Các tin tức tại MEDlatec
Ho gà ở trẻ em nguy hiểm như thế nào? Hướng dẫn nhận diện và xử trí an toàn
- 29/04/2022 | Hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc trẻ bị ho gà
- 04/02/2023 | Những điều cần biết về tiêm vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván
- 31/12/2023 | Cảnh báo về các biến chứng của bệnh ho gà
1. Ho gà ở trẻ em là bệnh như thế nào?
Ho gà là bệnh do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Bệnh lây lan qua đường hô hấp, nhất là khi trẻ tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Trẻ bị lây nhiễm ho gà từ người bệnh qua các giọt bắn trong không khí khi họ ho hoặc hắt hơi. Trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc chưa có miễn dịch tự nhiên đối với vi khuẩn Bordetella pertussis có nguy cơ mắc bệnh cao.
Ho gà ở trẻ em trải qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn ủ bệnh: 4-21 ngày thường gặp 7 - 10 ngày: sổ mũi, sốt nhẹ, ho ít
- Giai đoạn toàn phát: 1 - 6 tuần có thể kéo dài đến 10 tuần :
+ Ho mạnh, dồn dập, thở gấp.
+ Thở rít hoặc thở phát ra âm thanh như tiếng gà gáy sau mỗi cơn ho.
+ Mặt đỏ hoặc tím tái.
+ Có thể nôn sau mỗi cơn ho.
- Giai đoạn lui bệnh: 7 - 10 ngày
Sau khi cơn ho dữ dội giảm dần, trẻ vẫn có thể ho nhẹ thêm một thời gian nữa. Tuy nhiên, sức khỏe của trẻ dần hồi phục và các triệu chứng sẽ cải thiện.
Sự xuất hiện của các cơn ho gà khiến trẻ mất ngủ và mệt mỏi
2. Ho gà ở trẻ em có phải là bệnh nguy hiểm hay không?
Ho gà ở trẻ em là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, đặc biệt là khi trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc có hệ miễn dịch yếu. Biến chứng tiềm ẩn do ho gà ở trẻ có thể bao gồm:
2.1. Biến chứng hô hấp
Ho gà là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nên khi không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến hệ hô hấp, thường gặp nhất là viêm phổi.
Trẻ em mắc ho gà dễ bị viêm phổi do vi khuẩn gây nhiễm trùng phổi, khiến trẻ bị khó thở và giảm oxy trong máu. Nếu không được điều trị kịp thời trẻ rất dễ bị suy hô hấp.
Những cơn ho kịch phát kéo dài do ho gà ở trẻ em khiến trẻ khó thở, thở nhanh hoặc thở không đều. Khi đó, lượng oxy cung cấp cho cơ thể bị giảm nên trẻ gặp tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng, cần được hỗ trợ hô hấp nhanh chóng.
2.2. Biến chứng hệ thần kinh
Thiếu oxy trong cơ thể do những cơn ho mạnh có thể khiến trẻ có các cơn co giật. Những cơn co giật thường kéo dài và dẫn đến tổn thương thần kinh nếu không được xử lý ngay.
Trong trường hợp nghiêm trọng, thiếu oxy kéo dài còn gây tổn thương não bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ.
2.3. Biến chứng tim mạch
Các cơn ho kịch phát do ho gà khiến nhịp tim của trẻ không đều hoặc nhanh bất thường. Ho dữ dội còn làm giảm huyết áp đột ngột, khiến trẻ bị choáng váng, ngất xỉu. Nếu tình trạng này xảy ra nhiều lần, có thể dẫn đến suy tim hoặc các vấn đề tim mạch nghiêm trọng hơn.
2.4. Nhiễm khuẩn huyết và tử vong
Nhiễm khuẩn huyết do ho gà có nguy cơ cao ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu. Tình trạng này xuất hiện khi vi khuẩn Bordetella pertussis xâm nhập vào máu, gây ra phản ứng viêm toàn thân.
Trẻ bị nhiễm khuẩn huyết sẽ có hiện tượng nhịp tim nhanh, sốt cao, hạ huyết áp, da tái nhợt, mệt mỏi. Khi không được điều trị ngay, trẻ có thể đứng trước nguy cơ suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn nguy hiểm đến tính mạng.
Ho gà kéo dài khiến trẻ bị đau tức ngực, thay đổi nhịp tim, thậm chí suy tim
3. Phương hướng xử trí khi trẻ bị ho gà
Để bệnh ho gà ở trẻ giảm biến chứng và hồi phục sức khỏe nhanh, cha mẹ cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa. Thông thường, điều trị ho gà cho trẻ bao gồm:
3.1. Điều trị kháng sinh
Ho gà ở trẻ em điều trị bằng kháng sinh theo phác đồ và theo diễn biến bệnh đối với tình trạng nhiễm trùng - nhiễm khuẩn huyết, nhằm tiêu diệt vi khuẩn Bordetella pertussis gây bệnh ho gà.
3.2. Hỗ trợ hô hấp
Trong giai đoạn ho gà nặng, đặc biệt khi trẻ có những cơn ho dữ dội hoặc ngừng thở sẽ cần hỗ trợ hô hấp để trẻ dễ thở hơn bằng cách:
- Vỗ lưng: Khi trẻ bị ho bố mẹ có thể khum lòng bàn tay lại và vỗ lưng nhẹ nhàng cho con để mở rộng đường hô hấp, giảm tắc nghẽn và giúp trẻ lấy lại hơi thở.
- Giữ cho trẻ ngồi ở tư thế thoải mái: Hãy cho trẻ ngồi trong tư thế ngồi thẳng lưng hoặc ngả lưng thoải mái khi có cơn ho. Tư thế này giúp mở rộng lồng ngực, hỗ trợ quá trình thở.
- Thở oxy: Khi trẻ khó thở ở mức nghiêm trọng, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi, sẽ được chỉ định thở oxy để hỗ trợ hoạt động của hệ hô hấp.
3.3. Bổ sung dinh dưỡng và nước
Ho gà khiến trẻ bị mệt mỏi và nôn sau mỗi cơn ho, khả năng ăn uống và tiêu hóa suy giảm. Cha mẹ nên bổ sung dinh dưỡng và nước đúng cách để tăng khả năng hồi phục cho trẻ:
Cho trẻ uống nước ấm hoặc sữa để cơ thể không bị mất nước. Nước ấm còn giúp làm dịu cổ họng và giảm thiểu cơn ho.
- Cho trẻ ăn những món dễ tiêu hóa như cháo, súp hoặc các loại thức ăn mềm để tránh gây áp lực lên dạ dày và ruột.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất như vitamin C và kẽm theo chỉ dẫn của bác sĩ để cải thiện hệ miễn dịch của trẻ.
Ho gà ở trẻ em cần được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán đúng để có biện pháp điều trị tích cực
3.4. Giữ môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ
Trẻ bị ho gà cần được nghỉ ngơi trong không gian thoáng mát, sạch sẽ sẽ dễ chịu hơn và giảm thiểu các yếu tố kích thích bệnh phát triển.
Ngoài ra, trẻ cũng cần được tránh xa môi trường có khói thuốc vì điều này dễ gây kích thích đường hô hấp khiến cơn ho trở nên nghiêm trọng hơn.
3.5. Theo dõi sức khỏe để can thiệp kịp thời
Trong quá trình chăm sóc trẻ tại nhà, bố mẹ cần theo dõi sát sao sức khỏe của con để xem bệnh có diễn biến nặng thêm hay không. Nếu trẻ có các cơn ho dữ dội kéo dài hơn hoặc có dấu hiệu khó thở thì cần đưa con đến cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra. Trường hợp trẻ có thêm dấu hiệu sốt cao, co giật, môi và mặt tím tái, thở nhanh và gấp thì cần được cấp cứu ngay lập tức.
Ho gà ở trẻ em tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm nên cần nhận diện triệu chứng sớm để có biện pháp điều trị đúng. Cho trẻ tiêm vắc xin ho gà là cách tốt nhất để trẻ được bảo vệ trước bệnh lý này.
Nếu trẻ có dấu hiệu nghi ngờ bị ho gà, cha mẹ có thể liên hệ đặt lịch khám cho con cùng bác sĩ chuyên khoa Nhi - Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!