Tin tức

Cẩm nang cho mẹ bầu: Cách đối phó khi mẹ bầu bị trào ngược dạ dày

Ngày 04/11/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Trào ngược dạ dày là một trong những vấn đề tiêu hóa phổ biến ở phụ nữ mang thai, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của mẹ. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến trào ngược dạ dày ở bà bầu? Mẹ bầu bị trào ngược dạ dày có sao không? Và làm thế nào để giảm các cảm giác khó chịu? Cùng Medlatec tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.

1. Nguyên nhân và biểu hiện trào ngược dạ dày khi mang thai

Trào ngược dạ dày là hiện tượng khi dịch axit dạ dày trào ngược lên thực quản, làm xuất hiện các cảm giác khó chịu như ợ chua, ợ nóng, đau tức ngực. Đối với mẹ bầu, trào ngược dạ dày thường xảy ra do những thay đổi nội tiết, sự chèn ép của tử cung lên dạ dày trong quá trình mang thai,...

1.1 Biểu hiện của trào ngược dạ dày ở mẹ bầu

Mẹ bầu bị trào ngược dạ dày thường có các biểu hiện như:

- Ợ chua, ợ nóng: Cảm giác này thường xuất hiện sau khi ăn hoặc khi mẹ nằm xuống.

Ợ chua, ợ nóng thường xuất hiện sau khi ăn hoặc khi mẹ nằm xuống

Ợ chua, ợ nóng thường xuất hiện sau khi ăn hoặc khi mẹ nằm xuống

- Đau tức ngực, nóng rát ở vùng thượng vị: Đây là biểu hiện phổ biến khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản.

- Khó nuốt, cảm giác nghẹn ở cổ họng: Mẹ bầu có thể cảm thấy khó nuốt hoặc có cảm giác cộm trong cổ họng.

- Buồn nôn, chán ăn: Cảm giác khó chịu từ dạ dày làm mẹ bầu không muốn ăn uống và có thể dễ buồn nôn.

1.2 Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày khi mang thai

- Tăng nội tiết tố progesterone khi mang thai: Trong thai kỳ, cơ thể mẹ sản xuất nhiều hormone progesterone để làm giãn các cơ trơn, giúp cơ thể mẹ phù hợp với sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, nó cũng làm giãn cơ vòng thực quản, làm dịch axit dạ dày dễ dàng trào ngược lên.

- Áp lực từ thai nhi: Khi thai nhi lớn dần sẽ khiến tử cung to lên về kích thước, gây áp lực lên vùng bụng và dạ dày của mẹ, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, làm tăng nguy cơ axit bị đẩy lên trên.

- Thay đổi chế độ ăn: Việc ăn quá no, ăn các loại thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày ở bà bầu.

2. Mẹ bầu bị trào ngược dạ dày có sao không?

Mẹ bầu bị trào ngược dạ dày có sao không là băn khoăn của nhiều người

Mẹ bầu bị trào ngược dạ dày có sao không là băn khoăn của nhiều người

Trào ngược dạ dày ở mẹ bầu là hiện tượng phổ biến và thường không gây nguy hiểm nếu được xử lý và chăm sóc đúng cách. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể gây ra nhiều phiền toái và một số ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của mẹ và thai nhi:

- Trào ngược dạ dày gây ra cảm giác nóng rát ở ngực và ợ chua, khiến mẹ bầu khó ngủ hoặc phải thức giấc nhiều lần trong đêm. Giấc ngủ không sâu và thường xuyên gián đoạn có thể khiến mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng.

- Cảm giác buồn nôn, ợ chua khiến mẹ bầu dễ chán ăn và ngại ăn uống, làm giảm hấp thu dinh dưỡng. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi nếu mẹ bầu không đảm bảo được chế độ ăn uống đầy đủ và cân bằng.

- Dịch axit trào ngược lên thực quản trong thời gian dài có thể làm tổn thương lớp niêm mạc, gây viêm loét, khó chịu, và làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược.

- Các triệu chứng khó chịu kéo dài có thể khiến mẹ bầu lo lắng hoặc căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần trong quá trình mang thai.

Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp trào ngược dạ dày ở mẹ bầu đều có thể kiểm soát bằng cách điều chỉnh lối sống và thói quen ăn uống. Đối với các trường hợp trào ngược dạ dày nặng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc có các dấu hiệu bất thường, mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

3. Phương pháp điều trị trào ngược dạ dày cho bà bầu

Có nhiều cách giúp giảm nhẹ triệu chứng trào ngược dạ dày mà mẹ bầu có thể áp dụng an toàn và hiệu quả.

3.1 Thay đổi thói quen ăn uống

- Tránh ăn quá no trong mỗi bữa, thay vào đó, mẹ bầu có thể chia thành 5–6 bữa nhỏ dạ dày không phải chịu nhiều áp lực một lúc.

- Mẹ bầu nên ăn tối ít nhất 2–3 giờ trước khi đi ngủ để tránh việc dạ dày phải hoạt động vào ban đêm.

- Các loại thực phẩm chua, cay, chiên rán, cà phê, chocolate và nước có ga có thể kích thích trào ngược axit. Vì thế, mẹ cần tránh các đồ ăn, thức uống kích thích dạ dày này.

- Nên ăn sữa chua sau bữa ăn 30 phút-1 tiếng vì sữa chua có chứa vi khuẩn có lợi giúp cải thiện hệ tiêu hóa và làm giảm cảm giác khó chịu ở dạ dày cho mẹ.

- Uống nhiều nước giúp axit dạ dày loãng ra, đồng thời hỗ trợ quá trình tiêu hóa.

- Mặc quần áo rộng rãi, tránh mặc quần áo quá chật, gây áp lực lên bụng làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày.

2. Ngủ và sinh hoạt ở tư thế phù hợp

- Mẹ nên nằm nghiêng bên trái khi ngủ, tư thế này giúp giảm áp lực từ dạ dày lên thực quản, hạn chế trào ngược.

- Sử dụng gối hoặc nâng đầu giường cao lên giúp hạ thấp vị trí dạ dày hơn thực quản, ngăn axit trào ngược.

- Sau khi ăn, mẹ bầu nên ngồi thẳng hoặc đi lại nhẹ nhàng trong khoảng 2 giờ để hỗ trợ tiêu hóa, trào ngược dạ dày.

3. Uống thuốc hỗ trợ

Trong trường hợp trào ngược dạ dày gây khó chịu nhiều và không cải thiện bằng cách thay đổi lối sống, mẹ bầu có thể cần dùng thuốc. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc trong thai kỳ cần có sự giám sát của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

4. Khi nào mẹ bầu cần gặp bác sĩ?

Mặc dù trào ngược dạ dày thường không nguy hiểm, nhưng nếu mẹ bầu gặp phải các biểu hiện sau đây, nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị:

- Nôn nhiều, mất nước: Nếu mẹ bầu bị nôn liên tục và có dấu hiệu mất nước, cần được thăm khám để kiểm tra và điều trị.

- Đau tức ngực nhiều: Đau tức ngực là biểu hiện phổ biến, nhưng nếu cảm giác này kéo dài và không thuyên giảm, có thể là dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng hơn.

- Sút cân, thiếu hụt dinh dưỡng: Mẹ bầu bị trào ngược dạ dày nặng, không thể ăn uống và dẫn đến sụt cân, nên đi khám để có hướng điều trị hiệu quả, đảm bảo dinh dưỡng cho thai kỳ.

- Trào ngược kết hợp với triệu chứng khác: Mẹ bầu có các biểu hiện như khó thở, mệt mỏi, đau bụng nhiều nên thăm khám với bác sĩ ngay để đảm bảo an toàn.

Khi trào ngược dạ dày gây khó chịu nhiều và không cải thiện mẹ cần đến gặp bác sĩ

Khi trào ngược dạ dày gây khó chịu nhiều và không cải thiện mẹ cần đến gặp bác sĩ

Nếu cần tư vấn thêm về tình trạng mẹ bầu bị trào ngược dạ dày hay các vấn đề sức khỏe khác trong thai kỳ, mẹ bầu có thể liên hệ với Hệ thống Y tế MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được đặt lịch khám với các chuyên gia, bác sĩ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ