Các tin tức tại MEDlatec

Những biểu hiện của hội chứng cơ nâng hậu môn

Ngày 30/03/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Những năm gần đây, nhiều bạn đọc bắt đầu tìm hiểu và đặt ra nhiều câu hỏi về hội chứng cơ nâng hậu môn. Thực tế, đây không phải là một bệnh lý mới xuất hiện mà thông thường mọi người rất ít khi quan tâm và tìm hiểu về hội chứng này. Với những biểu hiện ngày một khó chịu, bệnh nhân dần nhận thức được sự ảnh hưởng của bệnh đối với đời sống. Vậy hội chứng này là gì? Các biểu hiện của bệnh ra sao?

1. Giải đáp: Hội chứng cơ nâng hậu môn là gì?

Hội chứng cơ nâng hậu môn hay còn được gọi bằng thuật ngữ tiếng anh là Levator Ani Syndrome, tức là một dạng rối loạn của chức năng cơ sàn chậu. Thông thường, khi bệnh nhân mắc phải hội chứng này sẽ phải đối diện với cảm giác co thắt ở vùng hậu môn và lan tỏa lên xương chậu. Triệu chứng này thường được xem là biểu hiện lâm sàng của tình trạng đau hậu môn mãn tính.

Lý giải: Hội chứng cơ nâng hậu môn là gì?

Theo thống kê của bộ Y tế Thế giới, trong tổng số những bệnh nhân mắc phải hội chứng này thì số lượng người bệnh là nữ giới chiếm tỉ lệ cao hơn. Do đó, chúng ta có thể xem đây cũng là một trong những bệnh lý thường gặp ở các chị em phụ nữ. Bên cạnh đó, cơ nâng hậu môn là một bộ phận rất dễ bị tác động và dẫn đến hao mòn, tổn thương. Nếu không được phát hiện và can thiệp sớm thì bệnh lý này có thể chuyển biến thành hội chứng đau cân cơ.

2. Triệu chứng lâm sàng của bệnh

Phần lớn những bệnh nhân mắc phải hội chứng cơ nâng hậu môn đều cảm thấy đau tức và gặp nhiều vấn đề về đường ruột và đường tiết niệu. Tuy nhiên, tính chất cơn đau hoặc thời gian đau tức ở mỗi đối tượng lại hoàn toàn khác nhau. Một vài trường hợp cảm thấy cơn đau kéo dài liên tục và can thiệp nhiều vào đời sống, sinh hoạt của bệnh nhân. Một vài trường hợp khác chỉ cảm thấy đau tức theo cơn nhưng cơn đau thường dữ dội. Nhìn chung, các bệnh nhân đều gặp phải những biểu hiện lâm sàng dưới đây:

2.1. Đau nhức

Mặc dù, khi đi đại tiện bệnh nhân không có bất kỳ biểu hiện nào khác thường nhưng cơ quan trực tràng vẫn bị đau tức là một tình trạng khá phổ biến ở người bị hội chứng cơ nâng hậu môn. Bên cạnh đó, những cơn đau này thường kéo dài liên tục trong nhiều giờ hay kể cả nhiều ngày liên tiếp. Một số trường hợp khác, cơn đau xuất hiện như một chu kì, tức lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày. Đặc biệt, khi bệnh nhân ngồi hoặc nằm ngửa quá lâu thì cơn đau sẽ xuất hiện trở lại hoặc tính chất cơn đau trở nên trầm trọng hơn.

Thường xuyên bị đau tức vùng xương chậu

Vị trí thường xuyên xuất hiện cơn đau tức là vùng trực tràng rồi lan tỏa sang phần thắt lưng, háng và đùi. Đối với những bệnh nhân là nam giới, cơn đau thường lan xuống tuyến tiền liệt hoặc nặng nề hơn là lan rộng xuống dương vật, tinh hoàn hay kể cả niệu đạo.

2.2. Vấn đề về đường tình dục

Phần lớn những bệnh nhân bị hội chứng cơ nâng hậu môn đều gặp khó khăn khi quan hệ tình dục. Trong đó, tình trạng phổ biến nhất ở nữ giới là triệu chứng đau hậu môn hay kể cả tử cung trong lúc quan hệ. Nặng nề hơn thì triệu chứng này có thể kéo dài nhiều giờ sau khi quan hệ tình dục. Đối với nam giới, bệnh lý này cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng xuất tinh sớm, rối loạn cương dương hoặc đau dương vật khi xuất tinh.

2.3. Gặp vấn đề ở đường ruột và đường tiết niệu

Những triệu chứng liên quan đến đường đại tiện hoặc tiết niệu cũng không quá xa lạ đối với người bị bệnh cơ nâng hậu môn. Đặc biệt, tình trạng táo bón, căng thẳng khi đi đại tiện, các vấn đề khó khăn khi đi đại tiện cũng là một trong những biểu hiện của hội chứng này. Ngoài ra, cơ thể bệnh nhân còn xuất hiện một số triệu chứng đi kèm như:

  • Khó tiêu, chướng bụng, đầy hơi.

Gặp khó khăn trong việc đi tiêu - đi tiểu

  • Đi tiểu nhiều lần, tiểu khó, tiểu gấp, tiểu buốt và nhiều vấn đề bất thường khác liên quan đến đường tiết niệu.

  • Khi đi tiểu thường cảm thấy đau buốt tử cung hoặc khu vực bàng quang.

  • Không kiểm soát được khi tiểu, thường xuyên tiểu sót.

3. Các nguyên nhân gây bệnh

Theo kiến thức y khoa thì đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có tài liệu nào chỉ rõ những nguyên nhân gây ra hội chứng cơ nâng hậu môn. Tuy nhiên, dựa trên một vài nghiên cứu cho thấy những vấn đề sau đây chính là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở mọi người. Cụ thể gồm:

  • Thường xuyên hoặc có thói quen nhịn đi tiểu, đi tiểu khiến cho bàng quang và hậu môn chịu nhiều áp lực.

  • Thường xuyên bị đau ở âm hộ hoặc bị teo âm đạo.

  • Tình trạng đau tử cung kéo dài nhưng vẫn quan hệ tình dục.

  • Sàn chậu bị tổn thương do một số tác động, ví dụ như phẫu thuật, chấn thương hoặc quan hệ tình dục quá nhiều.

Vùng xương chậu bị tổn thương do chấn thương

  • Phụ nữ sau khi sinh con.

  • Một số trường hợp hội chứng cơ nâng hậu môn xuất hiện dưới sự tác động của tình trạng đau vùng chậu mãn tính. Điển hình như viêm bàng quang kẽ, hội chứng ruột kích thích hoặc nội mạc tử cung bị lạc.

4. Các phương pháp điều trị bệnh

Để cải thiện và điều trị các triệu chứng của bệnh cơ nâng hậu môn, bác sĩ sẽ xác định tình trạng của từng đối tượng và lựa chọn giải pháp can thiệp phù hợp nhất. Trong đó, các phương pháp điều trị phổ biến nhất bao gồm:

  • Electrogalvanic Stimulation: đây là phương pháp sử dụng dòng điện kích thích hậu môn bằng đầu dò. Bệnh nhân có thể yên tâm khi chữa bệnh bằng phương pháp này vì dòng điện sử dụng trong điều trị là dạng nhẹ, không gây nguy hiểm đến tính mạng.

  • Vật lý trị liệu: nhằm giảm bớt các triệu chứng đau tức và co thắt ở vùng cơ sàn chậu. Tuy nhiên, phương pháp điều trị này đòi hỏi bệnh nhân phải tập luyện và kiên trì trong thời gian dài.

Điều trị bệnh bằng liệu pháp vật lý trị liệu

  • Biofeedback: hay còn gọi là phản ứng sinh học bằng các thiết bị chuyên dụng nhằm mục đích thư giãn và kiểm soát cơ bắp. Sự kiểm soát này sẽ làm giảm nhẹ áp lực ở vùng hậu môn.

  • Tiêm botox: đây là phương pháp điều trị khá phổ biến và được nhiều bác sĩ lựa chọn nhất với mức độ hiệu quả được đánh giá cao.

Ngoài những phương pháp điều trị trên đây, bệnh nhân nên kết hợp một số giải pháp để giảm bớt những cơn đau ngay tại nhà, điển hình như:

  • Hình thành thói quen tắm kiểu ngồi đồng thời sử dụng nước ấm khi tắm để ngâm vùng hậu môn. Một số nghiên cứu cho thấy, biện pháp này có hiệu quả đáng kể trong việc giảm bớt triệu chứng co thắt ở vùng hậu môn khi bị bệnh.

Tắm ngồi để giảm co thắt cho vùng hậu môn

  • Sử dụng lót gối khi ngồi: những đối tượng thường xuyên ngồi làm việc như nhân viên văn phòng, tài xế thường xuyên ngồi một chỗ nên sử dụng lót gối để hạn chế áp lực tác động lên vùng xương chậu.

  • Sử dụng thuốc NSAID (tức thuốc kháng viêm không có chứa thành phần Steroid: loại thuốc này không chỉ có tác dụng ngăn ngừa viêm nhiễm mà còn đẩy lùi những cơn đau tức, khó chịu do hội chứng cơ nâng hậu môn gây ra.

Với những thông tin hữu ích trên đây, hy vọng các bạn đã hiểu rõ hơn về những vấn đề xoay quanh hội chứng cơ nâng hậu môn. Ngoài ra, mọi người cũng nên chủ động phòng ngừa bệnh và điều chỉnh những thói quen xấu đối với cơ quan bàng quang, đường tiết niệu để giảm bớt nguy cơ mắc bệnh.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.