Tin tức

3 vấn đề sức khỏe phổ biến liên quan đến dạ dày tá tràng

Ngày 01/08/2023
ThomNT
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân

3 vấn đề sức khỏe phổ biến liên quan đến dạ dày tá tràng

Dạ dày tá tràng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng trong cơ thể. Tuy nhiên, có nhiều rối loạn và vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến hai cơ quan này. Bài viết dưới đây sẽ tìm hiểu kỹ hơn về 3 vấn đề sức khỏe phổ biến liên quan đến dạ dày và tá tràng, mời bạn đọc tham khảo.

1. Tìm hiểu về viêm loét dạ dày - tá tràng

Viêm loét dạ dày tá tràng là tình trạng mà niêm mạc bề mặt của dạ dày và tá tràng bị tổn thương, viêm nhiễm, dẫn đến hình thành các vết loét.

Viêm loét là tình trạng niêm mạc dạ dày tá tràng bị tổn thương và viêm nhiễm

Nguyên nhân hình thành viêm loét dạ dày tá tràng

Dưới đây là một số nguyên nhân gây bệnh:

       Vi Khuẩn Helicobacter pylori, là một loại vi khuẩn sống trong niêm mạc dạ dày. Vi khuẩn HP sản sinh một loại men trong môi trường axit dạ dày và ăn mòn hàng rào chất nhầy, dẫn đến tổn thương niêm mạc và gây ra những vết loét.

       Tình trạng căng thẳng, lo âu, áp lực tinh thần dài hạn có thể góp phần làm gia tăng sự tiết acid trong dạ dày và làm suy yếu niêm mạc dạ dày tá tràng. Từ đó gây tổn thương trực tiếp lên niêm mạc hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn Helicobacter pylori gây hại.

       Dùng thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, cay, đồ uống nhiều cồn, hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích có thể làm gia tăng acid dạ dày, tạo điều kiện cho viêm loét.

       Các loại thuốc như aspirin, ibuprofen thường được sử dụng để giảm đau và viêm. Tuy nhiên, chúng có thể tác động tiêu cực lên niêm mạc dạ dày và tá tràng, góp phần gây ra viêm loét.

       Các bệnh lý như bệnh tự miễn dạ dày tá tràng, bệnh Crohn, viêm loét đường tiêu hóa và cảm giác thực phẩm không dung nạp cũng có thể là nguyên nhân gây tạo áp lực lên niêm mạc, góp phần vào việc hình thành loét.

Triệu chứng bệnh

Triệu chứng của viêm loét dạ dày tá tràng thường bao gồm đau bụng, vùng thượng vị, đặc biệt sau khi ăn, khi đói hoặc về đêm, ngoài ra có cảm giác đầy bụng, buồn nôn và thậm chí có thể là nôn mửa. Trong trường hợp viêm loét dạ dày, đau thượng vị có thể lan ra sau lưng. Còn viêm loét tá tràng thường đi kèm với triệu chứng tiêu chảy hoặc táo bón.

Triệu chứng thường bao gồm đau bụng, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy

Hướng điều trị bệnh

Việc điều trị và quản lý viêm loét dạ dày tá tràng thường dựa vào nguyên nhân gây ra, mức độ tổn thương và tình trạng sức khỏe của mỗi người. Điều trị có thể bao gồm việc sử dụng thuốc kháng sinh để diệt vi khuẩn Helicobacter pylori, thuốc giảm tiết dịch acid dạ dày và các thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày. Đồng thời, thay đổi lối sống và chế độ ăn uống cũng là phần quan trọng của quá trình điều trị và phòng ngừa viêm loét.

2. Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori dương tính

Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh liên quan đến dạ dày tá tràng. HP là một loại vi khuẩn có khả năng sống trong môi trường axit của dạ dày và có thể tồn tại trong nhiều năm mà không gây triệu chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, HP có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe đáng lo ngại.

HP sản xuất enzyme urease, biến đổi ure thành amoni, tạo môi trường bazơ

HP thường tấn công niêm mạc dạ dày, gây viêm nhiễm và làm tổn thương lớp niêm mạc bảo vệ. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho sự tác động của acid dạ dày, dẫn đến việc hình thành viêm loét.

Triệu chứng

Trong nhiều trường hợp, người nhiễm vi khuẩn HP dương tính không cảm nhận được bất kỳ triệu chứng nào. Đa phần, người bị nhiễm vi khuẩn HP gây ra các triệu chứng của viêm loét dạ dày tá tràng và có các triệu chứng như đã trình bày ở trên.

Chẩn đoán và điều trị

Chẩn đoán nhiễm vi khuẩn HP thường dựa vào xét nghiệm HP qua hơi thở, xét nghiệm phân, xét nghiệm máu, xét nghiệm dịch dạ dày. Để điều trị, các loại kháng sinh thường được sử dụng để loại bỏ vi khuẩn này. Điều trị thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần và có thể kết hợp với các loại thuốc khác để giảm acid dạ dày.

Phòng ngừa

Bạn có thể phòng ngừa nhiễm vi khuẩn HP bằng cách vệ sinh tay thường xuyên và ăn những loại thực phẩm sạch, được nấu chín hoàn toàn, không dùng chung bát đũa, hôn trực tiếp, nhai mớm cho trẻ nhỏ,...

3. Ung thư dạ dày và tá tràng

Ung thư dạ dày tá tràng là những căn bệnh nghiêm trọng, có thể có tác động lớn đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Đây là các dạng ung thư xuất phát từ niêm mạc của dạ dày hoặc tá tràng, và chúng thường được chia thành các loại khác nhau dựa trên vị trí, tế bào bị ảnh hưởng và tính chất di căn.

Ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là một trong những dạng ung thư phổ biến. Các yếu tố nguy cơ bao gồm: việc lạm dụng các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) thường xuyên, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, hút thuốc, sử dụng đồ uống nhiều cồn, và các yếu tố di truyền. Triệu chứng thường không rõ ràng trong giai đoạn đầu, dễ bị nhầm lẫn với tình trạng đau dạ dày thông thường, nhưng người bệnh có thể thường xuyên thấy đau bụng vùng thượng vị, sụt cân, mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa, và khó tiêu.

Ung thư tá tràng

Ung thư tá tràng có thể xuất phát từ các khối u ác tính trong niêm mạc tá tràng. Các nguyên nhân gồm lối sống không lành mạnh, chế độ ăn uống giàu chất béo và thừa cân, cùng với các yếu tố di truyền. Triệu chứng ban đầu thường không rõ, nhưng có thể bao gồm các biểu hiện như: có sự thay đổi về tình trạng phân, đau bụng, và cảm giác mệt mỏi.

Chẩn đoán và điều trị

Chẩn đoán ung thư dạ dày, ung thư tá tràng thường dựa vào xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, CT scan,… cùng với việc xác định tế bào ung thư qua biểu mẫu sinh thiết khi tiến hành nội soi dạ dày tá tràng. Điều trị thường bao gồm phẫu thuật loại bỏ khối u, hóa trị, xạ trị, hay kết hợp nhiều phương pháp.

Thăm khám với bác sĩ chuyên khoa giúp lựa chọn hướng điều trị đúng

Phòng ngừa bệnh

Phòng ngừa ung thư dạ dày và tá tràng thường dựa vào việc duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống giàu chất xơ và rau củ, không hút thuốc, giảm tiêu thụ đồ uống chứa cồn, và tham gia các chương trình sàng lọc ung thư định kỳ và điều trị dứt điểm tình trạng viêm loét dạ dày - tá tràng cũng như nhiễm khuẩn HP.

Trên đây là 3 bệnh lý phổ biến liên quan đến dạ dày tá tràng. Nếu bạn gặp phải những triệu chứng trên, hãy đến tại Chuyên khoa Tiêu hóa tại các phòng khám, bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và có hướng chữa trị hiệu quả. Ngoài ra, bạn có thể gọi đến số tổng đài của MEDLATEC theo số 1900 565656 để được tư vấn và giải đáp các thắc mắc.

BS Vân đã duyệt

Từ khoá: dạ dày tá tràng

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.