Các tin tức tại MEDlatec
Nhiễm trùng đường hô hấp trên ở trẻ: Làm sao phòng ngừa?
- 01/07/2023 | Bệnh lao hô hấp có nguy hiểm không? Phòng bệnh như thế nào?
- 01/07/2023 | Nên làm gì khi phát hiện tình trạng bỏng đường hô hấp?
- 01/07/2023 | Các loại suy hô hấp mà bệnh nhân không nên chủ quan
1. Tìm hiểu nhiễm trùng đường hô hấp trên ở trẻ
Nhiễm trùng hô hấp ở trẻ em bao gồm nhiễm trùng hô hấp trên và nhiễm trùng hô hấp dưới. Trong đó, nhiễm trùng hô hấp trên xảy ra khi mũi, xoang, hầu, họng và thanh quản của trẻ bị viêm nhiễm. Quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ xác định chính xác viêm nhiễm xảy ra ở cơ quan nào. Có nhiều trường hợp viêm nhiễm xảy ra đồng thời ở nhiều cơ quan.
Nguyên nhân gây nhiễm trùng hô hấp trên ở trẻ
Nhiễm trùng đường hô hấp trên ở trẻ phần lớn là do virus (chiếm 85% trường hợp). Ngoài ra, vi khuẩn, nấm mốc và bụi bẩn cũng là tác nhân khiến trẻ bị nhiễm trùng hô hấp trên. Bên cạnh đó, trẻ em - đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch yếu, khi tiếp xúc với các điều kiện bất lợi như môi trường ô nhiễm, không gian ẩm thấp, nhiệt độ lạnh, người đang mắc bệnh,… sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
Trẻ nhỏ thường dễ gặp các vấn đề liên quan đến đường hô hấp
Triệu chứng nhiễm trùng hô hấp trên ở trẻ
Khi bị nhiễm trùng hô hấp trên, trẻ xuất hiện nhiều triệu chứng, bao gồm:
- Sốt.
- Ho, có thể là ho khan hoặc ho có đờm.
- Khó thở, thở khò khè.
- Nghẹt mũi, sổ mũi.
- Đau họng, khó nuốt, nuốt vướng.
- Chán ăn, bỏ ăn, bỏ bú.
- Dụi mắt, chảy nước mắt.
- Mệt mỏi, quấy khóc.
Lưu ý, không phải trẻ nào bị nhiễm trùng hô hấp trên cũng xuất hiện tất cả các triệu chứng này. Tùy vào sức khỏe tổng thể và nguyên nhân gây bệnh mà triệu chứng ở mỗi trẻ sẽ khác nhau.
Đặc biệt, với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tháng tuổi, các biểu hiện thường không rõ ràng. Ba mẹ cần theo dõi sát sao, nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
Khi bị nhiễm trùng đường hô hấp, trẻ thường bị sốt, mệt mỏi,…
2. Nhiễm trùng đường hô hấp trên ở trẻ - nên làm gì?
Nói chung, nhiễm trùng hô hấp ở trẻ em nếu được phát hiện sớm và điều trị, chăm sóc tích cực thì bệnh sẽ thuyên giảm và khỏi sau 5 - 7 ngày. Đối với nhiễm trùng hô hấp trên, việc điều trị khá đơn giản, tuy nhiên, nếu không tuân thủ phác đồ điều trị, bênh sẽ dễ dẫn đến biến chứng nhiễm trùng hô hấp dưới hoặc tái phát liên tục, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.
Điều trị tại nhà
Nhiễm trùng đường hô hấp trên ở trẻ mức độ nhẹ, trẻ vẫn ăn ngủ được và sinh hoạt bình thường, ba mẹ có thể điều trị tại nhà bằng cách tích cực cho trẻ uống nước, ăn trái cây, thức ăn loãng. Ngoài ra, có thể dùng thuốc hạ sốt, siro ho thảo dược và nước muối sinh lý đúng cách để giúp bệnh mau khỏi.
Thăm khám bác sĩ
Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tháng tuổi, ba mẹ không nên tự điều trị tại nhà mà cần đưa bé đến gặp bác sĩ. Ngoài ra, trường hợp trẻ sốt trên 3 ngày, sốt co giật, ho nhiều, khó thở, ăn ngủ kém và quấy khóc cũng cần được thăm khám bác sĩ. Qua thăm khám và kiểm tra, bác sĩ sẽ tìm kiếm nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị. Trường hợp nhiễm trùng hô hấp do vi khuẩn hay có nguy cơ bội nhiễm, trẻ sẽ được dùng kháng sinh. Hay trẻ ho nhiều, ho có đờm, bác sĩ sẽ kê thuốc long đờm.
Đặc biệt, trẻ có triệu chứng khó thở, thở nhanh, co rút lồng ngực, người tím tái,… cần được hỗ trợ hô hấp nhanh chóng. Nếu không được điều trị tích cực và kịp thời trong tình huống này, trẻ sẽ đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng, nguy hiểm.
Cho trẻ thăm khám bác sĩ nếu trẻ mệt nhiều, ăn ngủ kém
3. Phòng ngừa nhiễm trùng hô hấp ở trẻ em
Ba mẹ có thể chủ động phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp trên ở trẻ bằng cách thực hiện các biện pháp sau.
Tiêm phòng đầy đủ
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần được tiêm phòng đầy đủ các mũi vắc xin phòng bệnh theo khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong đó, vắc xin phòng bệnh lao, vắc xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1, vắc xin phòng phế cầu, vắc xin phòng cúm sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh các bệnh về hô hấp. Nếu mắc cũng tránh được các biến chứng.
Không gian sống sạch sẽ
Không gian sinh hoạt, đặc biệt là phòng ngủ của trẻ cần được dọn dẹp thường xuyên. Việc này giúp loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn, nấm mốc tích tụ, gây ra các vấn đề hô hấp ở trẻ. Nếu sinh sống ở khu vực nhiều khói bụi, ba mẹ cần trang bị hệ thống lọc không khí trong nhà.
Giữ vệ sinh cá nhân
Ba mẹ hãy hướng dẫn trẻ giữ gìn vệ sinh cá nhân bằng cách không sờ, chạm hay cầm nắm những vật dụng bị bám bụi bẩn. Đồng thời, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Ngoài ra, khi ho hay hắt xì, phải dùng tay che miệng và mũi, sau đó rửa mặt và rửa tay cẩn thận.
Tránh tiếp xúc người bệnh
Nếu gia đình có người thân bị bệnh, cần tránh cho trẻ tiếp xúc. Bên cạnh đó, khi ra ngoài, ở nơi đông người, chú ý đeo khẩu trang cho trẻ và không cho trẻ đến gần những người đang có triệu chứng ho, nghẹt mũi, sổ mũi,… để tránh bị lây nhiễm bệnh.
Cho trẻ đeo khẩu trang khi ra ngoài
Tăng cường sức đề kháng
Đây cũng là cách giúp phòng nhiễm trùng hô hấp ở trẻ em hiệu quả. Để tăng cường sức đề kháng, ba mẹ cần cho trẻ ăn uống khoa học và đầy đủ dưỡng chất, uống đủ nước, ngủ đủ giấc và tích cực vận động ngoài trời. Nếu muốn bổ sung sắt, kẽm, canxi,… hãy trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn phù hợp. Đặc biệt, ba mẹ đừng quên xổ giun định kỳ cho trẻ, ít nhất 6 tháng 1 lần.
Trên đây là các biện pháp giúp phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp trên ở trẻ, hy vọng ba mẹ sẽ áp dụng đúng cách để con yêu luôn khỏe mạnh. Nếu bé các biểu hiện bệnh hô hấp, dù đã điều trị và chăm sóc tại nhà nhưng không khỏi, ba mẹ hãy đưa bé đến Chuyên khoa Nhi của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đăng ký lịch khám trước cho bé yêu, ba mẹ hãy gọi 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!