Các tin tức tại MEDlatec

Thuyên tắc phổi: sự hình thành, triệu chứng và hướng điều trị

Ngày 05/05/2023
Thuyên tắc phổi là tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ động mạch phổi bởi cục máu đông, tách ra từ tĩnh mạch nằm ở nơi khác trong cơ thể. Bài viết sau tìm hiểu về sự hình thành, triệu chứng, các yếu tố nguy cơ và hướng chữa trị thuyên tắc phổi.

1. Sự hình thành thuyên tắc phổi

Thuyên tắc phổi là tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ động mạch phổi, thường là do cục máu đông gây ra. Hậu quả là tổn thương phần phổi bị ảnh hưởng, dẫn đến phần phổi này không còn khả năng cung cấp oxy cho cơ thể.

Gây ra bởi cục máu đông, thuyên tắc phổi là một bệnh nghiêm trọng

Cục máu đông hình thành trong quá trình viêm tắc tĩnh mạch hoặc huyết khối tĩnh mạch (thường ở chân), cục máu đông này tách ra khỏi thành tĩnh mạch và đi lên cùng với máu trong tuần hoàn tĩnh mạch về tim. Trong quá trình co bóp, tâm thất phải đẩy cục máu đông vào động mạch phổi, từ đó cục máu đông di chuyển qua các động mạch, dẫn đến tắc nghẽn.

Ngoài ra, cục máu đông không phải là nguyên nhân duy nhất gây thuyên tắc phổi. Trong một số ít các trường hợp khác, thuyên tắc phổi có thể là do thuyên tắc:

  • Xơ vữa động mạch (mảng xơ vữa động mạch).

  • Nhiễm trùng hoặc ký sinh trùng (trong trường hợp nhiễm trùng nặng).

  • Màng ối (khi sinh con).

  • Khối u (sự di chuyển của các tế bào ung thư).

2. Các yếu tố nguy cơ gây thuyên tắc phổi là gì?

Tình trạng thuyên tắc phổi sẽ gia tăng trong một số trường hợp sau:

  • Can thiệp phẫu thuật và đặc biệt hơn là can thiệp chỉnh hình, phụ khoa và ung thư.

  • Gãy xương, chấn thương, sốc có thể gây tắc mạch.

  • Rối loạn đông máu do bệnh di truyền.

  • Do bệnh nhân nằm lâu trên giường hoặc bất động bất kể nguyên nhân gì (bệnh tật, chấn thương,...).

  • Mắc một số bệnh: đặc biệt là ung thư phổi, ung thư dạ dày, suy tim, nhồi máu cơ tim, tiền sử viêm tĩnh mạch…

  • Vấn đề y tế, đặc biệt là bệnh tim mạch (suy tim sung huyết, rung tâm nhĩ hoặc nhồi máu cơ tim) hoặc đột quỵ có thể dẫn đến tắc mạch phổi.

  • Béo phì.

  • Hút thuốc lá.

3. Triệu chứng nhận biết thuyên tắc phổi

Thuyên tắc phổi đột ngột gây ra các triệu chứng như:

  • Đau ngực ở một bên.

  • Khó thở: thở nhanh và ngắn.

  • Đôi khi ho và khạc ra máu.

Trong một số trường hợp, các triệu chứng có thể khó nhận biết vì chúng không quá dữ dội hoặc không cụ thể. Lưu ý: triệu chứng thuyên tắc phổi ở mỗi người là mỗi khác, cần luôn cảnh giác khi các biểu hiện bất thường xuất hiện trong khi người bệnh có các yếu tố nguy cơ nêu trên.

Thuyên tắc phổi cần điều trị khẩn cấp

Một số các triệu chứng khác mà người bệnh có thể gặp phải, thường là thuyên tắc phổi nặng:

  • Khó chịu, thậm chí mất ý thức.

  • Nhịp tim nhanh.

  • Huyết áp thấp

  • Ngón tay và môi tím tái, bàn tay và bàn chân lạnh.

4. Làm gì trong trường hợp có dấu hiệu thuyên tắc phổi?

Trong trường hợp có các triệu chứng thuyên tắc phổi nêu trên và đặc biệt hơn nếu chúng xảy ra khi người bệnh có các yếu tố rủi ro, hãy gọi điện thoại cho các trung tâm y tế cấp cứu ngay lập tức.

Khi bạn đang thực hiện cuộc gọi, hãy:

  • Nói bình tĩnh và rõ ràng.

  • Cung cấp vị trí và địa chỉ chính xác.

  • Mô tả càng chính xác càng tốt các biểu hiện sức khỏe của người bệnh.

Sau khi gọi cấp cứu, bạn ở lại với bệnh nhân và thực hiện một số thao tác sau:

  • Đặt người bệnh ở tư thế nửa nằm - nửa ngồi.

  • Giữ cho bệnh nhân không di chuyển.

  • Lưu ý thời gian xuất hiện của các dấu hiệu đầu tiên.

Tư thế nửa nằm - nửa ngồi

5. Chẩn đoán thuyên tắc phổi

Tại bệnh viện, bác sĩ thực hiện kiểm tra lâm sàng, tìm kiếm sự tồn tại của các yếu tố nguy cơ thuyên tắc phổi và các dấu hiệu thuyên tắc phổi.

Để xác nhận chẩn đoán và đánh giá hậu quả của thuyên tắc phổi, người bệnh có thể thực hiện các cuộc kiểm tra bổ sung, tùy theo tình trạng lâm sàng của từng bệnh nhân:

  • Xét nghiệm máu tìm D-dimers (dấu vết sinh học về sự hiện diện của cục máu đông).

  • Phân tích khí máu động mạch.

  • Chụp CT mạch phổi, cho thấy huyết khối động mạch.

  • Siêu âm Doppler tim, tìm tác động của thuyên tắc lên tâm thất phải.

  • Xạ hình phổi, hình dung vùng phổi không còn hoạt động.

  • Siêu âm doppler tĩnh mạch chi dưới để tìm huyết khối tĩnh mạch sâu.

6. Điều trị thuyên tắc phổi

Điều trị thuyên tắc phổi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và tình trạng của bệnh nhân.

Điều trị thuyên tắc phổi cũng nhằm ngăn ngừa hình thành thêm cục máu đông

Điều trị bằng thuốc chống đông

Trong trường hợp thuyên tắc phổi ở mức độ nhẹ hoặc trung bình (không có sốc hoặc hạ huyết áp động mạch), phương án điều trị bằng thuốc chống đông máu được đưa ra. Mục đích của điều trị chống đông máu là hạn chế sự mở rộng của cục máu đông và ngăn ngừa nguy cơ tái phát.

Điều trị chống đông máu thường là tiêm dưới da heparin trọng lượng phân tử thấp hoặc fondaparinux, dùng thuốc viên: thuốc kháng vitamin K (VKA) hoặc thuốc chống đông đường uống trực tiếp (DOA).

Điều trị bằng cách tiêu sợi huyết

Tiêu sợi huyết là tiêm vào tĩnh mạch một loại thuốc cho phép làm tan cục máu đông nằm trong động mạch phổi, giúp phục hồi tưới máu phổi nhanh hơn so với điều trị bằng thuốc chống đông máu đơn thuần.

Phương án này dành riêng cho những bệnh nhân thuyên tắc phổi nặng có sốc hoặc hạ huyết áp động mạch. Chống chỉ định trong một số trường hợp: nguy cơ xuất huyết, bệnh nhân mới đột quỵ, chấn thương nặng hoặc mới phẫu thuật, đang mang thai, loét dạ dày tá tràng chưa lành,…

Phẫu thuật loại bỏ cục máu đông

Phẫu thuật loại bỏ cục máu đông khỏi động mạch phổi được dành riêng cho bệnh nhân thuyên tắc phổi nặng trong trường hợp thất bại hoặc chống chỉ định với phương pháp tiêu sợi huyết.

Ngoài ra, kỹ thuật đặt ống thông (catheter) cho phép làm tan huyết khối trong một số trường hợp nhất định có thể là một phương pháp thay thế cho phẫu thuật.

7. Làm thế nào để tránh sự hình thành của thuyên tắc phổi?

Để tránh sự hình thành của thuyên tắc phổi cần ngăn ngừa sự xuất hiện của viêm tĩnh mạch. Vì thuyên tắc phổi thường là kết quả của biến chứng viêm tĩnh mạch hoặc huyết khối tĩnh mạch, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau để hạn chế sự xuất hiện của bệnh.

Bạn nên tránh:

  • Dùng thuốc tránh thai nội tiết kết hợp (estrogen kết hợp với progestin) nếu bạn có các yếu tố nguy cơ bị viêm tĩnh mạch.

  • Dùng liệu pháp hormone thay thế cho thời kỳ mãn kinh.

  • Sử dụng thuốc lá.

  • Thừa cân.

  • Uống rượu bia.

Bạn nên đặc biệt thận trọng nếu bạn đã từng bị thuyên tắc phổi/viêm tĩnh mạch hoặc có các yếu tố nguy cơ bị huyết khối.

Trên đây là những thông tin cần thiết về sự hình thành, triệu chứng, các yếu tố nguy cơ và hướng chữa trị thuyên tắc phổi.

Ngoài ra, nếu bạn thuộc các yếu tố nguy cơ nêu trên và lo lắng về sự xuất hiện của thuyên tắc phổi, hãy tại các Bệnh viện, Phòng khám thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC để được các bác sĩ thăm khám và đưa ra các giải pháp giúp phòng tránh thuyên tắc phổi. Hoặc bạn có thể gọi đến số tổng đài sau: 1900 56 56 56 để được tư vấn và giải đáp các thắc mắc

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.