Các tin tức tại MEDlatec
Mắt: Cấu tạo, vai trò và các bệnh lý thường gặp của cơ quan thị giác
- 09/11/2024 | Có khả năng phục hồi dây thần kinh thị giác được không?
- 27/12/2024 | Mổ cườm mắt giá bao nhiêu? Những lưu ý cần biết
- 06/01/2025 | Giải phẫu mắt: Phân tích cấu tạo, vai trò và cơ chế hoạt động
1. Khái quát một số vấn đề về thị giác
Hàng ngày, hình ảnh mà con người nhìn thấy và nhận biết được là kết quả thu được từ đôi mắt và hệ thần kinh thị giác. Cơ quan này có các bộ phận chính như sau:
- Giác mạc: Lớp trong suốt bao phủ trước mắt, giúp hội tụ ánh sáng.
- Thủy tinh thể: Điều chỉnh tiêu điểm để nhìn rõ vật thể ở nhiều khoảng cách.
- Mống mắt: Nằm ngay sau giác mạc và bao quanh đồng tử, có chức năng điều chỉnh kích thước đồng tử để kiểm soát lượng ánh sáng vào mắt. Trong điều kiện sáng, mống mắt co lại để giảm lượng ánh sáng, trong điều kiện tối, mống mắt giãn ra để tối đa lượng ánh sáng vào trong mắt.
- Võng mạc: Nơi ánh sáng được chuyển hóa thành tín hiệu thần kinh.
- Dây thần kinh thị giác: Dẫn truyền tín hiệu từ mắt tới não bộ để xử lý thành hình ảnh.
Hình ảnh về cấu tạo của thị giác
2. Vai trò và cơ chế hoạt động của mắt trong cơ quan thị giác
2.1. Vai trò của mắt trong cơ quan thị giác
Mắt là bộ phận trung tâm và quan trọng nhất trong cơ quan thị giác, đóng vai trò như một "máy quay" tự nhiên giúp con người nhận thức và tương tác với môi trường xung quanh:
- Thu nhận ánh sáng
Mắt là nơi ánh sáng từ môi trường bên ngoài đi vào. Ánh sáng này được giác mạc và thấu kính hội tụ để tạo ra hình ảnh trên võng mạc. Nhờ khả năng tự điều chỉnh tiêu cự, mắt có thể nhìn rõ các vật thể ở cả xa và gần.
- Tiếp nhận thông tin
Võng mạc trong mắt chứa hàng triệu tế bào cảm quang chịu trách nhiệm tiếp nhận ánh sáng, màu sắc và độ sáng. Những tín hiệu này được chuyển hóa thành tín hiệu thần kinh và truyền qua dây thần kinh thị giác đến não bộ để xử lý.
- Hỗ trợ định hướng không gian
Mắt có khả năng nhận biết chi tiết về hình dạng, màu sắc và khoảng cách. Nhờ vậy mà con người xác định được độ sâu, khoảng cách để di chuyển an toàn, đúng hướng.
- Phát hiện nguy hiểm và phản xạ bảo vệ
Mắt giúp phát hiện các yếu tố nguy hiểm trong môi trường như vật thể di chuyển nhanh hoặc ánh sáng mạnh. Từ đó, mắt có phản xạ tự nhiên như nhắm mắt, chớp mắt hoặc co đồng tử để bảo vệ mắt tránh khỏi tổn thương.
- Hỗ trợ giao tiếp và biểu đạt cảm xúc
Ngoài chức năng nhìn, mắt còn là một công cụ quan trọng trong giao tiếp phi ngôn ngữ. Ánh mắt có thể biểu lộ cảm xúc vui, buồn, ngạc nhiên, sợ hãi, lo âu,... giúp tăng cường sự kết nối giữa con người.
Thị giác giúp con người nhận biết rõ ràng hình ảnh thế giới xung quanh
2.2. Cơ chế hoạt động
Thị giác hoạt động tương đối phức tạp, trong đó ánh sáng được tiếp nhận và chuyển đổi thành tín hiệu thần kinh, sau đó được não bộ xử lý thành hình ảnh, thông qua các bước:
- Thu nhận ánh sáng
Ánh sáng từ bên ngoài đi vào mắt qua giác mạc và tiếp tục đi qua đồng tử, tập trung tại thấu kính để hình ảnh được chiếu lên võng mạc.
- Chuyển đổi ánh sáng thành tín hiệu thần kinh
Võng mạc chứa hai loại tế bào cảm quang là tế bào que giúp nhìn trong bóng tối và tế bào nón giúp nhìn vào điều kiện ánh sáng ban ngày. Các tế bào này chuyển đổi ánh sáng thành tín hiệu điện rồi truyền đến dây thần kinh thị giác.
- Xử lý hình ảnh tại não bộ
Tín hiệu thần kinh từ dây thần kinh thị giác được truyền tới vỏ não thị giác ở thùy chẩm. Tại đây, não bộ phân tích và tái tạo thành hình ảnh hoàn chỉnh, giúp con người nhận thức môi trường một cách rõ ràng.
3. Các vấn đề thị giác thường gặp
3.1. Cận thị
Cận thị là tình trạng mắt chỉ nhìn rõ vật ở gần, nhưng lại nhìn mờ vật ở xa. Nguyên nhân chính là do hình ảnh hội tụ trước võng mạc chứ không phải bên trên võng mạc như mắt bình thường. Người bị cận thị có biểu hiện nhức mắt khi nhìn tập trung, nhìn xa thấy hình ảnh mờ nhòe,...
3.2. Viễn thị
Viễn thị khiến người bệnh nhìn vật ở xa rõ nhưng lại nhìn mờ vật ở gần. Bệnh lý này xảy ra khi hình ảnh nhận được hội tụ phía sau võng mạc. Ngoài ra, người bị viễn thị có biểu hiện mỏi mắt, đau đầu khi đọc sách,...
3.3. Loạn thị
Trong bệnh lý này, người bệnh nhìn hình ảnh bị méo mó, không rõ nét. Nguyên nhân chính là do giác mạc hoặc thủy tinh thể có hình dạng không đều. Lúc này người bệnh nhìn mờ cả ở xa và gần, dễ bị chóng mặt.
3.4. Đục thủy tinh thể
Đây là tình trạng khả năng nhìn suy giảm do thủy tinh thể bị mờ đục, thường gặp nhất ở người lớn tuổi. Triệu chứng điển hình của bệnh là nhìn mờ, nhìn vào đèn ánh sáng sẽ gây chói lóa.
Thăm khám bác sĩ Nhãn khoa giúp chẩn đoán đúng bệnh lý về thị giác
3.5. Thoái hóa điểm vàng
Thoái hóa điểm vàng gây mất thị lực trung tâm nên người bệnh khó nhận diện khuôn mặt và đọc chữ. Người bị thoái hóa điểm vàng nhìn hình ảnh biến dạng, hình ảnh bị mờ ở phía trung tâm.
4. Làm cách nào để bảo vệ thị giác?
Thị giác đóng nhiều vai trò quan trọng đối với hoạt động sống của con người nhưng lại dễ bị tác động của các yếu tố gây tổn thương. Một số biện pháp sau có thể giúp bảo vệ thị giác:
- Chế độ ăn lành mạnh với sự ưu tiên thực phẩm chứa vitamin A giúp cải thiện thị lực, omega-3 giữ ẩm cho mắt
- Cho mắt nghỉ ngơi bằng cách
+ Áp dụng quy tắc 20 - 20 - 20 nhìn vào một vật cách xa 20 feet sau 20 phút làm việc, nhìn trong 20 giây để tránh tình trạng nhìn quá lâu vào màn hình.
+ Đeo kính chống tia UV khi ra ngoài trời và đeo kính bảo hộ nếu điều kiện làm việc gây nguy hại cho mắt.
- Khám mắt định kỳ để phát hiện và thực hiện điều trị sớm các vấn đề về thị giác.
Mắt là phần quan trọng của cơ quan thị giác, giúp con người nhận thức và kết nối với thế giới xung quanh. Vì thế, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe thị giác cũng sẽ giúp bạn yên tâm có được đôi mắt khỏe mạnh.
Trường hợp gặp phải vấn đề bất thường ở cơ quan thị giác, quý khách hàng có thể liên hệ đặt khám cùng bác sĩ chuyên khoa Mắt - Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!