Các tin tức tại MEDlatec

Mất tập trung: nguyên nhân và cách khắc phục

Ngày 15/05/2023
Mất tập trung có thể xảy ra ở bất cứ người nào, ở bất kỳ độ tuổi nào. Và tình trạng này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập, chất lượng công việc và sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, việc tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục là rất quan trọng.

1. Mất tập trung là gì?

Hiểu đơn giản thì mất tập trung là tình trạng mà bạn không thể tập trung suy nghĩ một vấn đề nào đó quá lâu. Đồng thời, không thể hoặc khó có thể ghi nhớ được những gì vừa đọc, vừa xem, vừa mới xảy ra. Các dấu hiệu cho thấy bạn đang mất tập trung bao gồm:

  • Nhớ nhớ quên quên, thậm chí là “nói trước quên sau”.

  • Cảm thấy khó chịu, bứt rứt khi phải ngồi yên một chỗ.

  • Các suy nghĩ cứ lướt qua trong đầu, không thể liền mạch, rõ ràng.

  • Hay làm mất đồ hoặc không nhớ được mình đã cất đồ ở đâu.

  • Gặp khó khăn trong việc quyết định hoặc thực hiện những việc phức tạp.

  • Thường xuyên mắc lỗi dù bạn không cố ý và đã cố gắng hết sức.

  • Cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, thiếu sức sống, không thể làm việc gì.

Mất tập trung là tình trạng phổ biến, có thể xảy ra ở bất cứ người nào, ở mọi độ tuổi

2. Các nguyên nhân gây mất tập trung

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến mất tập trung, trong đó phải kể đến các nguyên nhân sau.

Sử dụng mạng xã hội

Mạng xã hội đã và đang phát triển chóng mặt, tác động trực tiếp đến sức khỏe và đời sống của mỗi người. Đặc biệt, sử dụng mạng xã hội quá nhiều sẽ dẫn đến mất tập trung trong học tập, công việc. Bởi việc truy cập mạng xã hội liên tục sẽ vừa làm mất thời gian, vừa khiến đầu óc không được nghỉ ngơi.

Suy nghĩ quá nhiều

Bạn đang có quá nhiều việc phải làm? Và bạn liên tục suy nghĩ về những công việc này? Thực tế, càng suy nghĩ nhiều thì bạn càng sao nhãng, không thể tập trung được vào bất cứ việc gì. Nếu có tập trung thì cũng chỉ được trong thời gian ngắn, rồi “đâu lại vào đấy”.

Suy nghĩ quá nhiều, căng thẳng kéo dài là nguyên nhân gây mất tập trung

Căng thẳng kéo dài

Căng thẳng, áp lực liên tục khiến hệ thần kinh luôn trong trạng thái “căng như dây đàn”. Và tình trạng kéo dài sẽ dẫn đến hội chứng rối loạn lo âu, trầm cảm. Điều này khiến bạn dễ bị phân tán tư tưởng khi làm một việc gì đó. Hay nghiêm trọng hơn là trí nhớ sa sút, vừa ảnh hưởng sức khỏe, vừa giảm hiệu quả công việc.

Thiếu ngủ, mất ngủ

Đây cũng chính là nguyên nhân hàng đầu gây mất tập trung. Bởi chất lượng giấc ngủ kém không chỉ cảnh báo các vấn đề về sức khỏe, mà còn khiến bạn luôn trong “mớ hỗn độn”, lo lắng, trăn trở về công việc, tiền bạc, con cái,… Tất cả những điều này sẽ quấy nhiễu khả năng tập trung của bạn vào ngày hôm sau.

Lười vận động

Nếu bạn lười vận động thì cơ thể sẽ thiếu đi sự linh hoạt và nhanh nhẹn. Thay vào đó là sự “ù lì” và chậm chạp. Như vậy, khả năng tư duy và khả năng tập trung sẽ rất kém. Đó là lý do mà các chuyên gia luôn khuyến cáo, mỗi người nên luyện tập ít nhất 30 phút mỗi ngày để có một sức khỏe tốt và đầu óc minh mẫn.

Mất tập trung có thể xảy ra khi bạn lười vận động, chỉ thích nằm một chỗ

Do tuổi tác

Sự suy giảm trí nhớ và mất tập trung còn đến từ lý do tuổi tác. Theo đó, từ sau 25 tuổi, mỗi ngày sẽ có khoảng 3000 tế bào thần kinh bị chết đi. Trong khi đó, cơ thể lại không tiếp tục sản sinh thêm để “bù đắp” vào. Điều này dẫn đến sự thoái hóa của não bộ, khiến trí nhớ bị suy giảm, kèm theo đó là thiếu tập trung.

3. Cách cải thiện tình trạng mất tập trung

Có thể thấy, mất tập trung do nhiều nguyên nhân gây ra. Việc xác định được nguyên nhân sẽ giúp chúng ta dễ dàng tìm được cách khắc phục. Nhưng nhìn chung, các biện pháp dưới đây có thể giúp phòng tránh và cải thiện vấn đề này hiệu quả.

  • Hạn chế sử dụng Internet và truy cập mạng xã hội. Những lúc rảnh rỗi có thể nghỉ ngơi, đi dạo hoặc trồng cây, chăm sóc nhà cửa, vườn tược.

  • Áp dụng quy tắc thêm 5, nghĩa là trước khi quyết định một vấn đề nào đó mà vẫn còn phân vân, do dự, bạn hãy dành thêm 5 phút nữa để suy nghĩ thật thấu đáo.

  • Nhìn vào đồng hồ và không suy nghĩ gì cả trong vòng 1 phút. Cách này tuy đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao, giúp bạn lấy lại sự tập trung một cách nhanh chóng.

  • Mỗi ngày dành ít nhất 30 phút để chơi thể thao, có thể là chạy bộ, cầu lông, bơi lội,… Sự phối hợp nhịp nhàng giữa não bộ và cơ thể sẽ giúp gia tăng khả năng tập trung.

  • Ngoài ra, luyện tập thể thao còn giúp cơ thể đốt cháy năng lượng dư thừa, mang đến giấc ngủ ngon, phòng tránh mệt mỏi, suy nhược, căng thẳng, lo âu. Từ đó, khắc phục hiệu quả tình trạng mất tập trung, thiếu tập trung.

  • Ngồi thiền, thả lỏng cơ thể và buông bỏ mọi suy nghĩ trong tâm trí, tiềm thức. Bằng cách này, bạn sẽ nhanh chóng lấy lại năng lượng và sự tập trung cho công việc, kế hoạch còn dang dở.

  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học. Tuyệt đối không uống rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng chất gây nghiện và chất kích thích. Nếu không, tình trạng sẽ thêm nghiêm trọng.

Có nhiều cách để lấy lại sự tỉnh táo, tập trung, và ngồi thiền là một trong số đó

Nếu đã áp dụng các biện pháp nói trên nhưng tình trạng mất tập trung vẫn không thuyên giảm thì bạn nên đi kiểm tra sức khỏe. Qua thăm khám, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân và có hướng điều trị hiệu quả. Tránh để tình trạng kéo dài, đặc biệt là ở trẻ em, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là địa chỉ đáng tin cậy để quý khách đến khám và điều trị. Bệnh viện quy tụ đội ngũ bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm cùng hệ thống máy móc hiện đại. Nhờ đó, sẽ nhanh chóng xác định được nguyên nhân cũng như có liệu pháp điều trị thích hợp.

Để được tư vấn dịch vụ khám chữa bệnh và hỗ trợ đặt lịch khám nhanh tại MEDLATEC, quý khách đừng quên gọi đến hotline 1900 56 56 56. Nhân viên sẽ giải đáp mọi thắc mắc và hỗ trợ quý khách đặt lịch nhanh chóng tại Hệ thống Y tế MEDLATEC trên toàn quốc.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.