Các tin tức tại MEDlatec

Trẻ bị lác sữa (chàm sữa) có tự hết không? Cách giảm ngứa ngáy giúp trẻ ngủ ngon giấc

Ngày 01/10/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Lác sữa (chàm sữa) là bệnh thường gặp ở trẻ khiến trẻ ngứa ngáy, bỏ bú, ngủ không ngon và thường xuyên quấy khóc. Bệnh tuy không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng lại thường xuyên tái phát và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bài viết này sẽ giúp bạn biết trẻ bị lác sữa có tự hết không cũng như cách giảm ngứa ngáy giúp trẻ ngủ ngon giấc.

1. Bệnh lác sữa ở trẻ là gì?

Theo Tạp chí Quản lý Chăm sóc Sức khỏe Hoa Kỳ, bệnh lác sữa hay còn gọi là chàm sữa, viêm da dị ứng là một tình trạng viêm da tái phát mãn tính. Có khoảng 15% đến 20% trẻ bị lác sữa trên toàn thế giới. 

Lác sữa được coi là giai đoạn đầu tiên của bệnh chàm, thường xuất hiện ở trẻ từ khi mới sinh đến trẻ được 6 tháng. Các triệu chứng thường gặp nhất là tình trạng nổi ban đỏ hai bên má, trên tay thân và có thể lan ra toàn thân. Thời gian đầu khi trẻ bị lác sữa, những nốt trên da chỉ mờ nhạt, sau đó nổi lên thành mụn nước, mụn vỡ ra và chảy dịch, đóng vảy, gây ngứa ngáy khó chịu khiến trẻ bỏ ăn, quấy khóc và để lại sẹo xấu sau này.

 

Da trẻ bị lác sữa nổi mảng đỏ, bong tróc và chảy dịch.

2. Nguyên nhân khiến trẻ bị lác sữa 

Khoa học ngày nay vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác khiến trẻ bị lác sữa. Có một số yếu tố được coi là khiến trẻ có nguy cơ cao mắc căn bệnh này như:

  • Yếu tố di truyền: Trẻ sinh ra có nguy cơ cao mắc bệnh nếu trong nhà có thành viên cùng huyết thống mắc bệnh chàm hoặc các bệnh liên quan đến dị ứng. Theo Thư viện Quốc gia Hoa Kỳ, nếu trẻ có cha hoặc mẹ bị dị ứng, trẻ có hơn 50% khả năng mắc bệnh. Nếu cả hai cha mẹ đều mắc căn bệnh này, trẻ có nguy cơ mắc bệnh lên đến 80%.
  • Trẻ có cơ địa mẫn cảm: Một số trẻ bẩm sinh đã dị ứng với nhiều loại thực phẩm như trứng, đậu phộng, cá, sữa bò,... hoặc mẫn cảm với sự thay đổi thời tiết, môi trường, lông động vật. Hệ thống miễn dịch ở trẻ phản ứng thái quá khi gặp các tác nhân này và tạo nên những triệu chứng bệnh trên da trẻ.

3. Trẻ bị lác sữa (chàm sữa) có tự hết không? 

Thông thường, trẻ bị lác sữa sẽ tự khỏi khi trẻ được từ 2 đến 4 tuổi. Nếu qua độ tuổi này mà trẻ vẫn mắc bệnh thì khả năng bệnh đã chuyển sang chàm thể tạng, bệnh sẽ tái đi tái lại hàng năm gây ra nhiều bất tiện, bệnh có thể kéo dài đến khi trẻ trưởng thành.

Bệnh có thể tái phát và thuyên giảm, sau đó trẻ tiếp xúc với khói thuốc, thuốc lá, lông vật nuôi, khói, phấn hoa, xà phòng, chất tẩy rửa hoặc len… sẽ lại tiếp tục bùng phát một đợt lác sữa mới.

4. Cách giảm ngứa ngáy giúp trẻ ngủ ngon giấc

Dù bệnh lác sữa không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng cha mẹ có thể kiểm soát bệnh và giảm ngứa ngáy giúp trẻ ngủ ngon. Các biện pháp được áp dụng để trẻ giảm tình trạng ngứa ngáy bao gồm:

  • Tránh xa các tác nhân gây bệnh: Các tác nhân gây bệnh có mặt ở khắp mọi nơi và có thể khiến bệnh lác sữa bùng phát trên trẻ. Để có thể xác định chính xác trẻ dị ứng với những gì, cha mẹ có thể thực hiện xét nghiệm dị ứng cho con để xác định nguyên nhân gây bệnh, giúp ngăn ngừa bệnh bùng phát sau này.

Tránh tiếp xúc các tác nhân gây bệnh có thể ngăn chặn bệnh lác sữa bùng phát và giảm các triệu chứng ngứa ngáy.

  • Chăm sóc da hàng ngày: Giữ cho da trẻ bị lác sữa đủ ẩm có thể giúp làm giảm tình trạng ngứa ngáy dữ dội và ngăn bệnh tái phát. Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý chọn cho trẻ những sản phẩm kem dưỡng không chứa hương liệu và phù hợp với làn da non nớt của trẻ. Thời điểm giúp kem phát huy tác dụng nhất là khi trẻ vừa tắm xong.
  • Sử dụng kem bôi theo chỉ dẫn của bác sĩ: Tùy vào mức độ bệnh của trẻ, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc bôi da phù hợp. Các loại thuốc này chứa corticoid giúp giảm tình trạng ngứa nhanh chóng. Tuy có tác dụng rõ rệt nhưng cha mẹ không được sử dụng bất kỳ loại thuốc chứa corticoid nào hơn 2 tuần vì nhiều nguy cơ biến chứng. Lạm dụng corticoid lâu ngày khiến da trẻ mỏng yếu lộ mạch máu, gây ra hội chứng cushing, suy giảm tuyến thượng thận và làm trẻ chậm phát triển.

5. Khi nào nên đưa trẻ bị lác sữa đến gặp bác sĩ

Trẻ được chẩn đoán mắc lác sữa có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn các độ tuổi khác do hàng rào bảo vệ da trẻ còn rất yếu và chưa hoạt động hiệu quả. Trẻ có thể gãi khi ngứa khiến da trầy xước và làm vi khuẩn, virus nhanh chóng xâm nhập qua vết thương vào bên trong cơ thể gây ra nhiều bệnh lý và biến chứng nguy hiểm.

Cha mẹ nên đưa con đi khám ngay khi có những dấu hiệu da bị nhiễm trùng như:

  • Da trẻ nổi mụn nước đỏ hoặc vỡ thành các vết loét chảy dịch.
  • Xung quanh vết loét đóng vảy màu vàng.
  • Da trẻ sưng đỏ hoặc tím, trẻ quấy khóc khi mẹ chạm vào da.
  • Trẻ sốt trên 38 độ C với trẻ từ 0-6 tháng, trên 38,5 độ C với trẻ trên 6 tháng tuổi.

Khi trẻ bị lác sữa có dấu hiệu nhiễm trùng, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị sớm.

Hy vọng bài viết trên đã giúp cha mẹ biết trẻ bị lác sữa có tự hết không cũng như cách giảm ngứa ngáy giúp trẻ ngủ ngon giấc. Để đưa ra phác đồ điều trị giảm nhẹ triệu chứng phù hợp nhất cho trẻ bị lác sữa, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám, không nên tự ý mua thuốc hoặc sử dụng các loại lá tắm dân gian vì có thể khiến bệnh trở nặng thêm.

Để được khám chữa bệnh ưu tiên cho trẻ tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, cha mẹ có thể đặt lịch trực tiếp trên ứng dụng My Medlatec, qua đường link TẠI ĐÂY  hoặc liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn nhanh nhất.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.