Tin tức

Đường hô hấp trên: Cấu tạo và các bệnh lý thường gặp

Ngày 07/01/2025
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Phương Dung
Đường hô hấp trên bắt đầu từ hốc mũi đến thanh quản, đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển khí và bảo vệ phổi trước sự xâm nhập của các tác nhân gây hại bên ngoài. Trong bài viết dưới đây, MEDLATEC sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về cấu tạo của hệ thống này và các bệnh lý liên quan để chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

1. Các bộ phận cấu tạo nên đường hô hấp trên

Đường hô hấp trên được cấu tạo bởi các bộ phận chính:

1.1. Mũi

Mũi là phần đầu tiên của đường hô hấp trên, bao gồm hai lỗ mũi, hốc mũi và các cơ quan phụ trợ. Mũi không chỉ giúp lọc bụi và vi khuẩn mà còn làm ấm và làm ẩm không khí. Lông mũi và lớp niêm mạc trong mũi giúp cho tạp chất từ không khí khi xâm nhập vào mũi sẽ bị giữ lại để bảo vệ hệ hô hấp trước các tác nhân gây bệnh.

Chi tiết cấu tạo mũi - một bộ phận thuộc đường hô hấp trên

Chi tiết cấu tạo mũi - một bộ phận thuộc đường hô hấp trên

1.2. Họng

Họng nối liền giữa mũi và thanh quản, gồm:

- Họng mũi: Bắt đầu từ phía sau mũi, giúp dẫn không khí từ mũi vào thanh quản.

- Họng miệng: Kết nối với khoang miệng và thực quản, là nơi giúp không khí và thức ăn đi qua.

1.3. Thanh quản

Thanh quản nằm ngay dưới họng và có cấu trúc hình ống. Chức năng chính của thanh quản là điều tiết không khí vào khí quản và phát ra âm thanh khi nói. Thanh quản có nắp thanh quản để ngăn không cho thức ăn hoặc nước lọt vào bên trong khí quản.

1.4. Khí quản

Đây là ống dẫn không khí từ thanh quản đi xuống phổi. Bộ phận này bao gồm nhiều lớp cơ và mô có vai trò bảo vệ và duy trì sự thông thoáng của đường hô hấp.

2. Các bệnh lý về đường hô hấp trên hay mắc phải

Đường hô hấp trên dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường, vi khuẩn, virus,... dẫn đến các bệnh lý thường gặp như:

2.1. Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là kết quả từ phản ứng quá mức của hệ miễn dịch trước tác nhân dị ứng như bụi bẩn, nấm mốc, phấn hoa, lông động vật,... Người bị viêm mũi dị ứng thường có hiện tượng hắt hơi nhiều, hay chảy nước mũi, ngạt mũi hoặc khó thở đường mũi, sưng mắt, đỏ hoặc ngứa mắt,...

Đây là bệnh lý đường hô hấp trên xảy ra khi hệ miễn dịch nhận diện các tác nhân ngoài môi trường là kẻ địch và sản sinh ra kháng thể IgE làm giải phóng histamine gây ra các triệu chứng như đã nói đến ở trên.

2.2. Viêm xoang

Xoang là các khoang chứa không khí nằm bên trong xương sọ - mặt. Nếu xoang bị tắc nghẽn do sự tấn công của dị ứng nguyên, virus, vi khuẩn, polyp mũi,... sẽ dẫn đến viêm xoang.

Viêm xoang khiến người bệnh xuất hiện các tình trạng:

- Đau đầu, thường đau ở vùng trán, mắt và má.

- Ngạt mũi, khó thở.

- Chảy mũi có mủ hoặc dịch nhầy.

- Cảm giác nặng ở mặt, đau khi cúi đầu.

- Mệt mỏi.

- Khả năng nhận diện mùi của khứu giác suy giảm.

2.3. Viêm họng cấp

Viêm họng cấp có thể do virus hoặc vi khuẩn tấn công đường hô hấp trên, thường gặp vào mùa đông. Khi bị viêm họng cấp, người bệnh sẽ có cảm giác đau rát cổ họng khi nói chuyện hoặc nuốt, ho có đờm hoặc ho khan, sốt, mệt mỏi, đau đầu, có thể nổi nốt đỏ hoặc loét trợt niêm mạc ở cổ họng,...

Bệnh viêm họng cấp rất dễ gặp phải trong mùa lạnh

Bệnh viêm họng cấp rất dễ gặp phải trong mùa lạnh

2.4. Viêm amidan

Amidan nằm ở phía sau họng để chống lại tác nhân gây bệnh bên ngoài xâm nhập vào đường hô hấp. Tác nhân chính gây viêm amidan là virus, vi khuẩn. 

Khi bị bệnh viêm amidan, người bệnh thường có các tình trạng:

- Đau họng dữ dội, khó nuốt.

- Sốt và ớn lạnh.

- Amidan sưng và có mủ.

- Đau tai, hôi miệng.

- Có thể sưng hạch bạch huyết ở cổ.

2.5. Viêm thanh quản

Khi có sự tấn công của virus vào đường hô hấp trên, nói quá nhiều, tiếp xúc với bụi bẩn hoặc khói thuốc,... bạn sẽ dễ bị viêm thanh quản. Do đây là nơi phát ra âm thanh nên người bị viêm thanh quản sẽ có tình trạng: Khàn hoặc mất giọng, ho khan, ngứa hoặc đau rát cổ họng, khó thở nhẹ,... 

3. Một số biện pháp cần thực hiện để phòng ngừa bệnh đường hô hấp trên

Để tránh các yếu tố nguy cơ gây nên bệnh đường hô hấp trên đây, một số biện pháp phòng ngừa sau được chuyên gia y tế khuyến nghị thực hiện:

3.1. Giữ vệ sinh cá nhân và điều kiện môi trường sống

- Thường xuyên dùng xà phòng diệt khuẩn và nước sạch để rửa tay, nhất là sau khi che miệng do hắt hơi, ho hay chạm vào bề mặt công cộng.

- Tránh chạm tay vào các bộ phận thuộc đường hô hấp trên để hạn chế sự tấn công của tác nhân gây bệnh.

- Giữ sạch sẽ, thoáng mát cho không gian sống và tránh tình trạng ẩm mốc.

- Mở cửa sổ hoặc dùng máy lọc không khí để không khí trong nhà được lưu thông.

- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh từ môi trường như phấn hoa, bụi bẩn, khói thuốc,...

3.2. Bảo vệ cơ thể trước các yếu tố thời tiết

- Mặc ấm khi trời lạnh, đặc biệt giữ ấm tốt cho vùng cổ, mũi và ngực.

- Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để tránh sự xâm nhập của tác nhân xấu ngoài môi trường vào đường hô.

- Hạn chế tiếp xúc với không khí quá lạnh hoặc quá khô, có thể sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà để giảm khô rát họng.

3.3. Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học

- Tăng cường nhóm thực phẩm giàu vitamin C, nhất là các loại quả mọng để nâng cao hệ miễn dịch.

- Bổ sung thực phẩm chứa kẽm như hải sản, thịt bò, hạt điều,... để tăng sức đề kháng.

- Uống đủ 2 lít nước/ngày để niêm mạc đường hô hấp luôn đảm bảo độ ẩm cần thiết.

- Hạn chế tiêu thụ đồ ăn nhanh, thực phẩm chứa chất bảo quản, thực phẩm giàu đường để tránh các yếu tố gây viêm và suy giảm miễn dịch.

3.4. Tập luyện thể dục và nghỉ ngơi hợp lý

- Thực hiện các bài tập vừa sức như đi bộ, chạy bộ, yoga, bơi lội để tăng tuần hoàn máu và cải thiện chức năng phổi.

- Tập hít thở sâu để làm sạch và cải thiện chức năng cho đường hô hấp.

- Đảm bảo ngủ đủ 7 - 8 giờ/ đêm để cơ thể phục hồi tốt và tăng khả năng miễn dịch.

3.5. Hạn chế các yếu tố nguy cơ từ môi trường

- Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.

- Hạn chế ra ngoài khi môi trường sống xung quanh bị ô nhiễm nặng. Trường hợp đi ra ngoài cần có khẩu trang chuyên dụng để bảo vệ.

- Tránh tiếp xúc với người đang bị bệnh đường hô hấp để giảm thiểu nguy cơ lây bệnh.

Bệnh nhân thực hiện nội soi chẩn đoán bệnh đường hô hấp trên tại MEDLATEC

Bệnh nhân thực hiện nội soi chẩn đoán bệnh đường hô hấp trên tại MEDLATEC

Đường hô hấp trên là nơi đầu tiên tiếp xúc với không khí cũng như các tác nhân bên ngoài môi trường nên rất dễ bị tổn thương. Ngay khi phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào cảnh báo bệnh lý đường hô hấp trên như đã đề cập ở trên, người bệnh nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá đúng và kịp thời điều trị, ngăn ngừa biến chứng ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.

Quý khách hàng cần thăm khám bệnh lý đường hô hấp có thể liên hệ đặt trước lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ