Tin tức

Tiêu chảy mạn tính là gì? Biện pháp điều trị bệnh lý

Ngày 10/07/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Tiêu chảy mạn tính ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và sức khỏe của người bệnh. Khi không được điều trị, người bệnh sẽ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, việc nắm rõ các biểu hiện, triệu chứng của bệnh lý sẽ giúp bạn biết cách phòng ngừa và điều trị tốt hơn. Dưới đây là một số thông tin về bệnh tiêu chảy kéo dài bạn đọc có thể tham khảo.

1. Tiêu chảy mạn tính là gì?

Đây là tình trạng bệnh nhân đi ngoài ra phân lỏng với tần suất trên 3 lần/ngày liên tục từ 4 tuần trở lên. Bệnh tiêu chảy mạn tính không quá phổ biến, thế nhưng khi mắc phải tình trạng này bệnh nhân thường gặp phải những hậu quả khá nguy hiểm đối với sức khỏe. Nhiều trường hợp còn bị đe dọa đến tính mạng. Theo số liệu thống kê thực tế, ước tính có khoảng 1 - 4% tỷ lệ bệnh nhân trưởng thành bị tiêu chảy mạn tính. 

Tiêu chảy mạn tính thường kéo dài từ 4 tuần trở lên

Tiêu chảy mạn tính thường kéo dài từ 4 tuần trở lên

2. Nguyên nhân gây nên tình trạng tiêu chảy mạn tính

Tình trạng tiêu chảy mạn tính xuất hiện có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như:

2.1. Do ăn uống

  • Sử dụng quá nhiều rượu bia hoặc đồ uống có chứa caffeine: Một lượng lớn rượu bia hoặc caffeine được đưa vào cơ thể có thể khiến bạn đi ngoài ra phân lỏng với tần suất nhiều lần trong ngày. Khi bạn ngưng tiêu thụ những chất trên thì tình trạng này sẽ thuyên giảm từ từ. 
  • Đường và các chất tạo ngọt khác cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị tiêu chảy. Một số chất như sorbitol, mannitol hay fructose có ở trong những loại bánh kẹo, sữa hay nước ngọt đều có thể khiến bạn đi ngoài ra phân lỏng. 

2.2. Do dị ứng

Những bệnh nhân bị Celiac thường rất nhạy cảm với Gluten. Đây là một thành phần chính có trong bột mì có thể khiến bạn bị tiêu chảy và sụt cân nhanh chóng. Khi cơ thể không dung nạp được Lactose sẽ khiến bệnh nhân bị tiêu chảy khi ăn phải sữa hoặc các chế phẩm được làm từ sữa.

2.3. Do sử dụng thuốc

Tình trạng tiêu chảy mạn tính đôi khi cũng là tác dụng phụ do việc sử dụng một vài loại thuốc gây nên, ví dụ:

Tiêu chảy có thể là tác dụng phụ khi sử dụng một vài loại thuốc

Tiêu chảy có thể là tác dụng phụ khi sử dụng một vài loại thuốc

  • Nhóm thuốc kháng sinh gồm: cefpodoxime, amoxicillin hay ampicillin,…
  • Một vài loại thuốc chống trầm cảm.
  • Những dòng thuốc kháng acid có thành phần magie.
  • Thuốc nhuận tràng và các loại thuốc có chất làm mềm phân.
  • Nhóm thuốc có tác dụng ức chế bơm proton điển hình như omeprazole, lansoprazole,…
  • Các loại hóa chất được sử dụng trong điều trị ung thư.
  • Một vài loại thảo dược tự nhiên có tác dụng nhuận tràng.

2.4. Do nhiễm trùng

Việc nhiễm các loại vi trùng hoặc ký sinh trùng ở đường ruột có thể khiến bệnh nhân bị tiêu chảy trong thời gian dài. Một vài loại có thể kể đến như lỵ trực khuẩn, các loại lỵ amip,... Lúc này, việc xét nghiệm phân là điều thực sự cần thiết nhằm phát hiện bệnh lý và chẩn đoán tình trạng nhiễm ký sinh trùng. 

2.5. Do viêm ruột (IBD)

Trong đó, hai loại phổ biến nhất được kể đến là Crohn và tình trạng viêm loét đại tràng. Bên cạnh chứng rối loạn tiêu hóa, người bệnh có thể xuất hiện thêm những triệu chứng khác như cơ thể mệt mỏi, bị sốt cao, buồn nôn, bị đau bụng hoặc đi ngoài ra phân máu. 

2.6. Những nguyên nhân khác

Một số nguyên nhân khác có thể gây nên tình trạng bị tiêu chảy mạn tính ở nhiều người như:

Tiêu chảy xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau

Tiêu chảy xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau

  • Hội chứng ruột kích thích (IBS): Đây là tình trạng các chức năng ở ruột già bị rối loạn có thể khiến bạn bị tiêu chảy hoặc táo bón. 
  • Bị rối loạn nội tiết tố: Bệnh lý cường giáp hay đái tháo đường đều có thể gây ra một vài vấn đề liên quan đến đại tiện, trong đó có tiêu chảy. 
  • Phẫu thuật: Một vài trường hợp hậu phẫu ổ bụng hoặc ống tiêu hóa có thể bị biến chứng gây nên tình trạng tiêu chảy. 
  • Những khối u hiếm gặp có thể kể đến như carcinoid làm sản sinh ra những chất gây tiêu chảy. 

3. Tiêu chảy mạn tính ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?

Nếu tình trạng tiêu chảy mạn tính kéo dài có thể khiến sức khỏe bị gặp một vài vấn đề như:

3.1. Bị mất nước

Khi tình trạng đi phân lỏng lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khiến cơ thể bị hao hụt một lượng nước lớn. Nếu bệnh lý không được điều trị dứt điểm, tình trạng mất nước nghiêm trọng hơn sẽ khiến tính mạng của người bệnh gặp nguy hiểm. 

Một vài dấu hiệu cảnh báo cơ thể bị mất nước gồm khát nước, nước tiểu đậm màu, da khô hơn,... Khi cơ thể mất nước nghiêm trọng, bệnh nhân có thể xuất hiện một số biểu hiện rối loạn thần kinh như hôn mê, li bì,... 

Tiêu chảy kéo dài sẽ khiến cơ thể bị mất nước, mệt mỏi

Tiêu chảy kéo dài sẽ khiến cơ thể bị mất nước, mệt mỏi

3.2. Bị rối loạn điện giải

Những chất điện giải chính tồn tại ở trong cơ thể được kể đến như Na, Ka, Ca, Mg, Chloride, Phosphate và cả bicacbonat. Tiêu chảy kéo dài có thể khiến những chất điện giải này bị mất đi và khiến sức khỏe gặp phải những vấn đề nghiêm trọng như:

  • Bị suy giảm natri máu gây nên tình trạng lú lẫn, thường xuyên buồn ngủ, bị yếu cơ và bị co giật. 
  • Hạ kali máu có thể gây nên tình trạng chuột rút, bị yếu cơ, có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch và hệ thần kinh. 

3.3. Bị suy dinh dưỡng

Quá trình tiêu chảy kéo dài có thể khiến việc hấp thu các dưỡng chất của cơ thể bị ngăn cản, dẫn đến suy dinh dưỡng. Khi bệnh nhân bị suy dinh dưỡng sẽ làm cho hệ miễn dịch bị suy giảm, không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh, làm bệnh thêm nghiêm trọng. 

Người trưởng thành bị tiêu chảy mạn tính thường bị sụt cân, suy nhược cơ thể, dễ mắc phải các bệnh lý nhiễm trùng,... Trong khi đó, bệnh nhi bị mắc phải loại bệnh lý này thường còi cọc ốm yếu và khó tăng cân. 

4. Phương pháp chẩn đoán bệnh lý

Tùy vào từng trường hợp với các biểu hiện lâm sàng cũng như tiểu sử bệnh lý mà phương pháp chẩn đoán được bác sĩ chẩn đoán cũng sẽ khác nhau, cụ thể:

Phương pháp chẩn đoán sẽ được chỉ định phù hợp cho từng trường hợp

Phương pháp chẩn đoán sẽ được chỉ định phù hợp cho từng trường hợp

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ tìm hiểu các thông tin chi tiết về triệu chứng, tần suất đi ngoài cùng các dấu hiệu đi kèm khác. 
  • Xét nghiệm máu: Để xác định cơ thể có bị mất nước, thiếu hụt dưỡng chất hoặc xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng nào hay không. 
  • Xét nghiệm phân: Để kiểm tra dấu hiệu tồn tại của các vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng. Bên cạnh đó, xét nghiệm phân cũng giúp kiểm tra được tình trạng viêm nhiễm ở bên trong ruột. 
  • Chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm, chụp CT được chỉ định để kiểm tra tình trạng hiện tại của ruột cùng các cơ quan có liên quan khác. 
  • Kiểm tra chức năng của hệ tiêu hóa: Đánh giá các chức năng hoạt động của ruột thông qua khả năng hấp thu chất xơ và nước. 
  • Thăm dò chức năng hệ tiêu hóa: Nội soi được áp dụng để xác định và đánh giá tình trạng hệ tiêu hóa của người bệnh. 

5. Các biện pháp điều trị chứng tiêu chảy

Các trường hợp bị tiêu chảy mạn tính đều sẽ được điều trị dựa trên những nguyên tắc sau:

  • Điều trị triệu chứng: Thuốc cầm đi ngoài được chỉ định cho những trường hợp bị tiêu chảy nghiêm trọng nhưng phải sử dụng dưới sự giám sát của bác sĩ. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên lạm dụng thuốc thường xuyên. 
  • Điều trị nguyên nhân gây bệnh nhằm giải quyết tận gốc tình trạng này. Tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị thích hợp nhất. 
  • Điều trị biến chứng: Đa số các trường hợp bị tiêu chảy đều khiến cơ thể bị mất nước, rối loạn điện giải và nguy hiểm hơn là bị suy dinh dưỡng. Vì vậy, cơ thể cần được bù nước và điện giải nhằm phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Ngoài ra, người bệnh cũng cần có chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng để nhanh chóng phục hồi và phòng ngừa suy dinh dưỡng. 

Nhìn chung, bệnh nhân bị tiêu chảy mạn tính sẽ gặp phải nhiều biến chứng gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, nếu bạn bị tiêu chảy nhiều lần trong ngày và kéo dài liên tiếp nhiều ngày thì nên tìm đến các cơ sở y tế uy tín như chuyên khoa Tiêu hóa thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC để được các bác sĩ thăm khám và điều trị. Bệnh được phát hiện sớm và được điều trị kịp thời sẽ ngăn chặn được những ảnh hưởng nguy hiểm đối với sức khỏe. Để đặt lịch khám nhanh chóng tại MEDLATEC, Quý khách vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ