Các tin tức tại MEDlatec
Nhận biết u não ở trẻ em để kịp thời điều trị bệnh
- 01/08/2023 | Bệnh u não có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa như thế nào?
- 04/09/2024 | Đau đầu, chóng mặt tưởng “bệnh xoàng”, đi khám phát hiện mắc nhồi máu não đa ổ
- 22/09/2024 | Dấu hiệu u não, cách chẩn đoán và điều trị bệnh
- 10/12/2024 | Mổ u não sống được bao lâu? Làm gì để kéo dài tuổi thọ
1. Triệu chứng u não ở trẻ em
U não xảy ra khi có sự phát triển bất thường của những tế bào trong não hoặc bất thường tại cấu trúc và mô lân cận. Những khối u não có thể là nguyên phát hoặc cũng có thể là thứ phát có nguồn gốc tế bào từ những bộ phận khác và di căn đến não.
Nguyên nhân gây u não ở trẻ em vẫn chưa thể xác định rõ ràng. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc bệnh có thể tính đến là di truyền hay tiếp xúc thường xuyên với môi trường nhiễm phóng xạ, hóa chất độc hại,...
Tùy theo vị trí khối u, độ tuổi mắc bệnh,... mà các triệu chứng u não ở trẻ em cũng rất đa dạng.
- Hội chứng tăng áp lực nội sọ: Đây là vấn đề phổ biến khi trẻ xuất hiện khối u trong não. Cụ thể, trẻ thường gặp một số biểu hiện như sau:
+ Đau nhức đầu: Những cơn đau âm ỉ xuất hiện và dần lan tỏa. Sau đó, mức độ đau cũng có thể tăng lên.
Đau đầu có thể do bệnh u não gây ra
+ Buồn nôn hoặc nôn: Triệu chứng này thường xảy ra vào buổi sáng và sau khi nôn thì những cơn đau đầu sẽ thuyên giảm.
+ Nhìn mờ hoặc giảm thị lực.
+ Mạch chậm.
+ Co giật.
+ Rối loạn chức năng hô hấp.
+ Tính cách thay đổi bất thường: Dễ kích động hoặc bị trầm cảm, tiểu tiện không tự chủ, hôn mê,...
- Triệu chứng u não ở trẻ em tùy theo vị trí khối u:
+ Đối với những khối u xuất hiện ở bán cầu đại não: Trẻ sẽ có thể gặp phải một số triệu chứng như nói lắp, nói ngọng, yếu hay liệt nửa người, những vấn đề về thị giác, mất cảm giác, giảm trí nhớ, tính cách thay đổi, hay buồn ngủ,...
Cha mẹ không nên chủ quan nếu trẻ hay buồn ngủ và mất tập trung
+ Khối u ở thân não và đường giữa: Khi khối u xuất hiện tại vị trí này, trẻ thường có những biểu hiện như co giật, rối loạn thị giác, rối loạn nội tiết, đau đầu, liệt nửa người, những bất thường về hô hấp, não úng thủy, khó tập trung,...
+ Khối u tiểu não thường gây ra một số biểu hiện như đau đầu, buồn nôn, rối loạn khả năng phối hợp động tác,...
2. Cách chẩn đoán u não ở trẻ em
Nếu chỉ thông qua các biểu hiện thì rất khó để chẩn đoán chính xác tình trạng u não ở trẻ em. Chính vì thế, sau khi thăm khám triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhi thực hiện một số phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng, như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ sọ não. Nhờ những phương pháp này, bác sĩ sẽ thấy rõ hình ảnh khối u trong sọ não, đường giữa bị đẩy lệch hay mức độ giãn não như thế nào.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định thực hiện kỹ thuật nhuộm soi và hoá mô miễn dịch khối u hay sinh thiết để xác định tế bào học của khối u, từ đó đưa ra phương pháp chữa trị phù hợp. Cụ thể:
- Chẩn đoán xác định:
+ Những triệu chứng bất thường của trẻ sẽ là cơ sở quan trọng để chẩn đoán bệnh, phát hiện hội chứng tăng áp lực nội sọ hay dấu hiệu thần kinh khu trú.
+ Nhờ các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ sẽ quan sát được hình ảnh não bộ và xác định khối u nằm ở vị trí nào và phân loại khối u.
+ Mô bệnh học để xác định nguồn gốc của tế bào khối u.
- Chẩn đoán phân biệt
Với những trường hợp chưa có kết quả hình ảnh chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ thì cần được phân biệt u não với những nguyên nhân khác cũng gây ra tăng áp lực nội sọ có thể kể đến như xuất huyết não, não úng thủy, viêm não, động kinh, tình trạng rối loạn vận động,... Khi đã có kết quả chụp CT hay MRI, cần phân biệt u não vào xuất huyết não, nhất là tình trạng khối u có xuất huyết, dị tật não bẩm sinh,...
3. Điều trị u não ở trẻ em bằng cách nào?
Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ, loại khối u, vị trí và kích thước của khối u, mức độ xâm lấn,... bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh. Dưới đây là một số phương pháp điều trị u não phổ biến:
- Phẫu thuật:
Phần lớn những trường hợp bị u não ở trẻ em đều cần được phẫu thuật để loại bỏ khối u. Ngoại trừ một số trường hợp như khối u nằm ở những vị trí không thể phẫu thuật hoặc khối u nhỏ có thể thực hiện điều trị bằng cách xạ trị.
Khối u càng được loại bỏ triệt để thì càng tốt cho người bệnh. Đặc biệt với những khối u lành tính thì việc phẫu thuật loại bỏ khối u mang lại hiệu quả điều trị rất tích cực. Tuy nhiên, loại bỏ hoàn toàn khối u bằng phương pháp phẫu thuật là một điều vô cùng khó khăn, đặc biệt là đối với những khối u xuất hiện ở những vị trí không thuận lợi. Với những trường hợp chỉ loại bỏ được một phần khối u cũng rất tốt cho bệnh nhân trong việc loại bỏ những triệu chứng bệnh và chẩn đoán mô bệnh học, làm căn cứ để bác sĩ lên phác đồ xạ trị, hóa trị cho bệnh nhân.
- Xạ trị: Bằng cách này, bác sĩ có thể tiêu diệt những tế bào của khối u còn sót lại. Tuy nhiên, ở những trẻ dưới 3 tuổi, bộ não của trẻ còn chưa phát triển hoàn thiện, rất dễ bị tổn thương. Chính vì thế, rất khó khăn để áp dụng xạ trị. Phương pháp này chỉ nên áp dụng cho những trường hợp từ 4 tuổi trở lên.
- Hóa trị: Đây cũng là phương pháp thường được áp dụng sau phẫu thuật hoặc sau xạ trị hay cũng có thể được chỉ định trước phẫu thuật nếu khối u của trẻ quá lớn hoặc nằm ở những vị trí phức tạp. Liều lượng thuốc hóa trị sẽ phụ thuộc vào độ tuổi và mức độ bệnh, tính chất khối u.
Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám nếu nhận thấy con có triệu chứng bất thường.
U não ở trẻ em là tình trạng rất nguy hiểm, do đó, cha mẹ nên đưa con đi khám sớm nếu trẻ có những biểu hiện như đau đầu, buồn nôn, thay đổi tính cách,... Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe của trẻ hoặc có nhu cầu đặt lịch khám cho trẻ tại Chuyên khoa Nhi của Hệ thống Y tế MEDLATEC, các bậc phụ huynh có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!