Các tin tức tại MEDlatec

Tìm hiểu triệu chứng đau dạ dày do stress và cách cải thiện

Ngày 18/09/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Nhiều người thường nghĩ đau dạ dày là do chế độ ăn uống không đúng giờ giấc, sử dụng thực phẩm kém khoa học hay do virus HP gây ra. Tuy nhiên, đau dạ dày do stress cũng là một nguyên nhân khá phổ biến mà ít người biết đến. Vậy cách nhận biết và cải thiện tình trạng này như như thế nào?

1. Vì sao stress có thể gây đau dạ dày?

Stress là trạng thái hệ thần kinh căng thẳng, có thể xuất phát từ áp lực trong môi trường làm việc, cuộc sống hàng ngày hoặc thay đổi về sức khỏe (dậy thì, tiền mãn kinh, mắc bệnh nan y,...). Cơ thể rơi vào trạng thái stress không chỉ gây mệt mỏi, kiệt sức mà còn là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng đau dạ dày

Hệ thần kinh trung ương chi phối, điều khiển hoạt động của hệ tiêu hoá

Đau dạ dày do stress bởi vì thần kinh hệ tiêu hoá có mối quan chặt chẽ với hệ thần kinh trung ương. Ở trạng thái tự nhiên, chức năng của dạ dày nói riêng và hệ tiêu hoá nói chung được hệ thần kinh điều phối hoạt động. Tuy nhiên, khi bị căng thẳng, hệ thần kinh tự động làm kích thích nhu động ruột và tăng tiết acid tại dạ dày trong khi không có thức ăn, từ đó làm dịch dạ dày tấn công chính niêm mạc dạ dày gây đau.

2. Triệu chứng đau dạ dày do stress

Đau dạ dày do stress ở giai đoạn đầu thường có các biểu hiện như:

  • Đau vùng thượng vị.
  • Cảm giác nóng rát ở vị trí giữa bụng dưới xương sườn.
  • Ăn khó tiêu, ợ chua, đầy hơi.
  • Chán ăn hoặc ăn không ngon miệng.
  • Nôn hoặc buồn nôn.
  • Tiêu chảy hoặc táo bón.

Người bị đau dạ dày do stress thường xuyên đau ở vùng thượng vị kèm triệu chứng mệt mỏi, kiệt sức

Mức độ của các triệu chứng này ở người đau dạ dày tỷ lệ thuận đối với mức độ căng thẳng của cơ thể. Nghĩa là khi cơ thể càng stress, bệnh đau dạ dày có thể nghiêm trọng hơn cũng như gây ra biến chứng mạn tính nguy hiểm đến sức khỏe như viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày hoặc thậm chí nguy cơ ung thư dạ dày. Ngoài các biểu hiện ở dạ dày thì người thường xuyên bị căng thẳng có thể kèm nhiều biểu hiện như:

3. Đau dạ dày do stress có nguy hiểm không?

Thực tế tình trạng đau dạ dày do bất kỳ nguyên nhân nào cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Các triệu chứng đau dạ dày không chỉ gây cảm giác khó chịu, mệt mỏi mà còn ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt hàng ngày. Nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách có thể dẫn đến đau dạ dày mạn tính với các biến chứng nguy hiểm. 

Đau dạ dày do stress không được điều trị đúng cách có thể gây biến chứng nguy hiểm

4. Các phương pháp cải thiện tình trạng đau dạ dày do stress

Việc điều trị bệnh đau dạ dày do stress cần kết hợp sử dụng thuốc và thay đổi thói quen sinh hoạt, làm việc để giúp giảm căng thẳng thần kinh. Từ đó có thể cải thiện tình trạng sức khỏe cũng như phòng bệnh tái phát. Các phương pháp cụ thể như sau:

4.1. Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đặc biệt đối với người có vấn đề về dạ dày. Người bệnh nên thay đổi chế độ ăn hàng ngày với các loại thực phẩm giàu chất xơ, vitamin cũng như dễ tiêu hoá để giúp dạ dày giảm co bóp. 

Có thể chia nhỏ các bữa ăn trong ngày và không ăn quá nhiều để giảm áp lực cho hệ tiêu hoá. Hạn chế tối đa các loại thức uống có ga, rượu bia, thuốc lá, thực phẩm lên men,...

4.2. Điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt khoa học

Thường xuyên thức khuya hoặc ngủ không đủ giấc cũng là yếu tố phổ biến khiến cơ thể bị căng thẳng gây đau dạ dày. Người đang gặp tình trạng này nên điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt bằng cách ngủ sớm trước 23h và đảm bảo giấc ngủ kéo dài từ 7 - 8 tiếng. Điều này giúp cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn trong lúc ngủ để tái tạo năng lượng cũng như giảm căng thẳng cho hệ thần kinh. 

Thay đổi thói quen sinh hoạt đúng giờ để giúp giảm căng thẳng

4.3. Tạo thói quen nghỉ giải lao khi làm việc

Hiện nay thói quen làm việc liên tục với cường độ cao khiến hệ thần kinh hoạt động quá mức gây căng thẳng. Chính vì thế, tạo thói quen nghỉ giải lao ngắn, vận động nhẹ nhàng, hít thở chậm khoảng 5 phút sau mỗi 1 tiếng tập trung làm việc, học tập không chỉ giúp thư giãn thần kinh mà còn giảm tình trạng mỏi mắt cũng như giúp máu lưu thông. Thời gian giải lao ngắn giúp cơ thể tái tạo năng lượng nhanh và quay lại làm việc hiệu quả.

4.4. Tập thể dục thường xuyên

Vận động thể chất thường xuyên giúp tăng tiết endorphin có lợi cho não bộ giúp thần kinh hưng phấn hơn. Từ đó đẩy lùi ảnh hưởng tiêu cực của stress đối với cơ thể. 

Các bộ môn như chạy bộ, tập yoga, thiền định,... giúp kiểm soát nhịp thở, cải thiện tâm trạng cũng như thư giãn hiệu quả. Thường xuyên tập thể dục mỗi ngày từ 15 - 30 phút giúp tăng cường tuần hoàn máu tốt cho hệ tim mạch, tiêu hoá, miễn dịch,... cũng như cải thiện giấc ngủ tốt hơn.

4.5. Sử dụng thuốc cải thiện triệu chứng đau tạm thời

Nếu chưa khắc phục được tình trạng stress ngay, bạn có thể dùng thuốc giúp cải thiện triệu chứng đau tạm thời. Một số nhóm thuốc thường được sử dụng như thuốc giảm tiết acid dạ dày, thuốc trung hòa dịch vị, thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, thuốc an thần,... Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần được tư vấn bởi bác sĩ hoặc dược sĩ để đảm bảo an toàn.

Chườm nóng, xoa bóp giúp làm dịu cơn đau dạ dày hiệu quả

Thực tế hiện nay, tỷ lệ người đau dạ dày do stress đang có xu hướng ngày càng tăng cao và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như hiệu quả công việc. Chính vì thế, việc kiểm tra và điều trị sớm ngay khi mới phát hiện sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng cũng như rút ngắn thời gian điều trị, cải thiện tình trạng sức khỏe. Nếu bạn đang tìm đơn vị y tế uy tín chất lượng có thể tham khảo chuyên khoa Tiêu hóa thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC với đội ngũ chuyên môn giàu kinh nghiệm cùng cơ sở vật chất hiện đại. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ cụ thể hơn.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.