Các tin tức tại MEDlatec

Xét nghiệm Covid là xét nghiệm gì, phân loại và cách đọc kết quả

Ngày 01/10/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Có lẽ định nghĩa “xét nghiệm Covid là xét nghiệm gì?” không còn quá xa lạ với chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về loại xét nghiệm phù hợp với từng đối tượng và chính bản thân thì bạn đừng bỏ qua bài viết dưới đây.

1. Xét nghiệm Covid là xét nghiệm gì?

Đại dịch Covid-19 bùng nổ từ cuối năm 2019 đến nay đã tước đi sinh mạng của nhiều người, tại nhiều quốc gia trên thế giới. Với tốc độ lây lan nhanh chóng khiến cho việc kiểm soát dịch bệnh càng trở nên khó khăn.

Chính vì lý do đó mà các xét nghiệm Covid ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Vậy những xét nghiệm Covid là xét nghiệm gì? Chúng được thực hiện như thế nào?

Xét nghiệm Covid là những xét nghiệm phát hiện sự tồn tại của virus SARS-CoV-2 có trong cơ thể; hoặc xác định tình trạng đang nhiễm bệnh, đã nhiễm bệnh trước đây. Các xét nghiệm được thực hiện từ việc lấy một số mẫu bệnh phẩm từ dịch hầu họng hoặc máu tương ứng với các xét nghiệm kháng nguyên, xét nghiệm RT-PCR và xét nghiệm kháng thể.

Lấy mẫu dịch tỵ hầu xét nghiệm Covid để sàng lọc và chẩn đoán tình hình dịch bệnh

2. Phân loại xét nghiệm Covid

Hiện nay có 3 loại xét nghiệm được sử dụng nhiều nhất đó là test nhanh kháng nguyên, test nhanh kháng thể và xét nghiệm RT-PCR. Để lựa chọn đúng phương pháp xét nghiệm, bên cạnh việc hiểu rõ những xét nghiệm Covid là xét nghiệm gì, bạn cần phải xác định được mục đích, nhu cầu của bản thân khi xét nghiệm, cũng như bạn có thuộc những đối tượng nên thực hiện xét nghiệm hay không.

Xét nghiệm để biết tình trạng hiện tại có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 không

Đây sẽ là những xét nghiệm được dùng để sàng lọc và chẩn đoán tình trạng nhiễm virus cho những đối tượng liên quan đến dịch bệnh Covid. Hai loại xét nghiệm được sử dụng để phát hiện đối tượng nhiễm virus SARS-CoV-2:

Test nhanh bằng xét nghiệm kháng nguyên

Dễ dàng và thời gian thực hiện nhanh, có thể lấy mẫu ở bất kỳ đâu chỉ cần đáp ứng đủ các tiêu chí an toàn cho người xét nghiệm, cho kết quả nhanh chóng và chi phí thấp nên phương pháp này được ưu tiên áp dụng cho việc sàng lọc bệnh nhân.

Phương pháp thường được áp dụng cho một số đối tượng sau đây:

  • Đối tượng từng tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc phải virus SARS-CoV-2.

  • Người đi từ vùng dịch trở về hoặc người đang sống trong khu có ca nhiễm mới phát hiện theo thông báo từ Bộ y tế.

  • Đối tượng thường xuyên làm việc tại môi trường dễ lây nhiễm như: nhân viên y tế, nhân viên dịch tễ, người giao hàng, tái xế.

  • Người đến khám bệnh và cần thực hiện một số thủ thuật phẫu thuật tại bệnh viện.

Tuy nhiên phương pháp này vẫn còn một số điểm hạn chế so với xét nghiệm RT-PCR. Do đó, hầu hết mọi người sau khi thực hiện test nhanh bằng xét nghiệm kháng nguyên cho kết quả dương tính đều thực hiện thêm xét nghiệm RT-PCR để khẳng định kết quả chính xác hơn.

Xét nghiệm RT-PCR là xét nghiệm gì?

Xét nghiệm RT-PCR hay còn gọi là xét nghiệm phân tử. Các mẫu bệnh phẩm từ dịch mũi hoặc nước bọt của đối tượng cần xét nghiệm được phân lập để phát hiện vật chất di truyền của virus SARS-CoV-2 nếu có.

Phương pháp này phức tạp hơn so với test nhanh kháng nguyên, quá trình thực hiện yêu cầu kỹ thuật cao hơn, chỉ thực hiện được tại phòng thí nghiệm, chi phí cũng cao hơn. Do đó, độ chính xác của loại xét nghiệm này rất đáng tin cậy. Đây được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong việc chẩn đoán tình hình bệnh hiện tại của đối tượng xét nghiệm.

Những đối tượng được thường sử dụng test nhanh Covid bằng xét nghiệm kháng nguyên vẫn có thể sử dụng thêm phương pháp này để đảm bảo được tính chính xác cao. Bên cạnh đó, phương pháp này còn được áp dụng với một số đối tượng như:

  • Người nhập cảnh từ nước ngoài trở về.

  • Người tiếp xúc trực tiếp với F0 và có kết quả dương tính khi kiểm tra bằng test nhanh kháng nguyên.

  • Người cần giấy phép thông hành để xuất ngoại hoặc hỗ trợ cho công việc.

  • Bệnh nhân trong quá trình điều trị Covid-19.

  • Xét nghiệm theo yêu cầu của bác sĩ/cán bộ, cơ quan y tế.

Xét nghiệm Covid là xét nghiệm dùng mẫu bệnh phẩm từ dịch hầu, họng hoặc dịch mũi để tìm kiếm sự hiện diện của virus gây bệnh

Xét nghiệm kháng thể

Xét nghiệm kháng thể là phương pháp xét nghiệm máu hay còn gọi là xét nghiệm huyết thanh học. Phương pháp xét nghiệm này thường được dùng để kiểm tra sự tồn tại của các kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.

Khi nhiễm phải virus gây bệnh Covid-19 hoặc được tiêm phòng vắc xin Covid-19, cơ thể sẽ bắt đầu xuất hiện phản ứng miễn dịch tạo ra các kháng thể nhằm chống lại virus gây bệnh. Tuy nhiên, phải mất từ 1 đến 3 tuần thì cơ thể mới sản xuất đủ lượng kháng thể để các xét nghiệm nhận diện được.

Chính vì lý do đó, phương pháp này chỉ mang tính chất khách quan và chỉ nên dùng với một số trường hợp như:

  • Xét nghiệm cho bệnh nhân đã mắc Covid-19 và có bệnh nền, bệnh phức tạp và khó chẩn đoán.

  • Sử dụng để tìm hiểu về cách virus đã lây lan như thế nào trong cộng đồng.

  • Dùng cho mục đích nghiên cứu.

Xét nghiệm kháng thể một trong những loại xét nghiệm nên biết khi tìm hiểu xét nghiệm Covid là xét nghiệm gì

3. Sau xét nghiệm kết quả dương tính thì phải làm sao?

Sau khi hiểu được những loại xét nghiệm Covid là xét nghiệm gì thì việc nắm bắt những việc cần làm khi nhận được kết quả cũng rất quan trọng.

Nếu kết quả dương tính

Điều đầu tiên là bạn cần phải thật bình tĩnh, không quá lo sợ khi biết mình mắc phải virus SARS-CoV-2. Sau đó:

  • Trước tiên, cần liên hệ đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn.

  • Nếu được yêu cầu cách ly tại nhà, cần thực hiện tốt các biện pháp cách ly và tuân theo chỉ dẫn điều trị của bác sĩ.

  • Thông báo cho mọi người đã tiếp xúc với bạn về tình trạng bệnh của mình. Hướng dẫn họ tiến hành nhanh công tác kiểm dịch nếu có thể.

  • Giữ tinh thần lạc quan, bởi việc lo lắng có thể làm cơ thể mệt mỏi thêm và giảm sức đề kháng. Chăm chỉ luyện tập thể thao hoặc các bài tập nhẹ ngay cả khi bạn cảm thấy cơ thể đang mỏi. Không nên nằm quá nhiều tại chỗ. Đảm bảo được chế độ dinh dưỡng cần thiết để tăng đề kháng cho cơ thể.

Với những xét nghiệm sàng lọc, xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên, cho kết quả dương tính, bạn vẫn phải thực hiện cách ly đúng theo quy định cho đến khi được xét nghiệm lần hai bằng xét nghiệm RT-PCR.

Nếu kết quả xét nghiệm là âm tính

Có nghĩa là trong quá trình xét nghiệm không tìm thấy virus trong mẫu bệnh phẩm tại thời điểm lấy mẫu. Và có thể bạn không hề nhiễm virus.

Tuy nhiên, đối với một số trường hợp người lấy mẫu có những triệu chứng giống như người mắc Covid nhưng kết quả xét nghiệm lại âm tính:

  • Kết quả âm tính từ xét nghiệm PCR: bạn nên ở nhà theo sự tư vấn của bác sĩ và dùng thuốc hạ sốt cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm.

  • Kết quả âm tính từ xét nghiệm kháng nguyên: Thực hiện thêm xét nghiệm RT-PCR để xác định kết quả một cách chắc chắn hơn. Vẫn thực hiện các biện pháp cách ly an toàn và cẩn thận như những trường hợp mắc bệnh cho đến khi nhận kết quả mới.

Giữ bình tĩnh và tinh thần lạc quan khi nhận kết quả test Covid là chúng ta đã một phần đánh bại được virus gây bệnh

Hiểu được xét nghiệm Covid là xét nghiệm gì, chọn lựa được phương pháp xét nghiệm phù hợp chưa phải là cách tốt nhất để phòng bệnh an toàn và ngăn cản virus lây lan phát triển. Mỗi chúng ta cần phải nghiêm túc hơn trong việc thực hiện thông điệp 5T (tuân thủ nghiêm quy tắc 5K - thực phẩm đủ tại nhà - thầy thuốc đến tận gia - test Covid tất cả - tiêm chủng tại xã/phường) do Bộ Y tế đưa ra. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng khẩu phần ăn đầy đủ dưỡng chất, tập luyện thể thao để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể chống lại virus gây bệnh.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.