Các tin tức tại MEDlatec
Vì sao bé nổi rôm sảy vào mùa hè? Cách điều trị bệnh như thế nào?
- 01/10/2020 | Cha mẹ nên biết - nguyên nhân khiến trẻ bị rôm sảy và cách xử trí
- 11/05/2020 | Trị rôm sảy ở trẻ em hiệu quả, an toàn mẹ không nên bỏ qua
1. Vì sao bé nổi rôm sảy vào mùa hè?
Các tuyến mồ hôi tắc nghẽn gây ứ đọng mồ hôi gây ra tình trạng viêm da và xuất hiện những mụn nhỏ màu đỏ hồng trên da được gọi là bệnh rôm sảy. Đây là bệnh ngoài da phổ biến có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Trong đó, mùa hè là thời điểm bé nổi rôm sảy nhiều nhất với những lý do dưới đây:
- Cơ thể trẻ trong đó có các tuyến mồ hôi chưa được phát triển toàn diện nên khi gặp điều kiện thời tiết nóng ẩm của mùa hè, các tuyến mồ hôi này chưa thể bài tiết hết mồ hôi ra ngoài, dẫn đến ứ đọng mồ hôi, gây bít tắc tuyến mồ hôi. Từ đó, dẫn tới tình trạng rôm sảy.
Trẻ vận động nhiều vào mùa hè dễ gây tăng tiết mồ hôi và nổi rôm sảy
- Vào mùa hè, nếu cha mẹ cho con mặc những bộ quần áo có chất liệu không thấm hút mồ hôi hoặc mặc tã quá chật và thường xuyên cũng là nguyên nhân phổ biến gây tắc nghẽn tuyến mồ hôi và khiến bé nổi rôm sảy.
- Mùa hè cũng là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn phát triển mạnh. Một số loại vi khuẩn thường trú ngoài da và bài tiết chất nhờn sẽ khiến cho các tuyến mồ hôi của cơ thể trẻ bị bít tắc và gây ra tình trạng rôm sảy.
- Nếu trẻ vận động quá nhiều trong thời tiết mùa hè oi nóng, cơ thể sẽ có xu hướng tăng tiết mồ hôi để giải nhiệt và làm tăng nguy cơ bị rôm sảy.
Phần lớn những trường hợp bé nổi rôm sảy do thời tiết nắng nóng thường không đáng lo ngại. Khi thời tiết mát mẻ hơn, những nốt mụn đỏ này có thể tự lặn và không gây hại cho sức khỏe của bé. Nhưng điều đó không có nghĩa là phụ huynh được chủ quan bởi rất nhiều trường hợp bị rôm sảy nhưng không được chăm sóc đúng cách có thể dẫn tới nhiễm trùng.
2. Những triệu chứng thường gặp khi bé nổi rôm sảy
Bệnh rôm sảy ở trẻ em thường được chia làm các dạng như sau:
- Rôm dạng tinh thể: Dạng rôm sảy này được đánh giá là loại rôm sảy nhẹ nhất và chỉ gây ảnh hưởng đến ống tuyến trên cùng của da. Bệnh thường gặp ở những trẻ chậm phát triển tuyến mồ hôi. Trẻ bị rôm dạng tinh thể có biểu hiện sốt cao, khi khỏi bệnh xuất hiện những mảng da bị bong tróc, không có triệu chứng viêm ngứa hoặc sưng đau.
- Rôm đỏ: Đây là loại rôm sảy hay xuất hiện vào thời điểm thời tiết nóng ẩm. Rôm đỏ ăn sâu trong da, gây ra những nốt mụn đỏ trên da, tạo ra những cơn ngứa da vô cùng khó chịu.
- Rôm sâu: Khi tình trạng rôm sảy đỏ không được điều trị triệt để, bệnh có thể kéo dài và gây ra tình trạng rôm sâu, gây tổn hại nặng đến các tuyến mồ hôi và tổn thương ở lớp sâu nhất của da. Tuy nhiên, rôm sâu là dạng rôm sảy ít gặp nhất.
Nổi rôm sảy là bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ em
Một số triệu chứng thường gặp khi bé nổi rôm sảy:
- Trên da của bé xuất hiện những nốt mụn đỏ li ti, thường mọc thành đám.
- Những cơn ngứa xảy ra khiến trẻ bứt rứt, khó chịu và hay quấy khóc.
- Khi không chịu được ngứa, trẻ hay gãi khiến da bị trầy xước và có nguy cơ nhiễm khuẩn, gây mụn mủ hoặc nhọt trên da.
- Vị trí thường nổi rôm sảy là những vùng da có nhiều tuyến mồ hôi như vùng da trán, cổ, vai, ngực, lưng hoặc một số vùng như kẽ nách, háng.
3. Mẹ phải làm sao khi bé nổi rôm sảy?
Phần lớn những trường hợp bé nổi rôm sảy có thể được chăm sóc tại nhà và sẽ khỏi bệnh sau khoảng vài ngày. Trong quá trình chăm sóc con, cha mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:
- Nên để trẻ nghỉ ngơi và vui chơi trong không gian thoáng đãng, mặc quần áo mỏng, rộng rãi có chất liệu thấm hút mồ hôi.
- Hạn chế để trẻ vận động nhiều, dùng quạt thông khí, máy điều hòa,… để tăng tiết mồ hôi cho trẻ.
Tắm rửa cho trẻ để lỗ chân lông được thông thoáng
- Mẹ nên tắm rửa cho con thường xuyên để cơ thể của trẻ luôn đảm bảo làn da của trẻ sạch sẽ, mát mẻ để lỗ chân lông được thông thoáng.
- Khi trẻ đang bị đổ nhiều mồ hôi, không nên xoa phấn rôm cho trẻ vì lúc này, phấn rôm có thể khiến lỗ chân lông của trẻ dễ bị bít tắc nhiều hơn.
- Mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là nên bổ sung những loại nước có nhiều vitamin C, đồng thời cần hạn chế uống nước nhiều đường.
- Nên cắt móng tay cho bé để tránh hiện tượng gãi ngứa làm trầy xước các nốt rôm sảy và gây bội nhiễm da.
- Không tự ý dùng thuốc trị rôm sảy cho trẻ để tránh làm bệnh thêm nghiêm trọng và tránh các biến chứng nguy hiểm, cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.
- Khi tắm cho trẻ không vắt chanh vào nước tắm vì axit trong chanh sẽ khiến những tổn thương trên da ngày càng nghiêm trọng hơn.
Không nên xoa phấn rôm cho trẻ khi trẻ đang bị đổ nhiều mồ hôi
- Không dùng sữa tắm có chất tẩy mạnh và không tự ý dùng nước lá để tắm cho trẻ khi chưa tham khảo ý kiến chuyên gia.
Cha mẹ không nên chủ quan mà cần đưa con đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa nếu triệu chứng rôm sảy kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng hơn. Cụ thể là:
- Nốt rôm sảy bị vỡ và có hiện tượng chảy mủ.
- Xung quanh vùng da bị rôm sảy có hiện tượng sưng đỏ và đau.
- Trẻ có biểu hiện ớn lạnh và sốt.
- Sưng hạch bạch huyết tại vùng nách, cổ hay háng của trẻ.
Hi vọng với những thông tin trên đây, các bậc phụ huynh đã hiểu hơn vì sao bé nổi rôm sảy vào mùa hè và cách điều trị bệnh hiệu quả. Nếu cần tìm hiểu thêm về căn bệnh này hoặc muốn đặt lịch khám sớm cho trẻ, các bậc phụ huynh có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56, các bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC sẽ tư vấn chi tiết hơn cho bạn.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!