõ hơn về hội chứng tắc ruột. Đây là vấn đề sức khỏe nguy hiểm, cần được xử trí kịp thời. Do đó, bạn không nên chủ quan nếu có biểu hiện nghi ngờ bệnh.
Mọi thắc mắc về căn bệnh này hoặc có nhu cầu đặt lịch khám sớm, mời quý khách hàng liên hệ đến Chuyên khoa Tiêu hóa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài chăm sóc khách hàng 1900 56 56 56, tổng đài viên sẽ tư vấn cụ thể cho bạn.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!