Các tin tức tại MEDlatec

Tỷ lệ bạch cầu trung tính tăng cảnh báo điều gì?

Ngày 01/07/2023
Bạch cầu trung tính là một phân loại của tế bào bạch cầu trong cơ thể và chúng chiếm khoảng 50 - 75% trong tổng số bạch cầu. Nhiệm vụ quan trọng của bạch cầu trung tính đó là thực bào, có nghĩa là tìm kiếm và tiêu diệt những tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể người bệnh. Tỷ lệ bạch cầu trung tính tăng chính là tín hiệu cho thấy cơ thể đang gặp phải tổn thương hay tình trạng bệnh lý nào đó cần phải được can thiệp ngay.

1. Chỉ số thể hiện tỷ lệ bạch cầu trung tính tăng

Bạch cầu trung tính là một trong những loại bạch cầu có số lượng đông đảo do tủy xương sản xuất ra. Vai trò của loại bạch cầu này đó chính là ngăn cản sự phát triển của những vi sinh vật gây bệnh trong cơ thể, bằng cách tìm và diệt các tác nhân này. Bình thường bạch cầu trung tính sẽ có giá trị là từ 2 - 8 g/l (khoảng 50 - 75% trong số các bạch cầu). Vòng đời của bạch cầu rất ngắn (chỉ trong 1 ngày) nên khi lứa bạch cầu trung tính già cỗi chết đi thì tủy xương sẽ lại tiếp tục sản xuất thêm những bạch cầu mới để thay thế. Quá trình này diễn ra liên tục không ngừng nghỉ.

Bạch cầu là một thành viên quan trọng của hệ miễn dịch giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Một người được cho là bị bạch cầu trung tính khi số lượng tế bào này trong máu nằm dưới mức 2.000/μl, nếu nó tiếp tục giảm xuống còn 1.000/μl thì bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể xuất phát từ việc giảm sản xuất bạch cầu ở tủy xương hoặc bạch cầu bị phá hủy nhiều ở ngoại vi.

Minh họa bạch cầu đa nhân trung tính

Tỷ lệ bạch cầu trung tính tăng là khi bệnh nhân gặp phải hiện tượng nhiễm trùng cấp tính. Tuy nhiên đối với những trường hợp bị nhiễm trùng nghiêm trọng như nhiễm trùng máu, thể trạng suy kiệt thì bạch cầu trung tính sẽ giảm. Tình trạng sụt giảm bạch cầu nặng sẽ rất nguy hiểm vì lúc này cơ thể đã bị mất đi “chiếc áo giáp" giúp chống lại các tác nhân gây bệnh.

2. Một số nguyên nhân cụ thể khiến tỷ lệ bạch cầu trung tính tăng

Nhiễm trùng:

Đây là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến tỷ lệ bạch cầu trung tính tăng và đa phần đều là do vi khuẩn xâm nhập. bạch cầu trung tính thường không do virus nhưng ở giai đoạn đầu nhiễm virus thì tỷ lệ bạch cầu cũng có thể tăng cao. Ngoài ra, các loại ký sinh trùng và vi nấm cũng là những nguyên nhân làm tăng số lượng bạch cầu trung tính.

Viêm:

Tỷ lệ bạch cầu trung tính tăng cao có khả năng xuất phát từ nhiều nguyên nhân gây viêm trong cơ thể. Những nguyên nhân này có thể bao gồm:

●       Mất máu;

●       Tổn thương mô do chấn thương, phẫu thuật hoặc bị bỏng;

●       Suy thận cấp;

●       Đau tim;

●       Thiếu máu hồng cầu hình liềm;

●       Viêm loét đại tràng;

●       Bệnh gout hoặc viêm khớp dạng thấp;

●       Hội chứng Cushing;

●       Nhiễm toan ceton do đái tháo đường;

●       Biến chứng thai kỳ như sản giật, tiền sản giật làm tổn thương nội tạng;

●       Thiếu oxy cấp tính.

Suy thận cấp là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ bạch cầu trung tính tăng

Ung thư:

Các bệnh lý ác tính như ung thư cũng có thể khiến tỷ lệ bạch cầu trung tính tăng cao, ví dụ như:

●       Sự hình thành của các khối u, thường gặp nhất là u phổi;

●       Bệnh bạch cầu myelocytic mạn tính (có nguồn gốc từ tủy xương);

●       U lympho Hodgkin: là một loại ung thư xuất phát từ hệ bạch huyết (một phần thuộc hệ thống miễn dịch).

Tác dụng phụ của thuốc:

Bên cạnh nguyên nhân bệnh lý, tăng bạch cầu trung tính cũng có thể bắt nguồn từ nguyên nhân do dùng thuốc. Các loại thuốc khiến tỷ lệ bạch cầu trung tính tăng thường là thuốc chống co giật, heparin, Minocycline, Lithium, Corticosteroids, Clozapine,...

Ngoài ra số lượng bạch cầu trung tính tăng còn là do bệnh nhân bị suy nhược, căng thẳng kéo dài hoặc hút thuốc lá lâu năm.

3. Dấu hiệu nhận biết tỷ lệ bạch cầu trung tính tăng

Phụ thuộc vào nguyên nhân làm tăng bạch cầu trung tính, người bệnh có thể sẽ xuất hiện các biểu hiện như sau:

●       Trên da dễ có các vết bầm tím và bị chảy máu;

●       Cơ thể mệt mỏi, đau nhức, hay sốt;

●       Dị ứng, mẩn ngứa và nổi mề đay ngoài da;

●       Thường xuyên đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm;

●       Cảm thấy khó thở;

●       Đôi khi bạch cầu gia tăng quá cao trong máu sẽ khiến máu có tính chất đặc hơn, điều này làm giảm khả năng lưu thông máu và dễ hình thành các cục máu đông di chuyển trong lòng mạch dẫn tới nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, khó thở,...

Nếu người bệnh gặp phải các dấu hiệu nêu trên thì hãy đi khám ngay để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân và có biện pháp điều trị kịp thời.

4. Những phương pháp chẩn đoán tình trạng tăng bạch cầu trung tính

Để giúp phát hiện ra tỷ lệ bạch cầu trung tính tăng và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này thì người bệnh cần tiến hành những xét nghiệm sau đây:

●       Xét nghiệm công thức máu toàn phần: đây là xét nghiệm thường quy có tác dụng giúp chẩn đoán và hỗ trợ quá trình điều trị nhiều loại bệnh khác nhau. Thông qua hình thức xét nghiệm này, máu của bệnh nhân sẽ được đem đi phân tích tình trạng của từng loại tế bào máu, bao gồm cả tỷ lệ bạch cầu trung tính;

●       Xét nghiệm phết máu ngoại vi: thường được thực hiện đồng thời cùng xét nghiệm công thức máu toàn phần. Sau khi mẫu máu được lấy ra từ cơ thể bệnh nhân, bác sĩ sẽ quan sát nó dưới kính hiển vi để có những đánh giá chung về hình dạng, kích thước, màu sắc của các thành phần tế bào máu. Xét nghiệm phết máu ngoại vi áp dụng cho những trường hợp bị tăng bạch cầu lympho hoặc tăng bạch cầu trung tính, từ đó phần nào xác định được nguyên nhân gây nên tình trạng tỷ lệ bạch cầu trung tính tăng;

●       Xét nghiệm sinh thiết tủy xương:  đây là xét nghiệm chỉ được thực hiện khi các xét nghiệm tế bào máu cơ bản không đủ để phục vụ chẩn đoán bệnh như nghi ngờ ung thư máu hoặc các bệnh lý về cơ quan tạo máu. Mẫu tủy sẽ được chọc hút từ xương ức, xương hông hay phía trước xương chày của bệnh nhân. Sau khi đã thu thập xong, bác sĩ sẽ mang mẫu tủy sinh thiết đi phân tích để kiểm tra xem tủy xương có đang gặp vấn đề gì trong quá trình sản xuất ra bạch cầu hay không.

Các loại xét nghiệm máu sẽ giúp chẩn đoán nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ bạch cầu trung tính tăng

Nhìn chung là có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ bạch cầu trung tính tăng. Việc điều trị tình trạng này sẽ dựa trên nguyên nhân gây bệnh là gì. Thực chất sự gia tăng của bạch cầu trung tính là một triệu chứng cảnh báo một bệnh lý nào đó chứ đây không hẳn là bệnh lý.

Nếu nhận thấy cơ thể đang xuất hiện những dấu hiệu của bạch cầu trung tính tăng, tốt nhất bạn nên đi khám càng sớm càng tốt để kịp thời điều trị. Bạn có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa qua hotline 1900565656, tổng đài viên của MEDLATEC sẽ hỗ trợ bạn.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.