Các tin tức tại MEDlatec
Điều trị sốt xuất huyết do virus Hanta
- 08/04/2020 | Hội chứng phổi do virus Hanta: Triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị
- 08/04/2020 | Tìm hiểu về virus Hanta và những bệnh lý liên quan
- 08/04/2020 | Tác nhân gây nên “Hội chứng phổi virus Hanta”
- 08/04/2020 | Triệu chứng của sốt xuất huyết do virus Hanta
1. Phương pháp điều trị sốt xuất huyết do virus Hanta
Các nghiên cứu về cơ chế sinh bệnh của virus Hanta còn nhiều hạn chế. Vì thế, hiện nay chưa có vacxin phòng bệnh cũng như thuốc kháng virus đặc hiệu cho các bệnh do virus Hanta gây nên, trong đó có chứng sốt xuất huyết. Các phương pháp điều trị mang tính chất hỗ trợ, điều trị triệu chứng và cấp cứu giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn nguy hiểm để hồi phục sức khỏe trở lại.
Truyền dịch để bổ sung nước và điện giải cho bệnh nhân
Điều trị sốt xuất huyết do virus Hanta:
-
Nâng cao sức đề kháng: Trong trường hợp bệnh nhân bị suy nhược cơ thể, mất nước nhiều thì cần bổ sung nước và các chất điện giải để bù lại phần bị mất. Đồng thời kết hợp bổ sung các vitamin để giúp bệnh nhân nâng cao sức đề kháng.
-
Cấp cứu trong trường hợp nguy cấp: Khi bệnh nhân bị hạ huyết áp, oxy máu giảm xuống và rơi vào tình trạng nguy kịch, cần cấp cứu bệnh nhân bằng các phương pháp hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn.
-
Khi bệnh nhân bị thiếu oxy, cần thiết phải sử dụng phương pháp oxy hóa máu màng ngoài cơ thể (ECMO). Phương pháp này giúp cung cấp thêm oxy cho bệnh nhân.
-
Dùng kháng sinh và thuốc kháng nấm để điều trị các nhiễm trùng thứ phát như bội nhiễm vi khuẩn hoặc nấm.
Sốt xuất huyết do virus Hanta là một bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong với tỷ lệ 5 - 10%. Phát hiện sớm bệnh sẽ giúp điều trị có hiệu quả và hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Cùng tìm hiểu về những triệu chứng để có thể nhận biết được bệnh qua các thời kỳ khác nhau.
2. Các triệu chứng điển hình của chứng sốt xuất huyết do virus Hanta
Thời kỳ ủ bệnh
Thường kéo dài từ 2 - 3 tuần tùy thuộc vào sức đề kháng của người bệnh. Một số nghiên cứu ghi nhận có trường hợp thời kỳ ủ bệnh có thể lên đến 8 tuần.
Thời kỳ tiền phát
Bệnh khởi phát với những triệu chứng ban đầu dễ nhầm lẫn với bệnh cúm thông thường. Các triệu chứng bao gồm: sốt, ớn lạnh, buồn nôn, mờ mắt,…
Thời kỳ toàn phát
Bệnh nhân có thể có các đốm xuất huyết dưới da, các nốt phát ban hoặc vết tụ máu. Tình trạng này xuất hiện do sự tăng tính thấm thành mạch làm máu thoái khỏi mạch gây nên hiện tượng xuất huyết.
Bước sang giai đoạn nguy kịch, bệnh nhân bị tụt huyết áp, sốc, suy thận cấp, ứ dịch trong cơ thể, chảy máu cam, xuất huyết nội tạng.
Sau đó, các triệu chứng giảm nhẹ, bệnh nhân bị bí tiểu kèm chứng tăng ure, khát nước, huyết áp tăng trở lại. Tuy nhiên có trường hợp huyết áp tăng cao, phù phổi gây nguy hiểm đến tính mạng.
Sốt là một trong những triệu chứng sớm của bệnh sốt xuất huyết Hantavirus
Thời kỳ kết thúc
Bệnh nhân xuất hiện tình trạng đa niệu và huyết áp ổn định trở lại, cơ bắp vẫn còn yếu nhưng cơ thể đang dần được hồi phục. Sau khi hồi phục, bệnh nhân dễ gặp phải các rối loạn chức năng thận, suy thận.
Một số trường hợp bệnh tiến triển nặng nếu không được can thiệp kịp thời thì bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.
3. Con đường lây truyền của virus Hanta
Virus Hanta có vật chủ tự nhiên là chuột và các động vật gặm nhấm khác. Tại đây, chúng gây nhiễm trùng thường không biểu hiện triệu chứng hoặc các triệu chứng không đáng kể. Virus tồn tại, sinh sản và được bài xuất ra bên ngoài thông qua phân, nước tiểu, nước bọt, máu và các dịch tiết.
Các con đường lây nhiễm virus Hanta
-
Lây qua không khí khi hít phải bụi chứa virus: Phân, nước tiểu và các dịch tiết của chúng bị khí dung hóa, kèm theo virus bị hòa lẫn vào trong không khí.
-
Tiếp xúc với ổ chứa virus rồi chạm tay lên mắt, mũi, miệng. Các ổ chứa virus thường là phân, nước tiểu, nước bọt,… của động vật nhiễm bệnh
-
Lây qua vết cắn của chuột hoặc các động vật gặm nhấm nhiễm bệnh.
-
Một số rất ít trường hợp ghi nhận virus có thể lây từ người sang người khi người bệnh ho, hắt hơi.
4. Khi nào cần làm các xét nghiệm chẩn đoán virus Hanta?
Xét nghiệm chẩn đoán Hantavirus là một việc cần thiết để xác định một người có bị nhiễm virus này hay không. Các trường hợp nên xét nghiệm bao gồm:
-
Có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm virus Hanta: sốt, ớn lạnh, xuất huyết, hạ huyết áp, vô niệu,…
-
Bị chuột cắn hoặc tiếp xúc với phân, chất thải của chuột và có triệu chứng sau 7 - 14 ngày.
Trong bối cảnh dịch covid - 19 đang diễn biến phức tạp, khi có các triệu chứng sốt, ho, khó thở thì mọi người thường nghĩ ngay đến covid - 19. Tuy nhiên Hantavirus còn gây thêm một hội chứng khác có tên “Hội chứng phổi do virus Hanta” có triệu chứng ban đầu giống với covid - 19. Vì thế, khi có các biểu hiện nêu trên, cần đi làm xét nghiệm ngay để xác định bệnh và giảm bớt mối lo.
Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán Hantavirus: nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, xét nghiệm gen (PCR) và các xét nghiệm miễn dịch.
Người bị chuột cắn có các dấu hiệu sớm của bệnh cần làm xét nghiệm chẩn đoán virus Hanta
5. Phòng ngừa bệnh do Hantavirus
Để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết cùng những bệnh khác do Hantavirus gây ra, cần phải:
-
Giữ gìn vệ sinh nhà ở và không gian xung quanh. Tránh chuột làm tổ, sinh sản nhiều.
-
Diệt chuột bằng nhiều biện pháp, phòng ngừa chuột vào khu nhà ở.
-
Giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sau khi tiếp xúc với các vật dụng bẩn.
-
Người nuôi chuột cảnh hoặc chuột thí nghiệm cần đảm bảo các khâu an toàn, tránh bị lây nhiễm qua phân, nước tiểu chuột.
-
Hạn chế tiếp xúc với chuột, đặc biệt là phân, nước tiểu và các chất thải của chúng.
Bệnh sốt xuất huyết do virus Hanta thường diễn biến phức tạp, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh. Hiện chưa có vacxin phòng bệnh cho người nên cần nâng cao ý thức phòng bệnh trong cuộc sống hằng ngày. Nếu có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm Hantavirus, cần gặp bác sĩ ngay để được điều trị và tránh lây nhiễm cho những người xung quanh.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!