Các tin tức tại MEDlatec

Biến chứng của bệnh thủy đậu và cách phòng tránh bệnh

Ngày 01/04/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Bệnh thủy đậu dễ lây lan và rất nguy hiểm, nếu không điều trị đúng cách có thể gây tử vong. Vậy cụ thể những biến chứng của bệnh thủy đậu là gì và những ai dễ bị bệnh?

1. Biến chứng của bệnh thủy đậu

Đây là bệnh do virus varicella zoster gây ra với những triệu chứng bệnh phổ biến như phát ban, những nốt mụn nước nhỏ gây ngứa. Nếu chạm với những nốt ban này bạn có thể bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, thủy đậu còn có thể gây lây nhiễm khi hít phải giọt bắn chứa virus từ người bệnh hay do chạm vào những đồ dùng đã có chứa virus gây bệnh.

Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám nếu có biểu hiện bất thường

Các biến chứng của thủy đậu có thể kể đến như:

1.1 Nhiễm trùng da và mô mềm

Những nốt mụn nước nhỏ và gây ngứa ngáy chính là triệu chứng phổ biến của căn bệnh này. Đây cũng là lý do khiến bệnh nhân thường xuyên khó chịu và dẫn tới thói quen gãi, gây xước da và từ đó tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào vị trí tổn thương trên da và gây nhiễm trùng.

Những biểu hiện cho thấy người bệnh đã bị nhiễm trùng như sốt cao trong khoảng 3 ngày trở lên khi nhiễm bệnh, vùng tổn thương trên da rất lớn, da bị sưng tấy, bong tróc và mưng mủ,...

Ngoài ra, tình trạng những nốt thủy đậu không được xử trí đúng cách, kịp thời có thể gây sẹo, gây mất thẩm mỹ, nhất là những nốt ở mặt. Với những nốt phồng rộp ở trong tai, bệnh nhân có nguy cơ bị viêm tai ngoài hay viêm tai giữa. Trường hợp những nốt phồng rộp ở miệng hay sâu trong họng bị nhiễm trùng có thể gây viêm họng, viêm thanh quản,...

1.2. Viêm phổi

Đây là biến chứng nguy hiểm và có thể làm tăng nguy cơ tử vong ở người bệnh. Người bệnh mắc phải biến chứng này thường có biểu hiện sốt, khó thở, tức ngực, ho ra máu,... Bệnh nhân cần sử dụng các loại thuốc điều trị phù hợp và thường xuyên theo dõi sức khỏe để xử trí cấp cứu kịp thời nếu bệnh có tiến triển nặng.

1.3 Nhiễm trùng hoặc viêm não

Biến chứng này thường xảy ra ở người lớn và nếu không điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây tử vong. Dấu hiệu của biến chứng viêm não có thể kể đến như tình trạng sốt cao, buồn nôn, nôn, hôn mê, rối loạn tri giác,... Đây là biến chứng rất nguy hiểm. Ngay cả khi bảo vệ được tính mạng, bệnh nhân vẫn có nguy cơ cao phải chịu những di chứng rất nghiêm trọng hoặc phải sống thực vật.

1.4. Viêm gan

Virus thủy đậu có thể tấn công và làm tổn thương những tế bào gan và gây ra viêm gan. Do đó, người nhiễm bệnh cần được thường xuyên kiểm tra chức năng gan để có thể phát hiện sớm những bất thường và áp dụng phác đồ điều trị phù hợp.

1.5. Các vấn đề xuất huyết

Những dấu hiệu cho thấy người bệnh gặp phải biến chứng xuất huyết như có những nốt mụn nước xuất huyết rộng trên da, bầm tím trên da, xuất huyết tiêu hóa,... khiến người bệnh tử vong do mất quá nhiều máu.

Virus thủy đậu có thể gây nhiễm trùng máu

1.6. Nhiễm trùng máu

Nếu không biết cách xử trí các nốt thủy đậu, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu dẫn tới nhiễm trùng, suy nội tạng và cuối cùng khiến người bệnh tử vong.

1.7 Hội chứng Reye

Khi gặp phải biến chứng này, người bệnh thường bị sưng tấy gan và não. Những dấu hiệu của hội chứng Reye có thể kể đến như xuất hiện cơn co giật, mất ý thức,... Người bệnh cần được cấp cứu càng sớm càng tốt.

Aspirin được cho là có liên quan đến hội chứng Reye. Chính vì thế, sau khi nhiễm bệnh hoặc có những triệu chứng giống cúm thì người bệnh không nên sử dụng loại thuốc này.

1.8. Bệnh Zona thần kinh

Mặc dù, bệnh thủy đậu đã được chữa khỏi nhưng virus gây bệnh sẽ không thể được đào thải hoàn toàn ra khỏi cơ thể mà thường trú ẩn trong hạch thần kinh. Khi gặp những điều kiện thuận lợi thì virus có thể hoạt động trở lại và gây bệnh zona thần kinh.

Khi bị zona thần kinh, những nốt mụn nước có thể khiến người bệnh bị đau dữ dội, cơn đau sẽ lan dọc theo thần kinh. Khi mụn nước và những nốt ban đã lặn, bệnh nhân vẫn có thể bị đau dây thần kinh sau zona. Zona thần kinh cũng là nguyên nhân khiến người bệnh bị viêm dây thần kinh, bị khô mắt, ù tai, liệt một bên mặt, thậm chí có thể gây loét giác mạc và dẫn đến mù lòa.

Nếu xuất hiện những biểu hiện cảnh báo  biến chứng của bệnh thủy đậu như sốt cao và kéo dài, khó thở, những nốt thủy đậu chảy mủ, phát ban lan rộng ra mắt, chóng mặt, rối loạn nhịp tim, đi lại khó khăn, nôn nhiều, run rẩy, đau đầu, cổ cứng,... thì cần đưa người bệnh đi khám sớm.

2. Những đối tượng dễ mắc biến chứng của bệnh thủy đậu

Khi bị nhiễm bệnh, bất cứ đối tượng nào cũng có nguy cơ gặp biến chứng, vì thế việc điều trị kịp thời cũng như theo dõi chặt chẽ người bệnh là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, một số đối tượng có nguy cơ gặp biến chứng bệnh cao hơn những bệnh nhân khác có thể kể đến như:

- Trẻ sơ sinh: Vì hệ miễn dịch còn yếu và chưa phát triển toàn diện nên trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với virus thủy đậu, đồng thời nguy cơ biến chứng cũng cao hơn. Khi nhiễm loại virus này, trẻ có thể bị tổn thương đa cơ quan và có nguy cơ tử vong cao.

Khả năng lây truyền bệnh từ mẹ sang con là rất cao, nhất là khi mẹ nhiễm bệnh 5 ngày trước khi sinh và khoảng 2 ngày sau sinh. Nếu mẹ hoặc người chăm sóc trẻ bị bệnh thì trẻ rất dễ bị lây nhiễm bệnh.

- Thanh thiếu niên: Đây là nhóm đối tượng trong độ tuổi đi học và phải tiếp xúc với những môi trường đông người như tường học, ký túc xá,... do đó, nguy cơ nhiễm bệnh cũng cao hơn. Đáng lo ngại hơn khi thanh thiếu niên cũng là nhóm đối tượng dễ gặp biến chứng bệnh.

Mẹ bầu có nguy cơ gặp biến chứng khi nhiễm virus thủy đậu

- Phụ nữ mang thai: Khi nhiễm bệnh trong thai kỳ, virus thủy đậu có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi. Mẹ bầu có thể bị viêm phổi và những biến chứng đe dọa tính mạng. Thai nhi dễ mắc dị tật bẩm sinh, nguy cơ nhiễm trùng. Nhiều trường hợp thai phụ mắc bệnh thủy đậu bị sảy thai hoặc phải chuyển dạ sớm.

- Trường hợp có bệnh nền, hệ miễn dịch kém như người bị ung thư, người nhiễm HIV, người bị suy thận, người được ghép tạng,... cũng dễ bị bệnh và dễ gặp phải biến chứng khi nhiễm virus thủy đậu. Hơn nữa, khi bị bệnh, thời gian hồi phục sức khỏe cũng lâu hơn so với người khỏe mạnh.

Cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng thủy đậu theo hướng dẫn của Bộ Y tế

Trên đây là những biến chứng của bệnh thủy đậu và một số đối tượng dễ gặp biến chứng bệnh. Hiện nay, phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất đó là tiêm vắc xin. Do đó, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nếu có nhu cầu thăm khám hoặc tiêm vắc xin phòng bệnh, quý khách hàng có thể liên hệ ngay tới tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được tư vấn cụ thể.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.