Các tin tức tại MEDlatec
Thảo dược cây cúc tần có thể chữa bệnh gì?
- 12/08/2024 | Cây xương rồng và những bài thuốc chữa bệnh ít ai biết đến
- 14/08/2024 | Cây bao báp và 5 lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe
- 14/08/2024 | Tìm hiểu về bài thuốc chữa bệnh từ cây an xoa
1. Khái quát đặc điểm sinh học cây cúc tần
Cây cúc tần (đại ngải, băng phiến ngải, đại bi, từ bi, lức ấn) thuộc họ Cúc. Loài cây này có nguồn gốc từ Malaysia và Ấn Độ, thân mọc thẳng, cao 1 - 2m, phủ lông tơ.
Cành cúc tần nhỏ, mảnh. Lá cúc tần dạng bầu dục, đầu nhọn, mép có răng cưa, không cuống hoặc có cuống nhưng cuống ngắn. Hoa cúc tần màu tím, mọc chùm. Quả cúc tần nhỏ, hình trụ với 10 cạnh.
Cây cúc tần có mùi hương thoảng nhẹ do chứa thành phần tinh dầu. Ở nước ta, có thể tìm thấy loài cây này ở vùng sườn đồi, nhất là các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình,... Loài cây này thường mọc dại nhưng hiện nay cũng đã có mặt trong nhiều vườn thảo dược.
Cây cúc tần mọc hoang ở nhiều vùng của nước ta
2. Thành phần hóa học và cách thức khai thác dược liệu cây cúc tần
Cây cúc tần chứa hàm lượng tinh dầu cao cùng các thành phần như: sắt, caroten, protein, xenluloza, vitamin C, canxi, lipid,...
Có thể thu hoạch cây cúc tần quanh năm để làm dược liệu nhưng tốt nhất là vào mùa hè. Thân ngọn, lá và rễ cây cúc tần được làm dược liệu ở dạng tươi hoặc phơi khô. Nếu bảo quản dạng dược liệu khô, cần rửa sạch, thái khúc ngắn sau đó đem phơi hoặc sấy rồi bảo quản trong túi kín ở nơi khô mát.
3. Công dụng của cây cúc tần đối với sức khỏe
Theo Đông y, cúc tần vị đắng, tính mát, quy kinh vào phế và thận. Dân gian dùng cây cúc tần để chữa cảm sốt, thấp khớp, đau nhức xương, lợi tiểu, tiêu viêm, sát trùng, tiêu đờm, cầm máu,...
Y học hiện đại đã chỉ ra rằng tinh dầu trong lá cúc tần với các thành phần: camphor, borneol, limonen, cineol,... nếu pha loãng trong polyethylene glycol thì có thể tiêu diệt một số chủng vi nấm, vi khuẩn thường gặp như Candida albicans, Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Microsporum gypseum,... Rễ cúc tần chứa chất có khả năng gây ức chế tác nhân gây sưng phù khớp. Hoạt chất ꞵ-sitosterol và stigmasterol trong cây cúc tần có thể điều trị tiểu đường, trung hòa nọc độc của loài rắn.
4. Bài thuốc chữa bệnh sử dụng dược liệu cúc tần
4.1. Chữa cảm sốt, nhức đầu
- Nguyên liệu: 8g mỗi loại: lá sả, lá chanh, lá cúc tần.
- Cách thực hiện: đem toàn bộ thảo dược đã chuẩn bị sắc lấy nước uống khi còn ấm. Phần bã còn lại sắc thêm lần nữa dùng để xông hơi.
Ngoài bài thuốc này, người bệnh cũng có thể dùng lá bàng, lá hương nhu, lá cúc tần để sắc lấy nước uống.
4.2. Chữa đau mỏi lưng
- Nguyên liệu: 1 nắm thân cây cúc tần.
- Cách thực hiện: rửa sạch cúc tần, để ráo rồi giã nhuyễn, trộn thêm 1 thìa rượu trắng vào sau đó đem sao vàng, đổ vào một chiếc khăn mỏng và đắp lên lưng.
Cúc tần sao vàng, chườm nóng có thể giảm đau lưng
4.3. Chữa thấp khớp
- Nguyên liệu: 20g rễ cây cúc tần, 10g đinh lăng, dây cam thảo 10g, rễ trinh nữ 20g, rễ bưởi bung 20g.
- Cách thực hiện: sắc toàn bộ dược liệu lấy nước uống, thực hiện trong vòng 1 tuần.
4.4. Chữa viêm phế quản
- Nguyên liệu: 2 nắm gạo, cúc tần 20g, gừng tươi 3g, thịt lợn nạc 50g.
- Cách thực hiện: thịt lợn đem băm nhỏ, gừng rửa sạch và thái thành lát mỏng, gạo vo sạch, tất cả đem nấu cháo cho nhừ sau đó ăn khi đói và cháo còn nóng, 3 bữa/ngày, liên tục trong 3 ngày.
4.5. Chữa bầm tím do chấn thương
- Nguyên liệu: 1 nắm lá cây cúc tần tươi.
- Cách thực hiện: rửa sạch cúc tần sau đó giã nhuyễn và đắp trực tiếp lên vùng da bị bầm dập do chấn thương. Thực hiện cách làm này cho đến khi tình trạng bầm tím không còn nữa.
4.6. Chữa hen suyễn
- Nguyên liệu: 1 bó rau muống, 1 bó cúc tần.
- Cách thực hiện: nhặt lấy phần non của cúc tần và rau muống, rửa sạch, ngâm nước muối 30 phút rồi giã nhuyễn và lọc lấy phần nước cốt để uống. Cần làm như vậy liên tục 1 tháng để đạt hiệu quả tối đa.
4.7. Giảm căng thẳng
- Nguyên liệu: 100g óc lợn, 50g hoa cúc trắng, 100g đu đủ chín vừa tới, 50g cúc tần.
- Cách thực hiện: rửa sạch toàn bộ nguyên liệu rồi cho đu đủ, cúc tần, hoa cúc trắng vào nồi cùng 1 lít nước, nấu cho sôi sau đó thêm óc lợn vào, ninh trong 20 phút. Dùng món này ăn trong bữa chính, mỗi ngày 2 lần, duy trì 7 ngày liên tục.
Cây cúc tần thường được khai thác nguyên thân và hoa để phơi khô làm dược liệu
4.8. Chữa bệnh trĩ
- Nguyên liệu: lấy mỗi thứ 1 nắm gồm: lá lốt, lá sung, lá ngải cứu, lá cúc tần; vài lát nghệ tươi.
- Cách thực hiện: đem tất cả nguyên liệu này nấu sôi rồi đợi cho nước hạ bớt nhiệt sau đó xông hơi hậu môn 15 phút. Đến khi nước còn ấm thì cho vào chậu và tiếp tục ngâm hậu môn trong 15 phút nữa rồi lấy khăn bông mềm thấm khô. Tùy vào mức độ trĩ mà duy trì cách chữa này trong khoảng 3 tuần đến 2 tháng.
4.9. Chữa gai cột sống
- Nguyên liệu: 1/4 lon bia, 1 chút muối, 1 nắm lá cúc tần tươi.
- Cách thực hiện: cây cúc tần đem rửa sạch sau đó giã nhuyễn và trộn cùng muối, bia để chắt lấy nước uống. Làm như vậy liên tiếp 7 ngày.
4.10. Một số bài thuốc khác
- Chữa bí tiểu: lấy 100g lá cúc tần tươi hoặc 40g cúc tần khô sắc nước uống thay nước lọc.
- Cải thiện tiêu hóa: rửa sạch 1 nắm lá cúc tần tươi sau đó dùng để ăn sau bữa ăn chính.
Dân gian lưu truyền rất nhiều bài thuốc chữa bệnh từ cây cúc tần nhưng thực tế hiệu quả chữa trị vẫn chưa được khoa học kiểm chứng. Để việc dùng thảo dược này mang lại hiệu quả cao nhất, người bệnh nên tham khảo chỉ dẫn từ thầy thuốc Đông y.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe tại Hệ thống Y tế MEDLATEC có thể liên hệ đặt trước lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa qua tổng đài 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!