Các tin tức tại MEDlatec
Trào ngược họng thanh quản là bệnh gì, có nguy hiểm hay không?
Mọi điều về bệnh trào ngược họng thanh quản
Trào ngược họng thanh quản là bệnh lý diễn tiến âm thầm, triệu chứng giống với nhiều bệnh đường hô hấp trên nên dễ gây nhầm lẫn. Khi mắc bệnh, axit từ dạ dày sẽ đi qua thực quản nên bệnh càng kéo dài thì thanh quản và hạ họng càng bị tổn thương và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
1. Nguyên nhân và dấu hiệu bệnh trào ngược họng thanh quản
1.1. Nguyên nhân gây nên trào ngược họng thanh quản
Cơ vòng thực quản trên hình chữ C đảm nhận vai trò ngăn cản dịch vị từ dạ dày trào lên cơ quan hô hấp trên. Khi cơ này bị suy yếu sẽ không đảm nhận được vai trò như bình thường, kết quả là sự xuất hiện của bệnh trào ngược họng thanh quản.
Mô phỏng bệnh trào ngược họng thanh quản
Các thói quen sau có thể là tiền đề để cơ vòng thực quản trên suy yếu:
- Sau khi ăn xong nằm ngay.
- Thường xuyên ăn uống quá mức, ăn khuya.
- Hay ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn khó tiêu.
- Hút nhiều thuốc lá, dùng bia rượu.
- Dư thừa cân nặng.
- Dị tật bẩm sinh, tai nạn hoặc chấn thương khiến cơ vòng thực quản trên bị tổn thương, bị biến dạng.
- Quá trình mang thai.
1.2. Dấu hiệu bệnh trào ngược họng thanh quản
Bệnh trào ngược họng thanh quản tiến triển thầm lặng nên thường không có dấu hiệu rõ ràng. Người bệnh thường không có cảm giác nóng rát hay ợ chua như khi mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Khi bị trào ngược họng thanh quản, người bệnh có thể gặp các dấu hiệu:
- Họng bị ngứa, bị vướng: người bệnh cảm thấy như trong họng bị vướng dị vật hay đang có gì đó mắc kẹt, rõ rệt nhất là khi nuốt nước bọt.
- Giọng yếu và khàn vào buổi sáng: người bệnh có giọng nói yếu và thường khó thở vào buổi sáng vì dịch vị dạ dày trào ngược lên đường hô hấp trên khiến cho thanh quản bị phù và xung huyết.
- Ho vài tuần không khỏi: dễ nhầm với ho do mắc bệnh lý đường hô hấp.
- Thường bị trào ngược vào ban ngày: chủ yếu là khi người bệnh cúi xuống hoặc nằm ngay sau khi ăn.
2. Tính chất nguy hiểm của trào ngược họng thanh quản
Các dấu hiệu bệnh trào ngược họng thanh quản rất dễ nhầm với bệnh đường hô hấp trên nên người bệnh hay chủ quan, không khám để điều trị kịp thời khiến cho thanh quản, hầu họng bị tổn thương và dễ gặp phải các biến chứng:
Một số biến chứng của trào ngược họng thanh quản
- Đối với trẻ em: ho mạn tính, viêm phổi, tái phát viêm thanh quản, rối loạn hô hấp, chậm phát triển, rối loạn khoang miệng,...
- Đối với người trưởng thành: chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng và nguy cơ mắc hàng loạt biến chứng như: viêm phổi, viêm loét thực quản, viêm phế quản,
hen suyễn, ung thư vòm họng,...
Ngoài ra, bệnh trào ngược họng thanh quản với các đợt bùng phát triệu chứng còn khiến người bệnh bị mất ngủ, thiếu ngủ, mệt mỏi, uể oải,... giảm sút nghiêm trọng hiệu quả học tập, làm việc.
3. Chẩn đoán và điều trị trào ngược họng thanh quản
3.1. Chẩn đoán
Hầu hết các trường hợp bị trào ngược họng thanh quản được chẩn đoán dựa trên việc thăm khám và đánh giá triệu chứng phù nề sau họng, ít khi phải tiến hành xét nghiệm. Nếu triệu chứng ở người bệnh không rõ ràng thì bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định một số hình thức kiểm tra như:
- Nội soi thanh quản - họng: đánh giá tình trạng viêm do trào ngược dạ dày - thực quản.
- Nội soi thực quản - dạ dày: đánh giá tình trạng trào ngược, tình trạng viêm - loét dạ dày, hành tá tràng và test HP thông qua quá trình nội soi.
- Test HP dạ dày: xác định sự tồn tại của vi khuẩn HP gây tổn thương dạ dày.
3.2. Điều trị
Các phương pháp thường được áp dụng để điều trị trào ngược họng thanh quản gồm:
- Điều trị bằng thuốc
Đây là phương pháp điều trị chính đối với trào ngược họng thanh quản, chủ yếu nhằm kiểm soát triệu chứng và ngăn chặn biến chứng của bệnh. Các loại thuốc được sử dụng sẽ được bác sĩ cân nhắc chỉ định phù hợp như:
Dùng thuốc là phương pháp điều trị trào ngược họng thanh quản thường được áp dụng
+ Thuốc kháng axit: giảm nhanh triệu chứng do bị trào ngược axit dịch vị lên đường hô hấp trên, giảm đau ngứa họng, giảm nóng rát ngực,... Loại thuốc này chỉ dùng trong thời gian ngắn vì chỉ đạt được hiệu quả tạm thời.
+ Thuốc kháng histamin H2 hoặc ức chế bơm proton: ức chế tiết dịch vị dạ dày để giảm tần suất trào ngược axit, giúp cho các biến chứng được phục hồi. Tùy vào độ tuổi và thể trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp.
+ Thuốc Prokinetic: được dùng để tăng nhu động thực quản, đẩy nhanh tốc độ tiêu hóa để làm trống dạ dày, ngăn cản sự xuất hiện của trào ngược dịch vị lên họng và thanh quản.
+ Thuốc bảo vệ niêm mạc: có tác dụng giảm tác động của dịch vị đối với niêm mạc dạ dày và thực quản; thường sử dụng cho người gặp phải biến chứng ở thực quản.
Hầu hết các trường hợp điều trị trào ngược họng thanh quản bằng thuốc cần phải duy trì thời gian dùng thuốc trong 3 - 6 tháng.
- Điều trị phẫu thuật
Trong trường hợp không đáp ứng với điều trị bằng thuốc, người bệnh sẽ được cân nhắc phẫu thuật thắt đáy dạ dày Nissen. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ dùng phần trên dạ dày bao quanh lấy cơ vòng thực quản dưới để cho tình trạng trào ngược không tái diễn. Phương pháp phẫu thuật này giúp giảm 73 - 86% các dấu hiệu bệnh.
Sau khi đã điều trị trào ngược họng thanh quản bằng phẫu thuật người bệnh vẫn cần thay đổi lối sống khoa học để ngăn không cho bệnh tái diễn. Trường hợp duy trì thói quen sinh hoạt không lành mạnh thì bệnh có thể dễ dàng tái phát gây ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống và sức khỏe của người bệnh.
Mặc dù bệnh trào ngược họng thanh quản không đe dọa đến sự sống của người bệnh nhưng lại tác động tiêu cực đến đời sống hàng ngày và dễ gây giảm sút hiệu quả công việc. Vì thế, nếu nhận thấy các dấu hiệu trào ngược họng thanh quản như đã gợi ý ở trên thì người bệnh nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán đúng và điều trị tích cực đối với bệnh lý này.
Mọi thắc mắc liên quan đến trào ngược họng thanh quản hoặc cần đặt lịch khám, quý khách hàng có thể gọi đến tổng đài của Hệ thống Y tế MEDLATEC: 1900 56 56 56 để được giải đáp và xác nhận lịch khám nhanh chóng.
BS Thanh Tuấn đã duyệt
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!