Các tin tức tại MEDlatec

Thuốc điều trị Parkinson và những lưu ý khi chăm sóc người bệnh

Ngày 01/09/2023
Parkinson dễ gặp phải ở nhóm người lớn tuổi. Bệnh gây ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động, chất lượng sống của người bệnh. Tuy rằng không thể điều trị dứt điểm căn bệnh này nhưng một số biện pháp có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng bệnh, trong đó bao gồm dùng thuốc, phẫu thuật,... Vậy có những loại thuốc điều trị Parkinson nào và cần lưu ý những gì?

1. Bệnh Parkinson gây ra những triệu chứng gì?

Parkinson là một bệnh lý về thần kinh. Khi hệ thần kinh, tế bào não bị rối loạn thoái hóa dẫn tới rối loạn vận động và thậm chí mất đi một số chức năng vật lý bình thường.

Parkinson gây run tay

1.1. Các loại bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson có thể chia làm 2 nhóm là nguyên phát và thứ phát. Cụ thể như sau:

- Nguyên phát: Phần lớn những trường hợp mắc căn bệnh này thuộc nhóm bệnh nguyên phát hay có thể hiểu là các trường hợp mắc bệnh không rõ nguyên nhân.

- Thứ phát: Bệnh được chia thành các nhóm như sau:

+ Bệnh Parkinson mạch máu: Bệnh thường gây ra những triệu chứng liên quan đến giấc ngủ và trí nhớ hay tâm trạng người bệnh, hạn chế cung cấp máu cho não, do đó có một số trường hợp bệnh nhân có thể bị đột quỵ nhẹ.

+ Bệnh Parkinson do thuốc: Do sử dụng một số loại thuốc điều trị mà có thể mắc phải bệnh Parkinson nhưng những trường hợp này thường kéo dài không lâu.

1.2. Các triệu chứng bệnh

Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp ở những người mắc bệnh Parkinson:

- Bị run tay, run chân và run lưỡi, môi,... ngay cả khi nghỉ ngơi. Khi người bệnh tập trung, xúc động,... mức độ run càng tăng dần, nhưng khi đi ngủ hoặc vận động, triệu chứng bệnh có thể thuyên giảm. Tuy nhiên, tình trạng run có thể tái diễn ngay sau đó.

- Người bệnh không thể vận động nhanh, không linh hoạt như người bình thường. Dáng đi bất thường, di chuyển chậm và các bước đi thường ngắn dần. 

- Cơ và xương của người bệnh có biểu hiện co cứng, khó chuyển động theo ý muốn. Bị tê cứng ở phần vai, lưng hoặc cổ,...

- Giọng nói thay đổi, kém linh hoạt khi nháy mắt, khuôn mặt của người bệnh cũng dần mất đi vẻ tự nhiên, người bệnh không có khả năng biểu đạt cảm xúc, hay bị chảy nước dãi,...

- Khó giữ thăng bằng. Khi đi lại, bệnh nhân thường bị đổ người về phía trước và rất dễ bị ngã nếu có những tác động từ phía sau.

Người bệnh hay bị đổ người về phía trước khi di chuyển

- Người bệnh bị giảm khả năng ngôn ngữ, nhận thức về không gian và thời gian kém dần đi.

- Rối loạn giấc ngủ: Thường xuyên buồn ngủ vào ban ngày, mất ngủ vào buổi tối và hay tiểu đêm khiến người bệnh khó có thể ngủ trở lại.

- Một số triệu chứng khác của bệnh như đau vai, táo bón, khả năng phân biệt các loại mùi giảm, thay đổi tâm lý, thường xuyên mệt mỏi, thay đổi thói quen sinh hoạt, suy giảm ham muốn tình dục, huyết áp giảm đột ngột,...

Những triệu chứng liên quan đến vận động được cho là phổ biến nhất ở người mắc bệnh Parkinson. Những triệu chứng này thường tiến triển chậm và mức độ triệu chứng ở mỗi người bệnh cũng khác nhau. Biểu hiện của bệnh có thể xuất hiện ở một bên cơ thể. Sau một thời gian, khi bệnh tiến triển, những triệu chứng bất thường có thể xảy ra ở cả hai bên.

Nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể gây ra những biến chứng như sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ, viêm phổi, suy kiệt cơ thể, nguy cơ vấp ngã do bị mất thăng bằng, từ đó có thể dẫn đến các chấn thương nghiêm trọng,..

2. Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson

Hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh Parkinson. Tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh có thể kể đến như sau:

- Tuổi tác: Tuổi càng cao thì dopamine càng suy giảm và làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson.

- Môi trường: Tiếp xúc với nhiều loại hóa chất độc hại, có thể kể đến như thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu,...

- Những trường hợp từng bị chấn thương sọ não cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những đối tượng khác.

- Di truyền từ người thân trong gia đình.

3. Các loại thuốc điều trị Parkinson

Người mắc bệnh Parkinson cần được điều trị càng sớm càng tốt. Trong đó, thuốc là một trong những phương pháp điều trị bệnh hiệu quả và phòng ngừa bệnh trở nặng. Dưới đây là một số loại thuốc điều trị Parkinson:

Có nhiều loại thuốc điều trị bệnh

- Thuốc đồng vận dopamine.

- Thuốc thay thế dopamine để bổ sung kịp thời lượng dopamine còn thiếu ở người bệnh.

- Thuốc ức chế dị hóa Dopamine: Có tác dụng kéo dài thời gian hoạt động của dopamine trong cơ thể bệnh nhân.

- Thuốc kháng cholinergic: Có tác dụng ngăn chặn hoạt động của acetylcholine. Tuy nhiên, thuốc có thể gây buồn ngủ, khô miệng, táo bón, giảm tiết nước bọt,...

Bác sĩ sẽ dựa trên mức độ bệnh để kê đơn thuốc phù hợp. Sau một thời gian, bác sĩ sẽ kiểm tra về khả năng đáp ứng thuốc của người bệnh để điều chỉnh lượng thuốc hoặc thay thế loại thuốc phù hợp hơn (trong trường hợp cần thiết).

Tập vật lý trị liệu để cải thiện triệu chứng bệnh

Nếu sử dụng thuốc không mang lại hiệu quả điều trị tốt, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện phẫu thuật, chẳng hạn như phẫu thuật định vị, phẫu thuật kích thích điện vùng liềm đen,...

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên kết hợp với việc phục hồi chức năng như các phương pháp trị liệu ngôn ngữ để cải thiện tình trạng rối loạn về giọng nói và cải thiện khả năng nuốt của người bệnh. Tập vật lý trị liệu để cải thiện tình trạng mất thăng bằng, co cứng, run rẩy chân tay,...

Một số thực phẩm mà người bệnh parkinson nên tiêu thụ trong bữa ăn hàng ngày như cà rốt, cà chua, các loại hạt, các loại trái cây,... Lựa chọn những thực phẩm tươi ngon và có nguồn gốc đảm bảo. Lưu ý, không nên ăn nhiều đường và tránh các loại chất kích thích.

Để được tìm hiểu thêm về bệnh Parkinson hoặc có nhu cầu đặt lịch khám sức khỏe, quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC, các tổng đài viên sẽ hỗ trợ bạn nhanh chóng và chi tiết hơn.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.