Các tin tức tại MEDlatec
Trước khi xét nghiệm máu HP có cần nhịn ăn không?
xét nghiệm máu hp có cần nhịn ăn không
Trước khi xét nghiệm máu HP có cần nhịn ăn không?
Xét nghiệm máu HP là phương pháp chẩn đoán được thực hiện rộng rãi tại nhiều cơ sở y tế hiện nay. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ được quy trình xét nghiệm, cũng như trước khi xét nghiệm máu HP có cần nhịn ăn không? Nếu bạn đang muốn tìm hiểu về xét nghiệm này thì các thông tin dưới đây sẽ giúp ích cho bạn.
1. Tìm hiểu chung về xét nghiệm máu tìm vi khuẩn HP
HP là loại vi khuẩn gây ra các bệnh lý về dạ dày, khiến người bệnh gặp phải những triệu chứng khó chịu như: chán ăn, đau vùng thượng vị, đầy bụng, ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, táo bón hoặc tiêu chảy,... Nếu không được điều trị sớm, vi khuẩn HP sẽ sinh sôi trong dạ dày và tiến triển thành các vấn đề bệnh lý nghiêm trọng khác như:
● Các biến chứng tại dạ dày: viêm loét dạ dày tá tràng, viêm teo niêm mạc dạ dày, loét dạ dày cấp và mạn tính, thủng thành dạ dày, đặc biệt nguy hiểm là ung thư dạ dày,...;
● Biến chứng xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn;
● Thiếu máu;
● Biến chứng khó tiêu không loét.
Tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP dạ dày tại Việt Nam đang ở mức rất cao. Cách duy nhất để phát hiện và chẩn đoán chính xác bệnh đó là thực hiện các xét nghiệm vi khuẩn HP.
Vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh lý về dạ dày
Có tổng cộng 4 phương pháp giúp phát hiện vi khuẩn HP trong cơ thể người bệnh, bao gồm: test hơi thở, xét nghiệm qua phân, nội soi và xét nghiệm máu. Phụ thuộc vào mục đích chẩn đoán và các yêu cầu đi kèm khác như có cần thực hiện kháng sinh đồ không, có cần đánh giá hay kiểm tra tổn thương ở dạ dày không, cần kết quả xét nghiệm nhanh hay chậm,... bác sĩ sẽ tư vấn hình thức xét nghiệm phù hợp nhất cho bệnh nhân.
2. Ưu và nhược điểm của xét nghiệm máu tìm vi khuẩn HP
2.1. Ưu điểm
Sau đây là những ưu điểm của phương pháp xét nghiệm máu HP:
● Kết quả chẩn đoán nhanh: đây là kỹ thuật chẩn đoán không xâm lấn giúp phát hiện nhanh tình trạng nhiễm vi khuẩn HP trong cơ thể người bệnh. Trong khi đó phương pháp nội soi thì bệnh nhân cần được gây mê. Mẫu biểu mô thu thập được sẽ phải trải qua phân tích để biết được bệnh nhân có đang nhiễm HP hay không. Vì vậy xét nghiệm bằng nội soi sẽ mất nhiều thời gian thực hiện hơn;
● Xét nghiệm máu HP có độ đặc hiệu và độ nhạy cao (có thể lên đến 90%) nên tỷ lệ chẩn đoán về sự tồn tại của HP trong máu là rất lớn;
● Không gây nhiều khó chịu hay đau đớn cho bệnh nhân trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm;
● Chi phí thực hiện thấp.
2.2. Nhược điểm
Theo các bác sĩ Chuyên khoa Tiêu hóa, trên thực tế mọi phương pháp xét nghiệm đều có tỷ lệ sai số nhất định, khác nhau ở điểm là tỷ lệ đó ít hay nhiều ở mỗi hình thức chẩn đoán. Xét nghiệm máu HP cũng không ngoại lệ.
Khi bị nhiễm vi khuẩn HP, cơ thể bệnh nhân sẽ sản sinh ra một loại kháng thể chống lại vi khuẩn. Xét nghiệm máu sẽ giúp tìm thấy loại kháng thể này nhưng khả năng cho ra kết quả dương tính giả khá cao. Nguyên nhân xuất phát từ các yếu tố dưới đây:
● Mặc dù độ nhạy cao nhưng tỷ lệ chính xác của xét nghiệm máu HP lại thấp. Nhiều trường hợp cho kết luận dương tính giả nên xét nghiệm này thường không được ưu tiên trong chẩn đoán;
● Xét nghiệm máu HP không thể áp dụng được cho đối tượng bệnh nhân là trẻ em.
Nguyên nhân khiến độ chính xác của kết quả xét nghiệm máu HP ở mức thấp là do:
● Vi khuẩn HP không chỉ tồn tại ở dạ dày mà nó có thể sinh sống ở nhiều khu vực khác trong cơ thể như khoang miệng, đường ruột, các xoang,... mà không gây bệnh. Tuy nhiên nó vẫn khiến cho xét nghiệm máu có kết quả dương tính;
● Có những trường hợp bệnh nhân tuy đã được điều trị khỏi bệnh và không còn dấu vết của HP trong dạ dày nhưng kháng thể kháng HP vẫn còn tồn tại trong máu rất lâu sau đó. Vài tháng hay thậm chí là vài năm sau khi xét nghiệm máu tìm HP vẫn có thể hiển thị dương tính trên kết quả.
Xét nghiệm máu HP không được ưu tiên chỉ định vì độ chính xác không cao
Nhìn chung phương pháp xét nghiệm máu hỗ trợ khá hiệu quả trong việc phát hiện và chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng. Nhưng phương pháp này lại không được khuyến khích trong tìm kiếm HP chẩn đoán các bệnh lý tại dạ dày bởi vì nó không có khả năng phân biệt được vị trí, khu vực phân bố của HP. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong công tác điều trị bệnh.
3. Xét nghiệm máu HP có cần nhịn ăn không?
3.1. Lưu ý trước khi thực hiện xét nghiệm máu HP
Trước khi xét nghiệm bạn cần tuân thủ hướng dẫn và dặn dò của bác sĩ. Nhiều người đều có chung một thắc mắc đó là xét nghiệm máu HP có cần nhịn ăn không? Các bác sĩ khuyến cáo rằng để đảm bảo tính chính xác của kết quả xét nghiệm, người bệnh nên nhịn ăn trước thời điểm lấy mẫu máu khoảng từ 4 - 6 giờ. Nên lấy máu vào buổi sáng khi bụng còn đói sau khi đã trải qua một đêm không ăn uống.
3.2. Các bước tiến hành xét nghiệm
Bệnh nhân thực hiện xét nghiệm qua các bước sau đây:
● Nhân viên y tế sẽ chịu trách nhiệm lấy mẫu máu từ tĩnh mạch cánh tay của bệnh nhân;
● Máu được lấy ra sẽ bảo quản trong ống nghiệm và đưa đến phòng phân tích;
● Trong trường hợp kết quả xét nghiệm hiển thị dương tính thì tức là có vi khuẩn HP tồn tại trong cơ thể người bệnh, âm tính là không;
● Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính, người bệnh vẫn nên thực hiện thêm phương pháp nội soi giúp khẳng định chính xác xem dạ dày của bạn có đang bị nhiễm HP hay không. Kết quả nội soi sẽ là cơ sở để tìm hiểu về nguyên nhân gây ra các triệu chứng bất thường ở dạ dày.
4. Những điều cần làm khi có kết quả HP dương tính
Bệnh nhân không nên quá lo lắng nếu kết quả xét nghiệm HP là dương tính bởi vì không phải cứ có vi khuẩn HP là mặc định bạn đang bị bệnh. Trên thực tế chỉ có một phần số bệnh nhân nhiễm HP được chẩn đoán là đang mắc các bệnh về dạ dày. Điều này có thể bắt nguồn từ các yếu tố như tuổi tác, độc tố của vi khuẩn, chế độ sinh hoạt, ăn uống, cơ địa, các loại thuốc đang sử dụng,...
Những trường hợp bắt buộc phải điều trị khi có xét nghiệm HP dương tính sẽ là:
● Người đang mắc các bệnh về dạ dày: viêm teo niêm mạc dạ dày, viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày đã cắt bỏ một phần;
● Người bị thiếu máu;
● Bệnh nhân có người thân trực hệ mắc ung thư dạ dày;
● Người sống ở khu vực địa lý có tỷ lệ bệnh nhân bị ung thư dạ dày cao;
● Người thường xuyên dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc nhóm kháng viêm không steroid;
● Bệnh nhân xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.
Ngoài dạ dày, HP còn có thể xuất hiện tại nhiều vị trí khác trong cơ thể
Khi đã được bác sĩ kê đơn thuốc để tiêu diệt vi khuẩn HP, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị. Các thuốc đó có thể là chất ức chế tiết acid trong dịch vị dạ dày hoặc thuốc kháng sinh. Hiện nay có một thực tế đáng lo ngại là tình trạng kháng kháng sinh và tỷ lệ bệnh nhân tái nhiễm HP kháng thuốc các thuốc đang ngày càng gia tăng. Do đó các loại thuốc được chỉ định trong điều trị HP đang không phát huy hiệu quả tác dụng của nó.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do bệnh nhân không tuân thủ chặt chẽ liệu trình dùng thuốc, ngừng thuốc giữa chừng khiến vi khuẩn nhanh chóng nhân lên và kháng thuốc.
Trên đây là những thông tin tổng quan về xét nghiệm máu HP, trong đó bài viết đã giúp bạn trả lời cho câu hỏi xét nghiệm máu HP có cần nhịn ăn không? Để được tư vấn chi tiết hơn về loại xét nghiệm này cũng như các hình thức chẩn đoán khác, quý bạn đọc có thể liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900565656. Tổng đài viên của MEDLATEC sẽ hỗ trợ bạn đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa.
BS Thanh Tuấn đã duyệt
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!