Các tin tức tại MEDlatec
Tai bị đau nhức bên ngoài là bị làm sao và cách thức chẩn đoán
- 04/03/2025 | Tại sao bị đau quai hàm gần tai bên trái? Làm sao để khắc phục?
- 10/03/2025 | Ngoáy tai bị chảy máu có sao không? Nên làm gì?
- 12/03/2025 | Tai bị bump do đâu? Cách chăm sóc lỗ xỏ nhanh lành
1. Như thế nào là đau nhức bên ngoài tai?
Đau nhức bên ngoài tai có mức độ khác nhau ở từng trường hợp mắc phải. Cơn đau này thường tập trung ở vùng vành tai và ống tai ngoài kèm theo các hiện tượng khác như: da bị tấy đỏ, ngứa, sưng, nghe kém, đau đầu, sốt,... thậm chí có trường hợp sẽ bị chảy dịch, mủ bên ngoài tai, khiến người bệnh khó tập trung vào hoạt động hàng ngày.
2. Nguyên nhân nào khiến tai bị đau nhức bên ngoài?
2.1. Nhiễm trùng tai ngoài
Nhiễm trùng tai ngoài có thể gây nên tình trạng tai bị đau nhức bên ngoài. Nguyên nhân gây nhiễm trùng tai thường là do vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa, Candida, Aspergillus,...
Khi bị nhiễm trùng tai ngoài, người bệnh sẽ có triệu chứng ngứa, đỏ, sưng và có dịch tiết chảy bên ngoài tai. Nếu không được xử lý kịp thời, nhiễm trùng có thể lan rộng gây tổn thương cho các bộ phận khác của tai như viêm tai giữa, viêm mô bào vành tai, áp xe ống tai ngoài,...
Sự tấn công của virus, vi khuẩn thường là nguyên nhân khiến tai bị đau nhức bên ngoài
2.2. Va đập gây chấn thương tai
Chấn thương do va đập hoặc các tác động mạnh vào tai bên ngoài cũng là một nguyên nhân thường gặp trong các trường hợp bị đau nhức ngoài tai. Những va chạm này làm tổn thương da hoặc sụn tai, tạo ra vết trầy xước, thậm chí có thể biến dạng vành tai từ đó gây nên cảm giác choáng đau cho người bệnh.
2.3. Dị ứng
Ngoài nhiễm trùng và chấn thương, các yếu tố dị ứng hoặc tiếp xúc với các chất kích thích cũng có thể khiến tai bị đau nhức bên ngoài. Đây là trường hợp thường gặp ở những người có tiền sử dị ứng với phấn hoa, mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc tóc, nhuộm tóc, khuyên tai có thành phần kim loại hợp kim, côn trùng đốt,...
Khi tiếp xúc với dị ứng nguyên, da tai có thể phản ứng bằng cách sưng, đỏ, ngứa xuất tiết dịch, nổi nốt mủ và đôi khi có thể gây đau.
3. Tai bị đau nhức bên ngoài không điều trị có thể gây nên biến chứng gì?
Đau nhức bên ngoài tai không chỉ gây khó chịu mà còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời:
3.1. Nhiễm trùng lan rộng
Nếu nguyên nhân gây đau ngoài tai là do nhiễm trùng (viêm sụn tai, viêm nang lông, áp xe...), vi khuẩn có thể lan rộng sang các vùng lân cận như tai giữa, xương chũm hoặc thậm chí tấn công vào máu, gây nhiễm trùng huyết.
Đặc biệt, với những người có hệ miễn dịch yếu, nếu bị nhiễm trùng, tình trạng bệnh có thể diễn tiến nghiêm trọng hơn và khó kiểm soát.
3.2. Viêm mô tế bào
Viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm trùng sâu vào lớp mô dưới da, khiến tai bị sưng đỏ, đau nhức dữ dội và có thể gây sốt. Nếu không điều trị sớm, viêm mô tế bào có thể dẫn đến hoại tử mô, khiến quá trình điều trị trở nên phức tạp.
3.3. Biến dạng tai vĩnh viễn
Viêm sụn và áp xe có thể gây biến dạng tai, khiến tai sưng phồng, mất đi hình dạng tự nhiên. Nếu không phát hiện để điều trị ngay, có trường hợp sẽ cần phẫu thuật chỉnh hình để chỉnh hình tai.
3.4. Suy giảm thính lực
Trường hợp nhiễm trùng lan vào ống tai hoặc tai giữa có thể gây ảnh hưởng đến chức năng nghe. Khi viêm nhiễm kéo dài nhiều ngày không được can thiệp, các cấu trúc bên trong tai dễ bị tổn thương. Đây chính là nguyên nhân gây suy giảm thính lực tạm thời hoặc mất thính lực vĩnh viễn.
Tổn thương tai gây đau nhức không được điều trị có thể làm giảm khả năng nghe
4. Chẩn đoán xác định nguyên nhân đau nhức bên ngoài tai bằng cách nào?
Tai bị đau nhức bên ngoài trong nhiều trường hợp, nếu không được điều trị đúng cách, có thể gây ngứa và phồng rộp da khiến người bệnh khó chịu, làm suy giảm chức năng nghe, tăng nguy cơ lan rộng nhiễm trùng, thậm chí có thể gây viêm tai giữa,...
Có nhiều nguyên nhân khiến tai bị đau nhức bên ngoài và hầu hết trường hợp người bệnh không thể tự xác định được nguyên nhân khiến mình gặp phải tình trạng này. Vì thế, thăm khám bác sĩ chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân là việc làm cần thiết.
Quá trình chẩn đoán nguyên nhân gây đau nhức ngoài tai thường được bác sĩ thực hiện qua các bước:
4.1. Khám lâm sàng
Người bệnh sẽ được bác sĩ kiểm tra tình trạng bên ngoài tai và yêu cầu trả lời các câu hỏi về quá trình phát triển của triệu chứng, thời gian khởi phát, các yếu tố có thể liên quan như tiếp xúc với nước bẩn, chấn thương, chất kích thích,... Quá trình này sẽ giúp bác sĩ thu thập thông tin, đưa ra nhận định ban đầu để chỉ định bệnh nhân thực hiện các kiểm tra cần thiết về sau.
4.2. Kiểm tra cận lâm sàng
- Nội soi tai
Để quan sát bên trong tai một cách rõ ràng, bác sĩ sẽ dùng ống soi tai chuyên dụng. Từ hình ảnh thu được trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ xác định mức độ tổn thương, tìm kiếm dịch mủ, chất nhầy,... hay bất cứ dấu hiệu viêm nhiễm nào khác để xác định nguyên nhân khiến tai bị đau nhức bên ngoài.
- Xét nghiệm dịch tai
Nếu nghi ngờ nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm, bác sĩ sẽ lấy mẫu dịch từ tai để gửi tới phòng xét nghiệm. Kết quả của xét nghiệm giúp xác định chính xác loại vi khuẩn hoặc nấm gây bệnh để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất.
- Cắt lớp vi tính tai - xương đá
Trong trường hợp bệnh nhân có chấn thương tai hoặc nghi ngờ tổn thương sâu, bác sĩ sẽ đề nghị cắt lớp vi tính tai - xương đá. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính tai - xương đá sẽ cung cấp thông tin chi tiết về cấu trúc xương, tổn thương viêm và các mô mềm xung quanh tai để bác sĩ có căn cứ đánh giá chính xác tình trạng tổn thương.
Nếu bị đau nhức ngoài tai, người bệnh nên khám bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá đúng
Không phải mọi trường hợp có triệu chứng tai bị đau nhức bên ngoài đều có thể tiến triển nghiêm trọng nhưng nếu tình trạng này kéo dài trên 48 giờ, kèm theo các triệu chứng như sưng đỏ nghiêm trọng, chảy máu hay chất dịch kèm mùi hôi,... thì người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra, chẩn đoán đúng.
Nếu đang có dấu hiệu bất thường ở tai, đặc biệt là trường hợp suy giảm khả năng nghe, quý khách hàng có thể liên hệ ngay Hotline 1900 56 56 56 để đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Qua đó, quý khách sẽ được kiểm tra, chẩn đoán đúng tình trạng của mình và biết hướng điều trị tốt nhất để tránh biến chứng nguy hiểm.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!