Các tin tức tại MEDlatec

Triệu chứng bệnh Chlamydia là gì? Bệnh này có lây không?

Ngày 01/01/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân

Triệu chứng bệnh Chlamydia là gì? Bệnh này có lây không?

Bệnh Chlamydia là một bệnh lý có khả năng lây nhiễm từ người bệnh sang người lành qua đường tình dục. Căn bệnh này nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì nó sẽ dẫn đến những biến chứng khiến khả năng sinh sản của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết các triệu chứng bệnh Chlamydia và cách để phòng ngừa, điều trị căn bệnh này.

1. Giới thiệu chung về bệnh Chlamydia

Bệnh Chlamydia là một bệnh có khả năng lây truyền qua quan hệ tình dục, do vi khuẩn có tên khoa học là Chlamydia Trachomatis (CT) gây ra. Đây là một chủng vi khuẩn đặc biệt, tương tự siêu vi (virus), chúng ký sinh ở trong những tế bào sống, chúng có hình cầu, do gen di truyền nên kích thước của CT được cho là nằm trong khoảng trung gian giữa virus và vi khuẩn.

Chlamydia có tốc độ nhân đôi rất nhanh. Chỉ trong khoảng 48 - 72 giờ nó đã có thể nhân đôi số lượng ban đầu. Khi đó, chúng sẽ gây bệnh cho cơ quan bị lây nhiễm khiến niêm mạc của cơ quan này bị tổn thương.

Dưới đây là 3 biến thể của Chlamydia:

● Chlamydia trachomatis: nguyên nhân dẫn tới tình trạng đau mắt hột và các bệnh lý có khả năng lây qua đường sinh dục, là nguyên nhân thường gặp nhất và có thể điều trị khỏi trong các bệnh lây truyền qua đường sinh dục.

● Chlamydia pneumoniae: gây ra những bệnh lý ở đường hô hấp.

● Chlamydia psittaci: xuất hiện nhiều ở loài chim và đây là tác nhân khiến bệnh sốt vẹt lây nhiễm sang người.

Bệnh Chlamydia gây ra bởi loại vi khuẩn có tên là Chlamydia Trachomatis (CT)

Theo báo cáo của CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ) thì chỉ trong năm 2018 đã có khoảng 4 triệu ca mắc bệnh Chlamydia trachomatis tại quốc gia này. Nhóm đối tượng có tỷ lệ bị bệnh cao nhất là phụ nữ từ 15 - 24 tuổi.

So với bệnh lậu hay giang mai thì bệnh Chlamydia trachomatis có tỷ lệ mắc cao hơn rất nhiều lần trên toàn thế giới, mặc dù cả 3 bệnh lý này đều là trong nhóm bệnh lây qua đường tình dục. Không chỉ xuất hiện ở nữ giới, cả nam giới cũng có thể bị bệnh. Vị trí xuất hiện các tổn thương do Chlamydia  trachomatis ở nam giới thường là hậu môn, dương vật, cổ họng. Còn ở phụ nữ thì là hậu môn, âm đạo, tử cung, cổ họng, mắt.

Vi khuẩn CT có thể tồn tại trong môi trường niệu đạo, dịch tiết âm đạo và cổ tử cung. Trong trường hợp mẹ bầu bị mắc bệnh Chlamydia thì cũng có khả năng lây cho thai nhi trong quá trình sinh nở và khi cho con bú. Ngoài ra, bất kể hình thức quan hệ tình dục là gì (âm đạo, hậu môn hay bằng miệng) đều có thể khiến Chlamydia trachomatis lây truyền cho bạn tình. Một người càng có nhiều “đối tác”, quan hệ tình dục kém an toàn, tham gia vào những mối quan hệ như “Friend with benefit” (FWB), tình một đêm (ONS), làm tình với nhiều người cùng lúc (some) thì nguy cơ mắc bệnh sẽ càng cao.

2. Triệu chứng bệnh Chlamydia cần hết sức lưu ý

Đa số trường hợp nhiễm CT không được phát hiện vì 75% phụ nữ và 50% nam giới không có triệu chứng lâm sàng, bệnh nhân thường sẽ không cảm nhận được các triệu chứng một cách rõ rệt. Thêm vào đó, có nhiều trường hợp thường không để ý hoặc phớt lờ các dấu hiệu bất thường của cơ thể nên người bệnh mới không ý thức được rằng cơ thể mình đang mang mầm bệnh.

Một số triệu chứng nghi ngờ bệnh Chlamydia mà bệnh nhân không được bỏ qua:

● Mắt: đau, đỏ và dễ bị nhiễm trùng.

● Hậu môn: tiết dịch, cảm giác khó chịu.

● Họng: ít khi bộc lộ triệu chứng.

Sau khoảng 1 - 3 tuần kể từ khi nhiễm bệnh, các dấu hiệu nêu trên sẽ bắt đầu xuất hiện. Triệu chứng bệnh Chlamydia sẽ có sự khác nhau giữa nam và nữ, cụ thể:

Ở nam giới:

● Cảm thấy đau buốt mỗi khi đi tiểu.

● Đau tinh hoàn.

● Lỗ sáo dương vật tiết ra chất dịch màu trắng đục và có mùi khó chịu.

● Ngứa ngáy, nóng rát ở vùng đầu dương vật.

● Rối loạn xuất tinh, tinh dịch có lẫn máu, thấy đau khi xuất tinh.

● Sưng đau ở 1, thậm chí là cả 2 bên tinh hoàn.

Ở nữ giới:

● Vùng kín chảy máu.

● Viêm cổ tử cung.

● Dịch tiết âm đạo ra bất thường, có mùi hôi.

● Đau khi giao hợp.

● Đau rát khi đi tiểu, ngứa ngáy vùng kín dữ dội.

● Buồn nôn, sốt, đau bụng.

● Đau ở cả bụng trên và bụng dưới.

Bệnh Chlamydia có thể bị lây truyền qua con đường quan hệ tình dục không an toàn

3. Làm thế nào để điều trị và phòng ngừa bệnh Chlamydia?

Vì căn bệnh này là do vi khuẩn gây ra nên cách tốt nhất để điều trị đó là dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên việc sử dụng kháng sinh cần phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ và bệnh  nhân phải đi khám, xét nghiệm để được chẩn đoán xác định tình trạng bệnh. Trung bình sẽ mất khoảng 5 - 10 ngày điều trị, có trường hợp là 2 tuần. Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh không được quan hệ tình dục vì điều này làm tăng nguy cơ lây bệnh cho “đối tác”, bạn tình.

Khi các dấu hiệu đã có xu hướng thuyên giảm, người bệnh cũng không được tự ý ngưng sử dụng thuốc mà phải tuân thủ hết liệu trình theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh nguy cơ kháng thuốc hoặc tái phát bệnh về sau.

Ngoài ra, để đảm bảo hiệu quả điều trị và phòng ngừa bệnh tái phát, người bệnh nên:

● Thông tin cho bạn tình về tình trạng nhiễm Chlamydia của mình để bạn tình cũng chủ động thăm khám, điều trị nếu không may mắc phải.

● Dùng dung dịch vệ sinh vùng kín trong thời điểm trước và cả ngay sau khi phát sinh quan hệ tình dục.

● Sử dụng các biện pháp an toàn khi giao hợp, ví dụ như bao cao su khi quan hệ qua đường âm đạo và hậu môn.

● Có lối sống tình dục lành mạnh, không hẹn hò theo kiểu FWB, ONS, SOME, mại dâm,...

● Không dùng chung các vật dụng như đồ chơi tình dục (sex toys) với người khác. Nên đeo bao cao su cho chúng khi sử dụng và vệ sinh sạch sẽ sau khi dùng.

● Đi khám sức khỏe sinh sản trung bình 1 - 2 lần/năm để sớm phát hiện ra những bệnh lý tình dục tiềm ẩn.

Bệnh nhân bị bệnh Chlamydia thường có biểu hiện đau rát khi đi tiểu

Đặc biệt cần lưu ý rằng, nếu cơ thể của bạn xuất hiện bất kỳ triệu chứng bệnh Chlamydia nêu trên hoặc nếu bạn tình bị nhiễm Chlamydia thì nên đi khám ngay. Việc tìm hiểu thông tin về bệnh lý này không những giúp bảo vệ bản thân trước nguy cơ mắc bệnh mà còn giúp ngăn ngừa sự lây lan nguy hiểm cho những người xung quanh.

Nếu bạn đang tìm hiểu một địa chỉ thăm khám uy tín, chất lượng thì hãy tham khảo ngay Hệ thống Y tế MEDLATEC. Đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng hệ thống máy móc hiện đại tại MEDLATEC sẽ giúp tư vấn và đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất cho bạn. Để được tư vấn chi tiết hơn, mời quý bạn đọc liên hệ ngay qua hotline 1900565656.

BS Vân đã duyệt

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.