Các tin tức tại MEDlatec
Tìm hiểu về bệnh giun chỉ bạch huyết
- 16/10/2014 | Bệnh giun chỉ đang quay trở lại?
- 10/10/2015 | Nobel Y khoa tôn vinh công trình trị sốt rét và giun chỉ
1. Đặc điểm sinh học của giun chỉ
1.1. Giun trưởng thành
Giun chỉ trưởng thành có hình thể như sợi chỉ màu trắng sữa. Giun cái dài khoảng 25 - 100mm, giun đực dài 13 - 40 mm. Chúng thường cuộn với nhau trong hệ bạch huyết như đám chỉ rối.
1.2. Ấu trùng
Đặc điểm | W.bancrofti | B. malayi |
Thời gian xuất hiện ở máu ngoại vi | 20 giờ đến 4 giờ sáng | 20 giờ đến 6 giờ sáng |
Kích thước | 200 µm | 220 µm |
Hình thể | Đều, mềm mại, xoăn ít | Có thể không đều, xoăn nhiều |
Màng áo | Dài hơn thân một ít | Dài hơn thân nhiều |
Đầu | Có một gai | Có hai gai |
Hạt nhiễm sắc | Ít và rõ, tròn | Nhiều và không rõ, sát nhau |
Hạt nhiễm sắc cuối đuôi | Không đi đến cuối đuôi | Đi đến cuối đuôi, có một hạt tách riêng ra, đi đến tận cùng đuôi |
Ấu trùng W.bancrofti
2. Chu kỳ phát triển của giun chỉ
- Chu kỳ phát triển có hai vật chủ là người và muỗi.
Chu kỳ phát triển của giun chỉ W.bancrofti
- Muỗi nhiễm ấu trùng giai đoạn III đốt người và ấu trùng xâm nhập vào cơ thể người. Ấu trùng đến hệ bạch huyết và phát triển thành con trưởng thành. Giun trưởng thành sinh ra ấu trùng. Muỗi hút máu người mang ấu trùng. Ấu trùng vào dạ dày muỗi sau đó thoát vỏ xuyên qua dạ dày đến cơ ngực của muỗi. Tại đây ấu trùng phát triển thay vỏ nhiều lần tạo thành ấu trùng giai đoạn I, giai đoạn II, giai đoạn III. Ấu trùng giai đoạn III di chuyển tới vòi muỗi để tiếp tục lây nhiễm.
- Ấu trùng trong máu người tồn tại khoảng 10 tuần sẽ chết nếu không vào được cơ thể muỗi.Giun trưởng thành có thể sống tới 10 năm trong cơ thể người.
3. Các triệu chứng của bệnh do mắc giun chỉ
Đa số người bệnh nhiễm ký sinh trùng thường ít có biểu hiện bệnh trong nhiều năm, hoặc các triệu chứng âm thầm.
- Giai đoạn ủ bệnh: Từ 4 - 16 tháng, bệnh nhân có thể có sốt nhẹ, mệt mỏi, mẩn ngứa. Nhưng hầu hết là không thấy triệu chứng.
- Giai đoạn cấp tính: Có dấu hiệu sốt cao, đau đầu, mệt mỏi tái diễn theo đợt. Sưng đau hạch bẹn và thấy viêm đỏ ở các mạch bạch huyết.
- Giai đoạn mạn tính: Tình trạng gầy sút cân, mệt mỏi, viêm da và phù chân voi, phù bộ phận sinh dục, xuất hiện dưỡng chấp nước tiểu.
Hình ảnh phù chân voi
4. Các phương pháp chẩn đoán bệnh giun chỉ bạch huyết
4.1. Xét nghiệm tìm ấu trùng trong máu ngoại vi
- Đây là kỹ thuật cơ bản thường được chỉ định khi có nghi ngờ nhiễm bệnh.
- Cách làm: Lấy máu vào ban đêm (khoảng từ 22 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau vì đây là thời gian loài ký sinh trùng này thường ra ngoài máu ngoại vi khỏi các hệ bạch huyết). Có thể lấy máu vào ban ngày nếu bệnh nhân dùng thuốc D.E.C (Diethylcarbamazine) để kích thích các ký sinh trùng (nếu có) ra ngoài máu ngoại vi. Tiến hành làm tiêu bản giọt máu đàn và giọt đặc nhuộm Giemsa và soi đánh giá trên vật kính X100 tìm ấu trùng giun chỉ.
- Xét nghiệm nhanh chóng, dễ thực hiện nhưng có hạn chế là độ nhạy thấp. Nếu mật độ ấu trùng trong máu ít thì khả năng dương tính sẽ thấp. Lúc này ta sẽ tiến hành phương pháp Knote tập trung ấu trùng.
4.2. Các phương pháp Knote tập trung ấu trùng
Sử dụng 2 mL máu trộn với 10mL formol 2% ly tâm 1500 - 2000 vòng/ phút trong 5 phút, lấy một giọt cặn soi tươi hoặc làm tiêu bản nhuộm giemsa và soi dưới kính hiển vi x100.
- Ưu điểm: Tăng khả năng phát hiện ấu trùng khi mật độ nhiễm ít.
- Nhược điểm: Cần tiến hành thêm nhiều bước kỹ thuật và đòi hỏi thêm trang thiết bị máy móc, hóa chất so với kỹ thuật nhuộm soi tìm ấu trùng trong máu ngoại vi.
4.3. Xét nghiệm nước tiểu tìm ấu trùng
- Trường hợp bệnh nhân tiểu ra dưỡng chấp, mẫu nước tiểu được ly tâm lấy cặn soi tươi hoặc nhuộm giemsa tìm ấu trùng.
Màu sắc nước tiểu phản ánh rất nhiều bệnh lý
4.4. Phương pháp sinh học phân tử
- Xét nghiệm trên mẫu máu sử dụng phương pháp Real-time PCR: Tìm DNA của giun chỉ. Đây là phương pháp ít được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán vì chi phí cao, đòi hỏi trang thiết bị hiện đại. Vì vậy mà PCR tìm giun thường dùng trong nghiên cứu.
4.5. Phương pháp tìm kháng thể trong huyết thanh
Sử dụng phương pháp miễn dịch ELISA hoặc miễn dịch huỳnh quang để tìm các kháng thể đặc hiệu.
Ngoài các phương pháp xét nghiệm một số phương pháp cận lâm sàng được kết hợp chẩn đoán như: siêu âm, sinh thiết hạch tìm ấu trùng và giun trưởng thành.
5. Cách điều trị bệnh giun chỉ
Diethylcarbamazine (DEC) là thuốc được sử dụng hiện nay, thuốc có tác dụng diệt ấu trùng và một số ít giun trưởng thành. Dùng kết hợp với Albendazole để ngăn giun sinh sản. Trường hợp bệnh ở giai đoạn muộn thì cần kết hợp thêm các biện pháp phẫu thuật và vật lý trị liệu nhằm tăng cường lưu thông bạch huyết khi bị phù.
6. Phòng bệnh như thế nào?
- Nước ta là nước có khí hậu nhiệt đới ẩm, vì vậy mà muỗi sinh sản rất nhanh. Các bệnh lây truyền qua trung gian là muỗi có khả năng thành dịch cao vào mùa hè.
- Các biện pháp phòng bệnh cần tập trung vào việc cắt vật chủ trung gian truyền bệnh:
+ Truyền thông, giáo dục sức khỏe về nguồn lây, triệu chứng, cách phòng tránh bệnh.
+ Vệ sinh môi trường sống, diệt bọ gậy, loăng quăng, không để các vùng ao tù nước đọng làm tăng sự sinh sản của muỗi.
+ Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ngủ màn, bôi thuốc chống muỗi đốt.
+ Tẩm màn với dung dịch diệt muỗi, phun thuốc muỗi định kỳ.
+ Khi phát hiện có người nhiễm bệnh cần cách ly và điều trị kịp thời.
Phòng tránh muỗi đốt là biện pháp phòng bệnh hiệu quả
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cam kết về chất lượng xét nghiệm chính xác tin cậy. Với đội ngũ chuyên gia hàng đầu của các chuyên khoa, trang thiết bị máy móc hiện đại, chuyên nghiệp. Luôn không ngừng cập nhật công nghệ mới, tiên tiến hàng đầu về chất lượng xét nghiệm.
MEDLATEC hiện có mặt trên khắp các tỉnh thành trên toàn quốc vì vậy đừng ngần ngại hãy gọi điện thoại theo số 1900565656 để được tư vấn và giải đáp các thắc mắc về mọi vấn đề sức khỏe còn băn khoăn.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!