Các tin tức tại MEDlatec

Thuốc Metronidazol: Phân tích thành phần, công dụng và lưu ý khi dùng

Ngày 27/07/2024
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Metronidazol là một trong những loại thuốc kháng sinh phổ biến, được dùng trong điều trị nhiễm trùng do ký sinh trùng và vi khuẩn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và tránh gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng, bạn chỉ nên sử dụng loại thuốc này theo chỉ định của bác sĩ.

1. Metronidazol là thuốc gì? 

Metronidazol là một dạng kháng sinh kê theo đơn điều trị một số bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng, chủ yếu được điều chế theo dạng viên. Thuốc có tác dụng ngăn chặn sự sản sinh của nhiều loại ký sinh trùng, vi khuẩn

Metronidazol - một dạng kháng sinh kê theo đơn

2. Thành phần và công dụng của Metronidazol

2.1. Thành phần 

Thành phần chính trong các loại thuốc Metronidazol là hoạt chất Metronidazol. Hoạt chất này có khả năng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn, ký sinh trùng gây nhiễm trùng. 

2.2. Công dụng 

Tác dụng của Metronidazol còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể. Thực tế, Metronidazol chủ yếu hỗ trợ điều trị bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng do vi khuẩn, ký sinh trùng gây ra. Cụ thể như: 

  • Điều trị Amip, Giardia ở trẻ nhỏ và người trưởng thành. 
  • Điều trị bệnh lý liên quan viêm đường sinh dục ở nam giới và nữ giới do Trichomonas Vaginalis. 
  • Điều trị cho người bị nhiễm vi khuẩn kỵ khí và hiếu khí, vi khuẩn kị khí hỗn hợp. 
  • Có thể kết hợp cùng một vài loại thuốc khác để điều trị bệnh lý viêm loét dạ dày hoặc tá tràng do tác nhân H.pylori. 

Người bị viêm loét dạ dày cũng có thể được bác sĩ kê Metronidazol kết hợp với các thuốc khác

Lưu ý rằng, các loại thuốc Metronidazol không có tác dụng điều trị bệnh lý nhiễm trùng do tác nhân virus và nấm gây ra. Chính vì thế, người dùng phải thận trọng, tuyệt đối không dùng thuốc nếu chưa thăm khám, tham khảo tư vấn điều trị của bác sĩ. 

3. Chỉ định và chống chỉ định

3.1. Chỉ định 

Thuốc kháng sinh Metronidazol chủ yếu được bác sĩ chỉ định cho một số nhóm đối tượng sau: 

  • Người bị nhiễm ký sinh trùng Trichomonas Vaginalis, trùng kiết lị Entamoeba Histolytica. 
  • Người bị viêm nhiễm phụ khoa, nhiễm khuẩn tại vùng ổ bụng. 
  • Người bị viêm màng tim trong, nhiễm khuẩn máu, nhiễm khuẩn hệ thần kinh. 
  • Người bị nhiễm trùng da. 
  • Người bị viêm lợi khu vực quanh chân răng. 
  • Người bị viêm loét tá tràng, dạ dày do vi khuẩn H. pylori gây ra. 
  • Người bị bệnh Crohn. 

Người bị nhiễm trùng da có thể được chỉ định dùng thuốc Metronidazol 

3.2. Chống chỉ định 

Bất cứ đối tượng nào dị ứng với thành phần của Metronidazol đều không nên sử dụng loại thuốc này. Ngoài ra, thuốc Metronidazol cũng không được dùng cho người từng dùng Disulfiram trong 14 ngày gần nhất. 

4. Tác dụng phụ của Metronidazol

Bên cạnh tác dụng điều trị bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng do ký sinh trùng và vi khuẩn, kháng sinh vẫn có thể gây ra một vài tác dụng phụ không mong muốn. Theo đó, bạn hãy theo dõi bảng tổng hợp phân chia cấp độ tác dụng phụ khi dùng thuốc sau đây. 

Tác dụng phụ hay gặpTác dụng phụ ít gặpTác dụng phụ hiếm gặp

- Nôn ói. 

- Chán ăn. 

- Đi ngoài ra phân lỏng. 

- Đau bụng. 

- Cảm thấy vị kim loại. 

Chỉ số bạch cầu giảm.

- Lên cơn động kinh

- Da bị ngứa, phát ban. 

- Có cảm giác nhức đầu. 

- Nước tiểu chuyển sang màu sẫm. 

- Bạch cầu hạt bị mất. 

Phân loại tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng kháng sinh Metronidazol 

Trường hợp xuất hiện triệu chứng chóng mặt, lú lẫn, người bệnh không nên tiếp tục sử dụng Metronidazol. Đối tượng bị suy gan nặng thường phải giảm liều dùng. 

Buồn nôn - tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc Metronidazol 

Nếu như tác dụng phụ diễn biến theo hướng nghiêm trọng, người bệnh phải thông báo ngay cho bác sĩ điều trị. 

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Metronidazol

Muốn phát huy tác dụng của kháng sinh Metronidazol, bệnh nhân cần dùng đúng theo hướng dẫn của bác sĩ và nắm được một số lưu ý như:

  • Không nên dùng chung Metronidazol với thuốc chống đông máu, nhất là thuốc Warfarin. Bởi những loại thuốc này có thể tương tác với nhau dễ làm tăng tác dụng phụ. Do đó, nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cũng nên trao đổi với bác sĩ để được điều chỉnh đơn thuốc cho phù hợp và an toàn. 
  • Không uống rượu, đồ uống có cồn khi đang uống thuốc.
  • Không sử dụng cùng lúc Metronidazol và Disulfiram (tránh ảnh hưởng đến hệ thần kinh). 
  • Không sử dụng cùng lúc kháng sinh Metronidazol với Phenobarbital. 
  • Người bệnh không nên dùng kháng sinh Metronidazol khi kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ Lithi đang ở mức cao. 
  • Người cao tuổi cần thận trọng khi dùng thuốc. 
  • Tuân thủ đúng chỉ định về liều lượng, thời gian dùng thuốc. 
  • Nếu có biểu hiện bất thường thì hãy ngừng dùng thuốc và thông báo với bác sĩ điều trị. 

Bệnh nhân không nên dùng Metronidazol cùng lúc với thuốc chống đông máu

Nhìn chung, trước khi dùng kháng sinh Metronidazol, bệnh nhân phải khám xét cụ thể, dùng theo kê đơn của bác sĩ. 

6. Hướng xử lý khi dùng Metronidazol quá liều hoặc thiếu liều 

6.1. Xử lý khi dùng quá liều 

Thực tế đã có trường hợp gặp phải tác dụng phụ khi dùng quá liều Metronidazol. Trong đó, tác dụng phụ thường gặp là buồn nôn và hiếm gặp hơn, người bệnh có thể lên cơn co giật. 

Cho đến nay, vẫn chưa có loại thuốc giải độc hiệu quả khi dùng quá liều Metronidazol. Bởi vậy, ngay khi nhận ra dùng quá liều, bệnh nhân phải thông báo với bác sĩ để được can thiệp y tế kịp thời. 

6.2. Xử lý khi dùng thiếu liều 

Nếu như quên hoặc dùng thiếu liều Metronidazol, bệnh nhân cần bổ sung liều đã quên. Trường hợp gần đến thời điểm dùng liều kế tiếp, bạn có thể bỏ qua liều vừa quên và tiếp tục dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ. 

Lưu ý: Tất cả các thông tin liều dùng trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Metronidazol là kháng sinh kê theo đơn theo chỉ định của của bác sĩ. Vì vậy, bạn không nên tự ý mua thuốc về dùng để đảm bảo an toàn. Thay vào đó, nếu nhận thấy cơ thể có dấu hiệu mắc phải bị bệnh lý liên quan đến nhiễm khuẩn ký sinh trùng và vi khuẩn, bạn nên nhanh chóng tìm đến cơ sở y tế y để được thăm khám thay vì tự dùng Metronidazol tại nhà. 

Trên đây là các thông tin tổng quan về Metronidazol. Đây là thuốc kê theo đơn nên người dùng không nên chủ quan, tự uống thuốc mà chưa được bác sĩ thăm khám. Để đảm bảo an toàn, các bạn nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín như Hệ thống Y tế MEDLATEC để được bác sĩ thăm khám, kiểm tra và tư vấn chi tiết. Để đặt lịch khám cụ thể, Quý khách vui lòng liên hệ với MEDLATEC theo số 1900 56 56 56.

Từ khoá: buồn nôn

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.