Tư vấn online
Bạn Ngọc thân mến,
Cảm ơn bạn đã quan tâm và tin tưởng dịch vụ của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC,
Trẻ em đi tiêm phòng về, vết tiêm bị sưng và cứng là do một số tác dụng phụ còn gọi là những phản ứng phụ sau tiêm chủng.
Không nên đắp hay bôi bất cứ gì lên vết tiêm để tránh nhiễm khuẩn: không được đắp khoai tây, chanh... vào chỗ tiêm để giảm đau, sưng. Việc làm này hoàn toàn không có lợi cho trẻ, trái lại còn gây kích thích chỗ tiêm làm bé bị sưng đau, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng chỗ tiêm.
Cách xử trí tại nhà khi trẻ bị những phản ứng nhẹ sau tiêm vắc-xin:
- Nếu trẻ sốt nhẹ: lau mát cho trẻ bằng nước ấm và cho uống thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C.
- Nếu có sưng đau tại chỗ tiêm: chườm lạnh tại nơi tiêm bằng cách dùng khăn thấm nước lạnh sạch chườm vào chỗ tiêm.
- Cho trẻ bú mẹ, ăn uống bình thường, uống nước nhiều hơn.
- Chú ý khi bế trẻ không chạm vào chỗ tiêm.
Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi trẻ bị những phản ứng nặng hơn để được thăm khám và điều trị thích hợp. Các phản ứng sau tiêm trở nên nặng hơn hoặc kéo dài 1-2 ngày:
- Vết tiêm sưng to, hạch sưng to, hạch tồn tại hơn 6 tuần.
- Trẻ sốt cao, khóc nhiều không dứt, mệt nhiều, da tím tái, lơ mơ, co giật, liệt, hôn mê…
Phế cầu là một vi khuẩn thường gây bệnh ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi như các bệnh lý đường tai – mũi – họng như viêm họng, viêm mũi, viêm tai giữa, nặng hơn nữa là viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết. Vắc xin phế cầu là loại vắc xin điều chế từ các thành phần của vi khuẩn phế cầu, có thể tiêm cùng lúc hoặc xen kẽ với bất cứ loại vắc xin nào.
Hiện nay, vắc xin phế cầu được chỉ định cho trẻ từ 6 tuần đến 5 tuổi với nhiều phác đồ khác nhau tuy theo độ tuổi. Trường hợp bé nhà chị được hơn 3 tháng tuổi có thể tiêm vắc xin phế cầu. Liều thứ 2 cách liều thứ 1 tối thiểu 1 tháng. Liều thứ 3 cách liều thứ 2 tối thiểu cũng 1 tháng.
Chúc bạn và gia đình sức khoẻ,
Bác sỹ Dương Thị Thuỷ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!